Dù chưa đạt phong độ tốt nhất, Nguyễn Thị Oanh vẫn quá mạnh ở các nội dung thi đấu của mình để hoàn tất “hat-trick” vàng sau 2 ngày thi đấu ở môn điền kinh tại SEA Games 31.
Nguyễn Thị Oanh thi đấu ấn tượng, gặt hái 3 tấm HCV điền kinh ở cự ly 1.500m, 5.000m và nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Trong đó nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 52 giây 46, cô đã phá kỷ lục do chính mình thiết lập ở SEA Games 30 (10 phút 00 giây 02).
Việc Nguyễn Thị Oanh giành cả 3 tấm HCV vàng cho điền kinh Việt Nam ở 2 ngày thi đấu đã qua không quá bất ngờ với giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Tuy nhiên để thể hiện xuất sắc năng lực, đẳng cấp của mình, cô đã đối mặt và vượt qua muôn vàn gian khó.
Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên của môn điền kinh, Nguyễn Thị Oanh phải đối mặt với 2 nội dung chung kết đều ở cự ly trung bình và dài đầy khắc nghiệt. Chân chạy sinh năm 1995 đã biết phân sức hợp lý, giữ cho mình trạng thái tâm lý tốt nhất, tránh được chấn thương để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với “hat-trick” vàng.
Buổi sáng ngày thi đấu đầu tiên, ngay sau khi giành HCV cự ly 1.500m, Nguyễn Thị Oanh chỉ chia sẻ ngắn gọn: “Em xin cảm ơn sự đồng hành của người hâm mộ, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và đồng hành của người hâm mộ trong thời gian tới”.
Cũng ngay sau khi về nhất chung kết nội dung 1.500m, Nguyễn Thị Oanh phải chờ kiểm tra doping đến tận đầu giờ chiều mới được về nghỉ. Chiều muộn cùng ngày, ý chí và nghị lực của Nguyễn Thị Oanh thêm một lần chứng tỏ, khẳng định khi về nhất cự ly 5.000m. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến sân cổ vũ sau đó trao HCV cho cô gái vàng điền kinh Việt Nam. Chắc hẳn giây phút đó sẽ vô cùng hạnh phúc như một kỷ niệm đẹp của Nguyễn Thị Oanh và đồng đội.
Để có được thành tích 3 tấm HCV tại SEA Games 31, cô gái nhỏ nhắn người Bắc Giang đã phải trải qua những năm dài đằng đẵng với bao khó khăn, thách thức. Những đau đớn vì bệnh viêm cầu thận đòi hỏi một nghị lực phi thường mới có thể vượt qua. Với nghị lực và ý chí không từ bỏ, Nguyễn Thị Oanh vượt qua được căn bệnh này để bùng nổ trở lại. Cô đã thống trị các cự ly 1.500m, 5.000m rồi 3.000m vượt chướng ngại vật ở đấu trường Đông Nam Á từ năm 2017 đến nay.
Bảng vàng thành tích hôm nay như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho hành trình vượt khó của Nguyễn Thị Oanh. Những tràng pháo tay vang rộ trên sân Mỹ Đình chính là ghi nhận của người hâm mộ dành cho Nguyễn Thị Oanh.
Chia sẻ sau khi có được thành tích sức ấn tượng, Nguyễn Thị Oanh cho biết cô đã chuẩn bị rất kỹ cho SEA Games năm nay trên sân nhà nhưng lịch thi đấu dày đặc ảnh hưởng phần nào. Tuy nhiên cô quyết tâm để lại dấu ấn và đã thành công với kỷ lục SEA Games.
Chia sẻ về cô học trò nhỏ, HLV Trần Văn Sỹ cho biết: “Gặp Oanh năm 2012 khi đang thi đấu ở giải điền kinh trẻ quốc gia và đứng trong Top 3, tôi cũng nghi ngại với thể hình thấp bé của cô gái này khó đảm bảo có thể phát triển được. Nhưng với linh tính mách bảo, tôi đã quyết đi gặp bác sĩ để được xem, tìm hiểu các thông số về tim mạch trong tập luyện, thi đấu của Oanh để đưa ra quyết định lựa chọn Oanh vào đội tuyển điền kinh quốc gia. Tôi tự hào khi nhìn thấy cô học trò bé nhỏ của mình gặt hái thành công”.
Cũng trong ngày hôm qua 15/5, tấm HCV gây bất ngờ nhất của đội tuyển điền kinh Việt Nam thuộc về VĐV Lương Đức Phước ở cự ly 1.500m nam (thành tích 3 phút 54 giây 37). Đây là nội dung mà Trần Văn Đảng được kỳ vọng nhiều nhất bởi ở giải quốc nội anh luôn là người thắng cuộc. Tuy nhiên sự xuất sắc của đàn em Đức Phước đã khiến đương kim VĐQG chỉ giành HCB.
Chia sẻ về tấm HCV đầu tiên ở đấu trường SEA Games, Lương Đức Phước cho biết, rất bất ngờ khi mình chiến thắng được cự ly chỉ là ưu tiên thứ hai còn cự ly sở trường là 800m: “Tôi chưa bao giờ vô địch cự ly này ở những giải đấu trong nước, vì đây chỉ là "sở trường thứ 2", nội dung tốt nhất của Phước là cự ly 800m. Ban huấn luyện khuyên tôi thi đấu nỗ lực hết sức, chính tôi cũng cảm thấy bất ngờ với kết quả này. Tôi căn thời điểm cách đích 120m bắt đầu mở tốc độ và có được kết quả tốt".
Bảng vàng thành tích điền kinh - Nguyễn Thị Oanh: HCV 1.500m nữ (4 phút 14 giây 98); HCV 5.000m nữ (16 phút 44 giây 06); HCV 3.000m vượt chướng ngại vật ( 9 phút 52 giây 46) - Lương Đức Phước: HCV 1.500m nam (3 phút 57 giây) - Nguyễn Hoài Văn: HCV vàng ném lao nam (70,87m) - Nguyễn Thị Huyền: HCV 400m nữ (52 giây 83) - Nguyễn Tiến Trọng: HCV nhảy xa nam (7,8m) - Nguyễn Văn Lai: HCV 5.000m nam (16 phút 34 giây 12). - Phạm Thị Diễm: HCV nhảy cao nữ (1m72) |
Trần Tuấn