Nguyễn Hữu Việt 3 lần vô địch SEA Games: Cảm ơn “kình ngư”!

Chủ nhật, 20/12/2009 07:52 GMT+7

Google News
(TT&VH cuối tuần) - Không tính SEAP Games, phải đến SEA Games năm 2001 thì bơi lội Việt Nam mới có huy chương đầu tiên ở (huy chương bạc 100m ếch của Trần Xuân Hiền). Nhưng chính “kình ngư” Nguyễn Hữu Việt mới khiến bơi lội Việt Nam có vị thế mới ở khu vực với chiến tích 3 lần liên tiếp vô địch SEA Games 100m ếch, phá kỷ lục SEA Games cự ly này ở Vientiane ngày 11/12/2009, chưa kể lần đầu đoạt huy chương bạc SEA Games ở 200m ếch.

Duyên nợ với bơi ếch

Một lần, HLV Chu Thị Bầng (Sở TDTT Hải Phòng cũ) về lại quê “gốc” của mình là xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên để tuyển sinh, gặp cậu bé Nguyễn Hữu Việt nhanh nhẹn, có độ nổi khá tốt và mới biết lội. Sau gần hai tháng học kỹ thuật bơi cơ bản, Việt đoạt HCV đầu đời, cự ly 50m ếch (nhóm 10 tuổi trở xuống), giải VĐ các nhóm tuổi toàn quốc năm 1997. Tháng 1/1998, Nguyễn Hữu Việt vào trường Nghiệp vụ TDTT của tỉnh. Năm 2001, Hữu Việt tập huấn ĐT trẻ quốc gia ở Đà Nẵng, nhờ bơi tốt các kiểu ếch, tự do và bướm.

Tháng 6/2002, Sở TDTT Hải Phòng tự đầu tư cho Hữu Việt tập huấn ở Quảng Tây (Trung Quốc), nhằm tập trung vào kiểu bơi ếch. HLV Chu Thị Bầng cho biết: “Cứ như Trời sinh ra Việt để bơi ếch, vì em sớm bộc lộ sự phối hợp nhịp nhàng, bên cạnh biểu hiện là thông số bơi 100m, 200m ếch của Việt tăng tiến đều đặn hàng năm”.

Tháng 6/2003, chuyên gia Hoàng Quốc Huy chính thức “1 kèm 1” cho Nguyễn Hữu Việt ở Trung Quốc, thì đến tháng 10/2003, tại giải VĐQG, Việt đoạt HCV 100m ếch (1’07”50), giành suất tham dự SEA Games 22 từ tay Trần Xuân Hiền (đoạt HCB SEA Games 21 cũng ở cự ly 100m ếch).

Đối thủ là chính mình

Ở SEA Games 22, tuy Việt chỉ đoạt HCĐ với 1’04”94, nhưng Sở TDTT Hải Phòng cũ vẫn tiếp tục tập trung kinh phí cho Việt tập huấn dài hạn ở Trung Quốc, mục đích là tranh chấp HCV 100m ếch SEA Games 23 sau khi nghe ngóng được tin tức tay bơi số 1 Đông Nam Á cự ly này Ratapong Sirisanont (Thái Lan) sắp giải nghệ, còn tay bơi số 2 Aumpiwan Vorrawuti (Thái Lan) trạc tuổi Việt.


Kình ngư Nguyễn Hữu Việt  3 lần liên tiếp vô địch SEA Games ở cự li 100m ếch

Tháng 8/2005, tại giải VĐTG, biết tin Ratapong chính thức nghỉ đấu, còn tay bơi Vorrawuti có thông số 1’04”60 thì chị Bầng và HLV Hoàng Quốc Huy đều muốn “nghẹn thở” khi hy vọng HCV 100m ếch rất gần, bởi trước đó Việt bơi 1’05” trong trạng thái không được điều chỉnh trước thi đấu cũng như mất ngủ 2 đêm liền tại giải VĐ các nhóm tuổi Đông Nam Á 2005. Tại giải VĐQG (tháng 10/2005), các HLV của Việt cũng không điều chỉnh sâu và vẫn duy trì lượng vận động cao, mà Việt vẫn cải thiện thành tích được 1’03”. SEA Games 23 tháng 12/2005 tại Philippines, Nguyễn Hữu Việt lần đầu lên ngôi vô địch khu vực ở 100m ếch với 1’03”80. Nếu tính từ lúc kình ngư Phan Kế Nhơn đoạt HCV 100m ếch nam ở SEAP Games 1959 thì phải trải qua 46 năm bơi lội Việt Nam mới có 1 chiếc HCV khu vực, nhờ công của Nguyễn Hữu Việt. Cuối năm 2005, Nguyễn Hữu Việt lần đầu tiên đạt hạng nhất trong cuộc bầu chọn 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc.

Đăng quang ở bơi lội, một trong những môn cơ bản, là chuyện không dễ dàng gì, bằng chứng là bơi lội Việt Nam đã phải đợi gần nửa thế kỷ mới lặp lại thành tích này. Bảo vệ được chiếc HCV duy nhất này trong hai kỳ SEA Games tiếp theo càng “chua” hơn, nhất là khi đường đua Đông Nam Á luôn tăng tiến.

Sau SEA Games 23, Nguyễn Hữu Việt chính thức trở thành “tài sản quốc gia”, khi UB TDTT cũ và Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam bắt đầu tập trung kinh phí đầu tư cho Việt, thay vì kết hợp với Hải Phòng. Từ tháng 1/2007, HLV đội tuyển quốc gia Đặng Anh Tuấn dẫn dắt Hữu Việt tập huấn ở Côn Minh (Trung Quốc) cùng các tuyển thủ mạnh của bạn, đơn cử như Xie Zhi (VĐQG 100m, 200m ếch) để có đối tượng cọ xát hơn hẳn mình, chứ không tập luyện trong “nội bộ” với nhau như tình trạng dễ gặp ở các kỳ tập huấn khác. Thuận lợi thứ hai, các VĐV hưởng tiêu chuẩn dinh dưỡng rất tốt trong 3 bữa chính theo thực đơn của trung tâm, chưa kể 2 bữa ăn dặm tự nấu nướng. Nhờ vậy, các VĐV đảm bảo lịch tập luyện 4 cữ/ngày, trong đó có 2 cữ thể lực trên cạn. Trong suốt 11 tháng tập huấn ở Trung Quốc, họ chỉ về Việt Nam 1 tuần để dự giải VĐQG, thậm chí phải đón Tết cổ truyền ở đất bạn. SEA Games 24 ở Thái Lan, Nguyễn Hữu Việt bảo vệ thành công ngôi vô địch khi vượt chính mình chỉ với 7”.

Chuẩn bị cho SEA Games 25, đầu năm 2009 thầy trò Anh Tuấn - Hữu Việt lại khăn gói đến Côn Minh (Trung Quốc), với kinh phí Nhà nước đầu tư cao hơn. Lần này, đích thân HLV Trung Quốc “chuyên trị” 100m, 200m ếch và đương kim vô địch Trung Quốc cự ly này kề bên Hữu Việt mỗi buổi tập luyện. Chỉ trong năm nay, Nguyễn Hữu Việt ba lần cải thiện thông số bơi 100m ếch, mà đỉnh điểm của mọi nỗ lực là kỷ lục SEA Games 25, với thông số đi vào lịch sử bơi lội khu vực 1’01”60.

Mồ hôi, nước mắt và cả máu của Nguyễn Hữu Việt đã đổ trong hơn 6 năm ròng rã gói gọn tuổi trẻ trong những chuyến tập huấn dài hạn nước ngoài để từ HCĐ SEA Games 22 vươn lên HCV - kỷ lục SEA Games 25 ở đường bơi 100m ếch.

P.V

Thông số bơi 100m ếch của Nguyễn Hữu Việt

Năm 1997 (9 tuổi): Lần đầu tiên thi đấu giải VĐ các nhóm tuổi toàn quốc: 1’38”80 (HCV 10 tuổi trở xuống).

Năm 1998 (10 tuổi): giải VĐ các nhóm tuổi toàn quốc: 1’28”55 (HCV-phá KL lứa tuổi 10 trở xuống).

Năm 1999 (11 tuổi): giải VĐ các nhóm tuổi toàn quốc: 1’23”01 (hạng 5 nhóm 11-12 tuổi).

Năm 2000 (12 tuổi): giải VĐ các nhóm tuổi toàn quốc: 1’17”90 (HCĐ-phá KL lứa tuổi); HKPĐ toàn quốc: 1’17”40 (HCĐ-phá KL lứa tuổi).

Năm 2001 (13 tuổi): giải VĐ các nhóm tuổi toàn quốc: 1’13”90 (HCB lứa 13-14 tuổi); giải VĐQG: 1’11”44.

Năm 2002 (14 tuổi): giải Đầu mùa khu vực 1: 1’09” 90 (HCV); giải VĐ các nhóm tuổi toàn quốc: 1’10” (HCV lứa 13-14 tuổi).

Năm 2003 (15 tuổi): giải VĐQG-tiền SEA Games 22: 1’07”50 (HCV); SEA Games 22: 1’04”94 (HCĐ).

Năm 2005: HCV SEA Games 23 lần đầu tiên với 1’03”80.

Năm 2007: KLQG 1’03”63, HCV SEA Games 24 1’03”73.

Năm 2008: KLQG 1’03”57, HCV đại hội thể thao SV Đông Nam Á: 1’03”38.

Năm 2009: KLQG tại giải VĐTG tháng 8/2009: 1’02”17; KLQG tại giải VĐQG tháng 9/2009: 1’02”05; SEA Games 25: KL SEA Games 1’01”60.

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›