(TT&VH) - Sống chưa đầy nửa thế kỷ, song cống hiến sáng tạo của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đưa ông vào top các nhà văn lớn nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam thế kỷ 20. Kỷ niệm 100 năm sinh của ông (6/5/1912 - 1960), chúng ta cảm nhận Nguyễn Huy Tưởng vẫn đang còn sống.
Sáng qua (7/5), Hội Nhà văn VN phối hợp với Viện Văn học VN, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã tổ chức kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Trước đó, ngày 3/5, Hội Nhà văn HN và NXB Kim Đồng cũng tổ chức hội thảo Nguyễn Huy Tưởng với đề tài lịch sử. Văn tài ấy, đóng góp nổi trội về tiểu thuyết và kịch.
|
Tầm vóc Nguyễn Huy Tưởng khẳng định văn nghiệp của một tác giả lớn bởi số lượng tác phẩm và giá trị. Tôi và nhiều thế hệ học trò hiểu, yêu thêm lịch sử nước nhà, lịch sử Thăng Long - Hà Nội bởi các tác phẩm của ông trích in sách giáo khoa và những cuốn sách đã “nằm lòng” mà mỗi khi đọc lại vẫn trào cảm xúc.
Thật xúc động biết bao khi cầm truyện Lá cờ thêu 6 chữ vàng, in lần thứ 21, vừa phát hành tháng 4/2012. NXB Kim Đồng tuổi 55, ngày càng phát triển và sung sức, năm nào cũng tái bản sách của Nguyễn Huy Tưởng - vị giám đốc đầu tiên. Tôi đã đọc truyện này khi 10 tuổi, bằng sách giấy đen. Nhà văn trầm tĩnh, trong sáng, dùng hư cấu và trí tưởng tượng tạo không khí lịch sử mà vẫn kết nối với xã hội Việt Nam đương thời. 20 lần tái bản Lá cờ thêu 6 chữ vàng, tác phẩm cuối cùng được nhà văn viết và sửa bản thảo trên giường bệnh (xuất bản 9/1960), cho thấy sự cuốn hút và sức sống của truyện. Truyện phim Lũy hoa viết năm 1959 (xuất bản tháng 10/1960); tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô (xuất bản tháng 6/1961), là những tác phẩm cuối cùng của nhà văn, ra mắt sau khi ông mất.
* Yêu trẻ thơ, yêu sử…
Nguyễn Huy Tưởng luôn nhân hậu, độ lượng và yêu trẻ thơ. Viết cho thiếu nhi, ông không răn dạy trẻ con phải thế này thế khác, mà bằng những truyện cổ tích, tích sử hướng chúng yêu thương con người, yêu những cái đẹp của truyền thống, của những gì cha ông để lại. Ông kể lại sự tích bánh chưng, truyện Tấm Cám hay Cô bé gan dạ, Gan tráng sĩ, Con cóc là cậu ông trời, Tìm mẹ… là với tâm huyết ấy, mong thiếu niên say mê tìm hiểu lịch sử.
Kịch của Nguyễn Huy Tưởng có 2 vở 5 hồi: Bắc Sơn, Vũ Như Tô. NSND Phạm Thị Thành, đạo diễn vở Vũ Như Tô năm 1996 đoạt nhiều huy chương vàng cho vở và diễn viên, cho rằng: “Nguyễn Huy Tưởng viết vở này ở tuổi 30, cho thấy sự tài giỏi và sâu sắc khi lột tả mâu thuẫn giữa người có tài và thế lực cai trị, giữa khát vọng nghệ sĩ và hiện thực đời sống. Đây là một trong những vở đỉnh cao của văn học kịch VN”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định Nguyễn Huy Tưởng cùng văn nghiệp của ông, mang cốt cách một người viết sử. Ông dấn thân vào cách mạng, sống ở chiến khu Việt Bắc, rồi lên Điện Biên (1958); cùng Nguyễn Tuân, Văn Cao vào Vĩnh Linh, Quảng Trị (1959), tham gia các sự kiện đời sống, văn chương để rồi chính ông thành một chứng nhân, một nhân vật lịch sử. Đọc những bài viết mẫn tiệp của ông, cùng lời bạt của nhà văn Nguyễn Tuân viết cho truyện phim Lũy hoa, tôi đã hiểu vì sao Nguyễn Huy Tưởng say mê lịch sử Thăng Long đến thế, vì ông yêu kinh thành này bằng cả linh hồn và máu thịt của mình. Một kinh thành thiên niên kỷ của muôn đời.
Nguyễn Huy Tưởng yêu Hà Nội mà viết lịch sử Thăng Long, yêu đến độ nhìn thành lũy chiến đấu cũng thành “lũy hoa”. Lãng mạn thế, say đời thế! Nguyễn Tuân viết, ông và Nguyễn Huy Tưởng hay đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngay lúc biết bạn ung thư gan khó qua khỏi, ông đã lo: “Cho một chân vào áo quan rồi, Tưởng vẫn còn cười còn nói được, nhưng tôi đã thấy Hà Nội hụt thiếu hẳn đi rồi một người vẫn yêu các góc phố cổ, các ven hồ ngã ba ngã tư ngã năm Thủ đô”.
* … và yêu Hà Nội
Rồi tác giả Một ngày Chủ nhật, Liên khúc một Hà Nội không sống được đến lúc Lũy hoa thành kịch (1996), vở mà Nguyễn Tuân từng “muốn đóng một vai, chính phụ không quan trọng miễn là góp mặt vào một sáng tác của bạn mình. Tên ông lên áp phích, ông cho tôi một dòng chữ con gọi là ké vào đấy” - nói vui động viên bạn. Cả hai đều có sự nghiệp sừng sững, không ai “ké” ai và đều là niềm hãnh diện của Hà Nội. Như một nhân vật của Nguyễn Huy Tưởng nói thay tác giả: “Sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, sống làm người Hà Nội, chết rồi cũng làm ma của Hà Nội”.
Nguyễn Huy Tưởng viết về lịch sử và văn chương của ông, con người đã đi vào lịch sử văn học. Như cây cổ thụ không chỉ tỏa bóng, mà còn tỏa thứ ánh sáng kinh kỳ, ngân vang bằng “rễ chữ” nối nhiều thế hệ. Những người ở lại (NXB Văn nghệ, 31/12/1948), kịch viết trong trận Việt Bắc oai hùng được ĐD Thế Lữ dựng, cho công diễn giữa núi rừng Việt Bắc và dựng lại sau 1954 với dàn diễn viên tiếng tăm: Trúc Quỳnh, Mạnh Linh, Trần Tiến, Lê Mai. Bìa của danh họa Trần Văn Cẩn, Những người ở lại được in lần đầu 1.500 bản thường, 50 bản quý in giấy đỏ lụa có chữ ký tác giả dành tặng: “Hà Nội”; “Trung đoàn Thủ đô”; “Quyết tử” và 47 bản đánh số VN1 đến VN47. Sau 64 năm, cuốn kịch vừa tái bản lần đầu (3/2012).
Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn ở lại.
Vi Thùy Linh