(Thethaovanhoa.vn) – Rất có thể, Rio sẽ là kỳ Olympic cuối cùng mà Usain Bolt tham dự. Khi anh giải nghệ, liệu rằng ai sẽ có thể trở thành người kế nhiệm của anh, sau khi anh đã truyền cảm hứng tới hàng triệu người bằng câu nói của mình: "Bạn không cần bút để viết nên lịch sử".
- Usain Bolt thi chung kết 100m ở Olympic vẫn không quên... Man United
- Usain Bolt ăn gì mỗi ngày để trở thành 'vua tốc độ'?
- Usain Bolt quay lại mỉm cười với đối thủ trước khi cán đích
Cách ăn mừng quen thuộc của Bolt
9,81 giây. Con số không tệ, nhưng nhìn vào thực tế, nó không được như “tượng đài” mà chính Bolt đạt được hồi năm 2009. Anh cho biết, cuộc đua ở trận bán kết đã tiêu tốn của anh khá nhiều năng lượng, và đây cũng là điều dễ hiểu khi bạn đã già đi 6 tuổi so với năm đó.
Usain Bolt là một trong những tượng đài của thể thao nói chung, và trong làng điền kinh nói riêng. Anh giữ kỷ lục của nội dung 100m, và cho đến nay, chưa ai có thể vượt qua con số 9,58 giây đó, ngay cả chính anh. Hiện tại, cơ hội trở thành VĐV vĩ đại nhất trong lịch sử Olympic đang tiệm cận với Bolt, nếu anh hoàn thành 2 nội dung 200m và 4x100m tiếp sức.
Anh là một VĐV phi thường. Với chiều cao 1m95, sải chân dài, khả năng bứt tốc khủng khiếp, khó có ai có thể qua mặt được anh, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhưng, có lẽ Rio sẽ là kỳ Olympic cuối cùng mà “Tia chớp đen” tham dự. VĐV giành Huy chương đồng, Andre De Grasse cho biết như vậy.
De Grasse rất hâm mộ Usain Bolt
“Sẽ rất khó để có thể làm được chính xác những gì mà tôi đã làm, nhưng chỉ cần nỗ lực không ngừng”, Bolt nói. “Bạn luôn luôn phải thúc đẩy chính bản thân mình, vượt qua những giới hạn của chính mình”.
Sau Bolt, liệu rằng ai sẽ là người có khả năng kế nhiệm được anh, khi mà anh giải nghệ?
Câu trả lời là có.
De Grasse là một trong những VĐV như vậy. VĐV 21 tuổi người Canada trước đây từng là cầu thủ bóng rổ. Nhưng tại ngôi trường anh theo học, người ta đã dời môn bóng rổ cho các học sinh cuối cấp. Vậy là Grasse đã bắt đầu tập chạy trong thời gian đó, và anh trở nên hứng thú với môn thể thao này. Năm ngoái, anh đã giành chiến thắng ở nội dung 100m và 200m ở Pan Am Games, và vừa rồi, anh trở thành người Canada đầu tiên giành huy chương, kể từ thành tích của Dônvan Bailey hồi năm 1996.
De Grasse và Bolt đã gặp nhau và trao nhau cái ôm nồng nhiệt ngay sau khi cuộc đua kết thúc. VĐV người Canada chia sẻ, anh muốn được chạy đua với Bolt càng nhiều càng tốt, trước khi Bolt giải nghệ. Anh cũng nói, anh muốn một ngày nào đó được đeo chiếc Huy chương vàng trên ngực.
2 VĐV trao nhau cái ôm nồng nhiệt sau cuộc đua
“Tôi luôn sẵn sàng cho những thách thức”, De Grasse nói. “Đây là kỳ Olympic đầu tiên của tôi, và thậm chí tôi đã được đứng trên bục nhận huy chương ngay tại lần đầu tiên này. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã chiến đấu kiên cường, gặp chấn thương, và vẫn tiếp tục cố gắng. Cảm giác thật tuyệt vời”.
Một VĐV khác là Trayvon Bromell của Mỹ, trẻ tới mức còn không biết tới chức vô địch của Gatlin hồi năm 2004. Tuy ở chung kết, Bromell chỉ cán đích ở vị trí thứ 8, và còn gặp phải chấn thương, nhưng anh luôn phá những kỷ lục của chính mình. Anh nói: “Nếu bạn biết rằng tôi từ đâu tới, bạn sẽ hiểu được sự khao khát của tôi khi tôi tới đây. Tất cả những hình xăm trên người tôi là dấu hiệu của những nơi mà tôi đã trải qua, những khu phố mà tôi đã sống. Tôi luôn luôn nỗ lực, luôn phải chạy khỏi những nơi đó. Tôi ở đây không phải để giành chức vô địch, mà tôi muốn trở thành một niềm cảm hứng”.
VĐV Trayvon Bromell của Mỹ
Cũng như Usain Bolt, người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới: Cố gắng không ngừng, và làm nên những điều phi thường. Như chính anh từng nói: “Bạn không cần bút để viết nên lịch sử”. Sau tất cả, tại một thời điểm nào đó, Bolt cũng chỉ là một đứa trẻ hồn nhiên, vô tư, không có gì khác ngoài những quyết tâm. Nhưng lúc này, anh đã là một VĐV điền kinh vĩ đại.
Trần Tú
Tags