(TT&VH) - Vài năm trở lại đây, nhân dịp xuất bản tác phẩm mới, các đơn vị làm sách thường mời tác giả đi giao lưu, ký tên lên sách tặng bạn đọc…
Hoạt động này không chỉ nhằm quảng cáo, PR sách mới, mà hơn thế, nó còn thể hiện sức hút của nhà văn. Đây còn là dịp để người đọc đến gần người viết hơn, bởi nhiều khi “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.
|
Khác với nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác, nhà văn đa phần giao tiếp với người đọc thông qua tác phẩm của mình. Tuy nhiên, được gặp mặt nhà văn, xin chữ ký của tác giả mến mộ lên tác phẩm mình yêu thích là một nhu cầu có thật của rất nhiều người đọc. Việc nhà văn gặp mặt người đọc để tặng chữ ký đã khá phổ biến trong khái niệm thị trường sách hiện nay. Nhưng không phải nhà văn nào cũng có thể gặp mặt, bắt tay người đọc để tặng chữ ký. Có nhiều lý do và điều quan trọng là không phải nhà văn nào cũng có lượng người hâm mộ đông đảo để tổ chức một buổi ký tặng sách xôm tụ.
Các nhà văn thường xuất hiện trong các buổi ký tặng sách hiện nay khi họ trình làng tác phẩm mới, có thể kể: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Sáng, Lý Lan, Nguyễn Huy Thiệp, Di Li, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Thị Minh Ngọc… Sự xuất hiện của nhà văn trong các dịp như thế này, ngoài PR cho tác phẩm mới, còn thể hiện sức hút và sự phân khúc độc giả.
Chẳng hạn nhà văn Nguyễn Quang Sáng ký tên lên truyện tranh Chiếc lược ngà tại Hội sách TP.HCM vừa qua, người xin chữ ký Nguyễn Quang Sáng không chỉ là thanh thiếu niên mà còn có cả người lớn. Bởi những ai từng học qua Chiếc lược ngà trong SGK đều ít nhiều có kỷ niệm, nên xin chữ ký của Nguyễn Quang Sáng cũng là góp phần hồi nhớ lại kỷ niệm một thời đi học. Còn trường hợp Nguyễn Nhật Ánh chứng tỏ rằng, sách của nhà văn này mỗi lần in hàng chục ngàn bản là bình thường. Vì trong mỗi lần xuất hiện để ký tên, Nguyễn Nhật Ánh đã vã mồ hôi vì người hâm mộ xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt mình.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên, cho rằng: “Ký tặng sách, theo cách hiểu của tôi, là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động không thể thiếu của một nhà văn chuyên nghiệp, khi có tác phẩm mới được phát hành. Ở Việt Nam các năm gần đây, hoạt động ký tặng sách đã trở nên quen thuộc với nhà văn và bạn đọc. Tôi nghĩ đây là một hoạt động nhẹ nhàng và trân trọng, tạo thêm mối dây kết nối giữa nhà văn, độc giả và tác phẩm”.Tặng chữ ký đôi khi lỗ vốn, nhưng… vui!
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có thể nói là người đi ký tên tặng độc giả nhiều nhất hiện nay. Ông có nhiều câu chuyện thú vị xung quanh chữ ký của mình. Cách đây vài hôm, cậu em trai của người viết bài này nhờ đem hai cuốn Lá nằm trong lá đi xin chữ ký của nhà văn. Tôi cầm hai cuốn sách đến quán Đo Đo của Nguyễn Nhật Ánh tìm ông nhưng không gặp. Tôi gửi hai cuốn sách lại quầy tiếp tân của quán kèm tờ giấy ghi vài dòng xin chữ ký nhà văn và hẹn ngày đến nhận.
Đúng hẹn, tôi đến quán Đo Đo, nhà văn gặp tôi, nói: “Sách này mình không ký tên được”. Nghe thế tôi chột dạ, thoáng nghĩ trong đầu: “Ông Nguyễn Nhật Ánh này chảnh như ngôi sao ca nhạc đương thời hoàng kim. Có xin cái chữ ký mà ổng cũng làm khó dễ…”.
Thế nhưng, Nguyễn Nhật Ánh giải thích: “Hai cuốn Lá nằm trong lá mà bạn đưa mình là sách lậu”. Tôi lại chột dạ, nghĩ thầm: “Thằng em trai làm mình xấu hổ thật, mua sách đến cho tác giả ký tên lại đi mua sách giả”. Dường như đọc được sự bối rối của tôi, Nguyễn Nhật Ánh tiếp: “Sách của mình nên mình nhìn là biết sách thật hay giả, chắc cậu không phân biệt được đâu”. Nói rồi, Nguyễn Nhật Ánh lấy ra hai cuốn sách thật ký tên cái rột đưa cho tôi và trả lại luôn hai cuốn sách giả.
Tôi lại bối rối một lần nữa, vì tự dưng lấy không của nhà văn hai cuốn sách nên lúng túng xin trả tiền. Nhà văn xua tay: “Có đáng gì đâu hai cuốn sách, xem như mình tặng. Lá nằm trong lá in hơn một năm rồi mà vẫn còn người xin chữ ký, điều này khiến mình vui chứ ”.
Thanh Kiều