11/03/2012 19:16 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH Cuối tuần) - Ngoài việc đổ mồ hôi trên sân tập và sân thi đấu, dù đã là triệu phú, rất nhiều ngôi sao thể thao vẫn hăng hái với việc kiếm thêm từ những nghề tay trái. Dễ hiểu là nhiều người chọn thêm nghề phụ tận dụng danh tiếng của họ, như đóng quảng cáo hay mở sân tập, nhưng cũng có những người khác làm những nghề không hề dính dáng gì tới bóng đá hay quần vợt, mà phổ biến nhất có lẽ là buôn bất động sản và mở nhà hàng.
Có tiền mua đất
Giống như bất kỳ ai có thu nhập hàng triệu bảng Anh mỗi năm, các cầu thủ bóng đá ngôi sao đang chơi ở giải Ngoại hạng Anh nghĩ trước hết đến việc đầu tư bất động sản để đầu tư khoản tiền lương khổng lồ của họ. Tuy nhiên, không biết có phải vì nghiệp quần đùi áo số hay không mà hầu hết các vụ làm ăn của những danh thủ bóng đá đều có kết cục không mấy vui vẻ.
Hai ví dụ điển hình nhất có lẽ là các danh thủ của đội đương kim vô địch Anh Manchester United, Gary Neville và Ryan Giggs. Báo chí nước này cho biết bộ đôi kỳ cựu của Old Trafford đã thua lỗ tới 1,5 triệu bảng vì những vụ hùn hạp đầu tư nhà đất. Với những khoản lương thưởng khổng lồ trong suốt sự nghiệp hoành tráng rất nhiều danh hiệu trong màu áo đỏ, Giggs và Neville thừa tiền để theo đuổi những dự án bất động sản lớn nhất, và họ đã làm như vậy.
Các ngôi sao của M.U đầu tư vào địa ốc - Ảnh Getty
Bộ đôi này đã chi ra một triệu bảng cho một khu resort ở Malta và nhiều dự án thông qua công ty Cuban Group do chính họ thành lập hồi năm 2010. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm hoạt động, công ty bất động sản này đã thua lỗ hơn 430.000 bảng theo sổ sách hồ sơ. Cộng thêm vào đó khoản nợ 1.065.000 bảng nữa, cuộc phiêu lưu nhà đất đã khiến họ thua lỗ tổng cộng 1,5 triệu bảng. Những dự án tại hòn đảo Địa Trung Hải, do tình hình kinh tế hết sức ảm đạm ở châu Âu hiện giờ, thì ngày càng trở nên mờ mịt.
Thế mà khi mới thành lập Cuban Group, Giggs và Neville tự tin tới mức họ đã kêu gọi số vốn tới 20 triệu bảng với hy vọng mua lại khách sạn Cavendish Square ở ngay trung tâm thủ đô London, đồng thời vẽ ra một dự án khách sạn 10 tầng khác, trên diện tích đất 8.000 mét vuông, và có 139 phòng, đối diện với sân bóng huyền thoại Old Trafford mà họ quảng bá rất nhiệt tình. Tuy nhiên, tình hình làm ăn thua lỗ ở công ty Cuban đã nhanh chóng khiến lòng tin của các nhà đầu tư xẹp lép và mọi kế hoạch trong mơ của Giggs và Neville đều đã phải gác lại.
Tỏ ra đẳng cấp hơn hẳn, những ngôi sao quần vợt cũng đầu tư đất đai, nhưng chắc tay hơn nhiều so với các đồng nghiệp đá bóng. Andy Roddick chẳng hạn, đã bỏ ra 2,3 triệu USD để mua lại một ngôi nhà ven hồ rộng 3.000 mét vuông ở Austin, Tesax. Bất chấp tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản Mỹ, năm ngoái, Roddick đã rao bán căn nhà của anh với giá tới 4 triệu USD. Một ví dụ khác là gia đình Williams, với hai chị em Serena và Venus. Những chủ nhân của 20 Grand Slam này (13 của Serena và bảy của Venus) cũng là chủ nhân căn biệt thự được định giá không dưới 15 triệu USD tại Palm Beach, Florida mà họ mua lại với với giá chỉ 500.000 USD vào năm 1998.
Từ mở nhà hàng tới làm diễn viên
Nếu như buôn đất tậu nhà đơn thuần là chuyện tiền bạc, để tích lũy hoặc kiếm lời, thì nhiều ngôi sao thể thao làm thêm nghề tay trái còn bởi đam mê.
Mở nhà hàng ăn uống là một nghề như thế. Rio Ferdinand, hậu vệ đang khoác áo Man United, có lẽ là ví dụ thành công nhất. Anh hiện là đồng sở hữu của nhà hàng Rosso ở trung tâm thành phố Manchester. Nhà hàng Ý luôn rất đông khách này nằm ở tòa nhà có tuổi đời 114 năm với bài trí cực kỳ sang trọng. Những chủ nhân, ngoài Ferdinand, còn có doanh nhân nổi tiếng của Manchester, Adam Karim, và một đối tác thứ ba giấu tên. Kể từ khi nhà hàng mở cửa từ tháng 11-2009 tới nay, nó không chỉ trở thành điểm đến của những người sành ăn địa phương, mà còn là một địa chỉ không thể bỏ qua với các cổ động viên Man United từ khắp nơi có dịp đến thăm thánh đường Old Trafford.
Trong giới cầu thủ, người duy nhất có khả năng sánh được với Ferdinand về kinh doanh nhà hàng có lẽ là tiền vệ người Hà Lan Clarence Seedorf của AC Milan. Anh sở hữu một nhà hàng nổi tiếng ở thành phố bắc Ý với tên gọi Những ngón tay. Đó là một nhà hàng phong cách Nhật anh đồng sở hữu với bếp trưởng đứng bếp lai Nhật Bản-Brazil, Roberto Okabe. Tạp chí cho giới sành điệu GQ thậm chí liệt kê nhà hàng này trong danh sách tốp 10 nhà hàng Nhật trên toàn thế giới.
Có thể thấy rằng các cầu thủ bóng đá thành công với nghiệp mở tiệm ăn đều là những người khôn ngoan lựa chọn các đối tác am hiểu ngành nghề, chứ không tự làm rồi tự chịu như Giggs hay Neville trong trường hợp bất động sản. Steven Gerrard, đội trưởng của Liverpool, là một ví dụ khác về thành công trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống. Năm 2010, anh đã mua lại thương hiệu của nhà hàng Mỹ The Warehouse Brasserie cùng đầu bếp nổi tiếng Paul Adams để khai trương tại Southport, Merseyside. Chỉ hai tháng sau khi nhà hàng khai trương, chuyên gia ẩm thực Matthew Norman đã đến ăn thử, viết một bài bình luận đặc biệt và chấm điểm cho nhà hàng 11/10 với lời nhận xét: “giống như chủ nhân của nó trên sân cỏ, nhà hàng này đã thể hiện được 110% phong độ”.
Trần Trọng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất