Nghi ngờ vật liệu từ sân cỏ nhân tạo gây ung thư: Nỗi lo sợ ngày một lớn dần của người Mỹ

Chủ nhật, 06/03/2016 13:47 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn)- Những quan ngại về sự an toàn của các mặt sân thể thao nhân tạo với sức khỏe con người là vấn đề đã được đặt ra rất nhiều năm qua ở Mỹ.

Năm 2014, đài NBC thực hiện một phóng sự điều tra chi tiết về liên hệ tiềm tàng giữa loại cỏ nhựa được sử dụng ở các sân nhân tạo và những cầu thủ nữ bị ung thư. Phóng sự tập trung vào Amy Griffin, HLV trưởng đội bóng đá nữ Đại học Washington. Theo lời Griffin, “rất nhiều trẻ nhỏ” chơi trên mặt sân cỏ nhân tạo bị bệnh ung thư, với danh sách cụ thể 38 cầu thủ, 34 là những thủ môn, bị chẩn đoán mắc ung thư. Ít nhất 12 người trong số đó từng chơi ở Washington. Những chứng ung thư máu chiếm ưu thế áp đảo trong danh sách này.

Tháng 3 năm ngoái, tới lượt báo Mỹ USA Today đưa tin mặt sân cỏ nhân tạo được sử dụng ở hàng nghìn trường học, sân chơi và các trung tâm chăm sóc trẻ nhỏ khắp nước Mỹ có thể có những chất nguy hại cho sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, “hai cơ quan cấp liên bang vẫn tiếp tục quảng bá rằng các mặt sân này an toàn”, tờ báo viết. “Nước Mỹ hiện có hơn 11.000 sân cỏ nhân tạo, mà việc thay thế mỗi sân có thể tiêu tốn 1 triệu USD”.


Bà Amy Griffin, một HLV bóng đá, là người đầu tiên nghi ngờ, vì có quá nhiều học trò của bà bị ung thư

Một năm sau, tờ báo tiếp tục trở lại với chủ đề này và cách đây mấy ngày, đã đăng một bài nữa chỉ trích dữ dội các cơ quan quản lý của nhà nước liên quan tới vấn đề này. “Bất chấp những tranh luận về an toàn của mặt sân với sức khỏe trẻ nhỏ”, bài báo viết. “Các cơ quan liên bang quản lý việc này vẫn hoàn toàn im lặng. Đầu tháng này (tháng 2/2016), người đứng đầu Cục Bảo vệ Môi trường Liên bang (EPA) thực ra đã không trả lời một câu hỏi trực tiếp trước ống kính máy quay của chúng tôi về việc mặt sân có an toàn cho trẻ em hay không”.

Ủy ban Năng lượng và Thương mại ở Hạ viện Mỹ, trước sức ép của dư luận, rốt cuộc cũng đã gửi một lá thư yêu cầu EPA phải tìm kiếm thêm thông tin về sự an toàn của sân nhân tạo, với thời hạn chót là ngày 6/11/2015, nhưng rồi EPA đã không thể đáp ứng yêu cầu đó. Phải tới rất gần đây, các cơ quan chính phủ mới bắt đầu thực sự quan tâm tới vấn đề này, khi một tổ liên ngành của EPA, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC) và Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDCP) được thành lập để bắt đầu thực sự tìm hiểu những thông tin mà truyền thông đã đăng tải.

Câu chuyện của Griffin

Năm 2009, 2 thủ môn trẻ của HLV Griffin bị chẩn đoán mắc chứng ung thư máu. Bà tới thăm họ thường xuyên ở bệnh viện tại Seattle, cố gắng hỗ trợ họ về tinh thần trong quá trình hóa trị khắc nghiệt.

Các sân cỏ nhân tạo ngày nay tràn ngập nước Mỹ, từ những trường cấp ba tới các khu phức hợp thể thao trị giá nhiều triệu USD. Thứ cỏ nhựa đó bám vào người cầu thủ ở khắp mọi nơi, trong quần áo đồng phục, trong tóc, miếng lót ống quyển, giày… Nhưng các thủ môn có lẽ là những người tiếp xúc với thứ cỏ đó nhiều nhất trên sân. Khi tập và trong các trận đấu, họ lăn lê bò toài hàng trăm lần trên mặt sân nhân tạo. Cỏ nhựa thường xuyên cắt vào da thịt họ, gây ra những vết xước, và vào cả miệng họ nữa. Griffin đặt câu hỏi phải chăng thứ cỏ đó là nguyên nhân khiến họ mắc bệnh.


Mẹ của Austen Everett (trái) qua đời năm 2012 vì bệnh ung thư máu cũng muốn biết là hạt cao su có hại hay không?

“Tôi đã làm HLV 26-27 năm”, bà nói. “Trong 15 năm đầu, tôi không nghe gì về chuyện này, nhưng rồi bỗng nhiên hàng loạt trẻ bị bệnh”. Hiện chưa có nghiên cứu chính thức nào liên hệ bệnh ung thư với sân cỏ nhân tạo. Griffin chỉ thu lượm tên các cầu thủ qua kinh nghiệm cá nhân của bà, và thừa nhận không thể coi đó là dữ liệu khoa học. Nhưng bà cũng sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước chuyện này. Cỏ nhân tạo thực ra được làm từ các chất liệu sợi tổng hợp và lốp xe bỏ đi, có thể chứa benzene, carbon đen và chì, cùng nhiều chất độc hại khác. Chưa có mấy nghiên cứu tường tận về việc tiếp xúc thường xuyên với chúng.

Cuộc điều tra của NBC

Cuộc điều tra rộng khắp của NBC, đã tham khảo những nghiên cứu có tương quan và bao gồm nhiều cuộc phỏng vấn các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu trong ngành, cũng không thể tìm ra sự nhất trí về tác hại của mặt sân nhân tạo. Tuy nhiên, sự lo ngại vẫn cứ ngày một lớn dần.

Hội đồng Sân thể thao Chất liệu Tổng hợp (STC), một nhóm vận động cho các doanh nghiệp sân nhân tạo ở Mỹ, nói bằng chứng cho tới giờ từ các nhà khoa học và những cơ quan chức năng cấp bang và liên bang cho thấy mặt sân nhân tạo là an toàn. “Chúng tôi có 14 nghiên cứu trên trang của mình nói không thể tìm thấy tác động tiêu cực nào với sức khỏe”, tiến sĩ Davis Lee, một thành viên hội đồng, nói. “Cho tới giờ có đủ bằng chứng để nói rằng các sân nhân tạo là an toàn”.

Các nghiên cứu từ CPSC và EPA 5 năm trước có vẻ nhất trí với Lee, nhưng năm 2014, họ đã rút lại các kết luận của mình, nói những nghiên cứu đó “còn có hạn chế”. Cùng lúc, trong khi EPA nói cần thêm những thử nghiệm, cơ quan này coi sân cỏ nhân tạo là “vấn đề do cấp bang và địa phương quyết định”, nên sẽ không tài trợ cho các nghiên cứu sâu hơn. “Những quan ngại là không thể xem thường”, Jeff Ruch, giám đốc điều hành nhóm bảo vệ môi trường PEER, nói. PEER đã đệ đơn kiện cả CPSC và EPA lên tòa án vì không chịu theo dõi và giải quyết vấn đề sân cỏ nhân tạo.


Các hạt cao su bắn tung lên cao trong một pha tranh chấp bóng ở nước ngoài

Theo NBC, cỏ nhân tạo được phát minh ra lần đầu vào năm 1964 bởi Monsanto (hãng hóa-sinh là “tác giả” của chất độc da cam và một công ty vận động mạnh mẽ cho thực phẩm biến đổi gien). Tên ban đầu là “ChemGrass”, tức “cỏ hóa học”, sản phẩm này trở nên nổi tiếng sau khi được sử dụng ở khu phức hợp thể thao đa năng Astrodome, Houston, vào năm 1966. Tới đầu những năm 2000, một kiểu cỏ nhân tạo được cho là tốt hơn xuất hiện, cao su styrene butadiene, hay cao su vụn, tái chế từ vỏ xe và các hóa chất tổng hợp. Cỏ này giúp bóng nẩy hơn và mềm hơn, giúp VĐV tránh những chấn thương vì tiếp xúc với mặt sàn quá cứng. Kể từ đó, chất liệu này đã trở nên cực kỳ phổ biến. Nhiều thành phố khắp nước Mỹ đã huy động nhiều triệu USD trái phiếu để xây các sân cỏ nhân tạo mới, được cho là rẻ hơn và có thể hoạt động quanh năm bất chấp thời tiết.

Ngày nay, theo số liệu từ STC, có hơn 11.000 sân thể thao như thế khắp nước Mỹ, chủ yếu sử dụng chất liệu mới, chưa kể các sân chơi cho trẻ em. Cao su vụn được coi là “một câu chuyện bảo vệ môi trường thành công”, theo lời Dan Zielinski, người phát ngôn của Hiệp hội Những nhà chế tạo Cao su Mỹ, bởi nó giúp tái chế các vỏ xe, không đòi hỏi phân bón hay thuốc trừ sâu như với cỏ tự nhiên, giúp tiết kiệm hàng trăm nghìn lít nước mỗi năm cho các thành phố. “Lợi ích là rõ ràng”, Zielinski nói. “Còn rủi ro, nếu có, là cực thấp”.

Chuyện của Swarthout

Jordan Swarthout, 22 tuổi, bắt đầu chơi bóng đá từ năm 4 tuổi. Cô bắt gôn từ 9 tuổi và nhanh chóng nghiện “cơn lốc adrenaline” mỗi lần bóng tới gần khung thành. 11 tuổi Swarthout, lớn lên ở Sumner, Washington, cách Seattle khoảng 45 phút về phía nam, chủ yếu chơi trên sân cỏ nhân tạo bằng cao su vụn.

Khi cô và các đồng đội hỏi sân làm từ chất liệu gì, “lốp xe cũ” là câu trả lời mà cô nhận được. “Chúng tôi luôn tự hỏi thực ra nó là gì, và chưa bao giờ nhận được câu trả lời thực sự rõ ràng”, cô nói. Mùi của mặt sân bị thiêu đốt dưới ánh mặt trời nhanh chóng trở nên quen thuộc với Swarthout. Ở trường cấp ba, cô chơi cho nhiều đội khác nhau, tập 2 tiếng mỗi ngày, 5 ngày một tuần, và ra sân ít nhất 2 trận/tuần. Ngày nào cô cũng phải chùi cỏ ra khỏi quần áo và cơ thể mình.

Mẹ của Jordan, Suzie Swarthout, nói con gái bà có lẽ đã nuốt hàng trăm vụn cao su mỗi năm. Nhưng cả Jordan và Suzie không lấy làm lo lắng lúc đó. “Chúng tôi tự tin rằng các nghiên cứu đã được thực hiện đầy đủ”, Suzie nói. “Chúng tôi đều biết lốp xe có hại thế nào”. Năm 2013, sau hơn một năm gặp các vấn đề về tuyến giáp, Jordan bị chẩn đoán ung thư máu giai đoạn ba.

Nhà Swarthout rốt cuộc cũng liên hệ với Griffin. Họ đều hiểu không thể tìm ra nguyên nhân rõ ràng và chính xác một chứng bệnh như ung thư, và những người trẻ tiếp xúc với hàng trăm loại chất có thể gây ra chứng bệnh này. Nhưng Jordan Swarthout vẫn muốn làm những gì có thể làm được: “Nếu chúng ta có thể nghiên cứu, thì tại sao chúng ta không làm?”


Các hạt cao su là mỗi nghi ngờ chính

Một vấn đề với việc nghiên cứu rủi ro từ nhựa lốp xe tái chế là sự đa dạng của chất liệu làm nên chúng. Hàng chục ngàn loại lôp xe từ những thương hiệu khác nhau có thể đã được dùng cho các sân cỏ nhân tạo. Theo EPA, thủy ngân, chì, benzene, các hydrocarbon polycyclic không màu, arsenic, các kim loại nặng, và những chất gây ung thư khác từng được tìm thấy trong lốp xe.

Những người như Darren Gill, Phó chủ tịch tiếp thị của FieldTurf, một công ty sân nhân tạo hàng đầu, hay Lee, người của STC, đều khẳng định mặt cỏ nhân tạo là an toàn vì lượng hóa chất trong chúng là quá ít”. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện có đã đo đạc rủi ro của việc tiếp xúc với những hóa chất độc hại thông qua hít vào dưới dạng khí và các hạt nhỏ, cũng như tiếp xúc qua da. Các nghiên cứu thấy rằng sân cao su vụn, dưới trời rất nóng, có thể tỏa ra một loại khí bị hít vào trong phổi.

Một nghiên cứu khác, xuất bản năm 2013 trên tạp chí khoa học chuyên ngành Chemospheres, với chủ đề là thảm và các miếng phủ cao su, kết luận rằng “việc sử dụng lốp xe cao su, nhất là để làm sân chơi cho trẻ em, cần được nghiên cứu thêm bởi nhà chức trách”. Một nghiên cứu năm 2006 ở Na Uy thì đánh giá việc hít phải, nuốt phải hay tiếp xúc qua da với cao su vụn ở các sân trong nhà có thể gây hại cho cơ thể như thế nào.

Theo tiến sĩ Joel Forman, giáo sư về bệnh nhi và dịch tễ học ở Bệnh viện Mt. Sinai, New York, trong các nghiên cứu đó, dữ liệu không đủ khiến cho khó thể đưa ra một kết luận rõ ràng. “Không nghiên cứu nào được tiến hành trong dài hạn, hiếm khi bao gồm trẻ nhỏ và chỉ nhìn vào sự tập trung của hóa chất và so sánh chúng với điều kiện tiêu chuẩn”, tiến sĩ Forman nói. “Điều đó đã không tính được tới các tác động dưới mức triệu chứng, lâu dài, và có tính chất phát triển qua thời gian”.

Phản ứng

Trong khi những tranh cãi chưa kết thúc, một số thành phố ở Mỹ đã hành động. Sở quản lý Công viên thành phố New York chẳng hạn, ra lệnh ngưng lắp đặt sân cỏ nhân tạo ở những nơi do họ quản lý từ năm 2008. Một năm sau, tới lượt Cơ quan quản lý trường học Los Angeles. Ở Maryland, một nhóm vận động môi trường đã tổ chức lại để ngăn chặn một dự luật chi tiền ngân sách bang xây sân nhân tạo.

Trong ít nhất 4 năm, người dân và các nhóm vận động quan ngại về sân cỏ nhân tạo đã chiến đấu chống lại việc lắp đặt các sân cỏ nhân tạo ở công viên Golden Gate, San Francisco. Năm 2014, một thẩm phán đã bác một đơn kiện chống lại thành phố nói báo cáo tác động môi trường của thành phố về sân cỏ nhân tạo đã không cho biết hết các rủi ro liên quan. Vụ này đang được kháng án.

Malaysia phản đối việc thi đấu trên sân cỏ nhân tạo

Malaysia phản đối việc thi đấu trên sân cỏ nhân tạo

Liên đoàn bóng đá Malaysia hôm qua (21/10) đã lên tiếng sẽ phản đối mạnh mẽ nếu AFF chấp thuận cho đồng chủ nhà Singapore tổ chức các trận đấu bảng B VCK tại sân Jalan Besar có mặt cỏ nhân tạo thay vì SVĐ quốc gia nước này.


Những nhóm vận động cũng đềnghị các biện pháp thay thế khác, như sử dụng sân từ sợi sơ dừa và nút chai tái chế thay vì lốp xe, hay cấm trẻ nhỏ sử dụng các sân chơi cỏ nhân tạo. Nhóm môi trường Trung tâm Sức khỏe Môi trường (CEH) cũng đã có hành động pháp lý chống lại hàng loạt công ty sân cỏ nhân tạo ở California nói các công ty này vi phạm một đạo luật của bang cấm các công ty để người tiều dùng tiếp xúc với một số hóa chất cụ thể và các kim loại nặng, như chì, mà không có cảnh báo rõ ràng. Trong một thỏa thuận dàn xếp, các công ty đồng ý giảm hàm lượng chì trong sản phẩm và thay một số sân cho trẻ quá nhỏ.

Giờ thì các cơ quan chính quyền Mỹ cũng nhảy vào cuộc, và cuộc chiến với sân cỏ nhân tạo sẽ bước vào một khúc quanh mới.

Câu hỏi an toàn đặt ra cho cả sân chơi cho trẻ nhỏ


Hãng tin NBC (Mỹ) trong khi đi tìm câu trả lời về độ an toàn của sân cỏ nhân tạo cũng đã dành sự quan tâm tới bề mặt sân chơi dành cho trẻ nhỏ ở Mỹ. Vì có nhiều mặt sân chơi cũng sử dụng loại nguyên liệu tương tự là những hạt cao su nghiền từ vỏ lốp xe hơi. Câu chuyện từ một sân chơi ở thị trấn nhỏ Bandon thuộc tiểu bang Oregon. Chính quyền địa phương trong khi đi tìm vật liệu để thay thế cho những mầu dăm gỗ trải nền trước kia đã chọn hạt cao su với lý do nó sẽ êm hơn, an toàn hơn nếu như trẻ nhỏ ngã xuống. Thậm chí, ở đó còn làm hẳn một cái bể toàn hạt cao su đen bóng.

Những hạt cao su này dính vào chân trẻ con sau những buổi vui chơi, theo chúng về nhà. Các bà mẹ gặp khá nhiều vất vả trong việc ngăn cản con cái của mình cho những hạt cao su vào miệng giống như thói quen cho tay và các đồ vật khác vào miệng.

Có hai cách để đưa cao su vào sân chơi để giảm đau cho trẻ khi ngã: Một là tạo ra những tấm thảm bằng cao su, các hạt kết dính với nhau, giống như đường chạy điền kinh ở các sân vận động. Hai là đổ các hạt cao su rời rạc xuống bề mặt. Rắc rối nằm ở cách thứ hai. Còn cách thứ nhất được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia phát triển khác.

Tiến sĩ Philip Landrigan, trưởng khoa sức khỏe toàn cầu của bệnh viện Mt. Sinai, New York, một chuyên gia đầu ngành chuyên nghiên cứu các ảnh hưởng của hóa học với trẻ em đánh giá về vấn đề này với NBC, những nguy hại từ việc tiếp xúc với các chất hóa học độc hại có thể gây bệnh sau đó nhiều năm, thậm chí vài thập kỷ, "và tốt nhất là không nên để trẻ tiếp xúc với những vật chất hóa học nguy hiểm ấy. Phóng sự này của NBC cũng "móc" với chuyện mà họ đề cập ở các sân cỏ nhân tạo, vì nó có cùng nguyên liệu. Chỉ khác là các sân chơi ở Mỹ, không thiết kế mặt nền là các lớp cỏ nhựa có lót hạt cao su giống như sân đá bóng mà thôi.

K.A


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›