(TT&VH) - Từ khi truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi được đưa vào giảng dạy trong SGK, nhà văn Tạ Duy Anh đã trải qua rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, tranh luận về tác phẩm của mình với độc giả mọi lứa tuổi. “Tôi rất hạnh phúc trong những dịp như vậy, mặc dù nhiều phen chỉ muốn “bỏ của chạy lấy người” - ông “thú thực”.
* Thấy mình có một chút phẩm chất của nhà giáo dục
Nhà văn Tạ Duy Anh |
Ông nói: “Khi truyện ngắn được giải thì không có gì đáng bàn, vì giải là do người lớn trao, nhưng khi đưa vào SGK thì có một điều rất lạ là: Thứ nhất, trẻ đồng cảm rất nhanh, chúng thích và nhớ cũng rất nhanh, thậm chí thần tượng tác giả. Điều đó cũng khiến tôi có một chút tự hào, vì mình đã góp một chút giá trị tinh thần cho nền giáo dục. Tự dưng cảm thấy tôi cần có một chút phẩm chất của nhà giáo dục trong các công việc, hoạt động hàng ngày. Vì mình đang dạy trẻ con, hàng ngày chúng vẫn đang học tác phẩm của mình, những ý tưởng mình muốn truyền cho chúng, từ đó cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục trẻ con. Đơn giản là khi có người khác yêu quý mình thì mình cần có những giá trị tương ứng đáp lại, cần phải giữ mình và cần cẩn trọng trong ứng xử.
Tôi làm báo, hay viết văn cho trẻ con cũng vậy, rất cẩn trọng trong việc chọn lựa ngôn ngữ, trích dẫn tài liệu. Nói đơn giản, muốn giáo dục người khác trước hết anh phải giáo dục được chính bản thân anh.”
* Phải xuất đầu lộ diện vì “Bức tranh...” gặp “rắc rối”
Nhà văn Tạ Duy Anh kể tiếp: “Có lần, ông đến thăm một trường học, gặp gỡ các em học sinh lớp 11, 12 đã được học tác phẩm Bức tranh của em gái tôi từ khi bắt đầu cải cách. Dù đã học cách đây 5, 6 năm rồi nhưng nghe thấy tên tác giả là lập tức chúng vây quanh, xin chữ ký ngay.
Tôi đã khá bất ngờ và hỏi lại: “Con đã đọc cái gì của chú?” Thì nhận được câu trả lời: “Chúng cháu đọc và rất thích tác phẩm Bức tranh của em gái tôi mà chú viết”. Sau đó, các em hỏi rất nhiều điều xoay quanh tác phẩm, nào là nhân vật chính, nhân vật phụ, đại ý của bài văn này...”
Không chỉ có thế, một lần khác nữa, chính vì truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi mà đích thân tác giả phải “xuất đầu lộ diện” để “giải quyết” những tranh luận xoay quanh tác phẩm của mình. Chuyện là, khi dạy đến tác phẩm này, rất nhiều thầy giáo tâm huyết đã có những bài viết khá nghiêm túc, đi sâu vào việc phân tích tâm trạng của người anh, đi tìm chủ để, nhân vật chính, ý đồ thẩm mỹ, đạo đức mà tác giả đặt vào các nhân vật trong truyện. Những bài viết ấy đã khiến cho nhà văn Tạ Duy Anh không khỏi bất ngờ về tác phẩm của mình. Như ông nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ Bức tranh của em gái tôi lại gieo vào lòng người đọc nhiêu xúc động va sự yêu mến đến thế. Khi sáng tác, tôi là tác giả, còn giờ đây tôi cũng chỉ là một độc giả của chính mình không hơn không kém…”. Điều đáng nói là, có rất nhiều những ý kiến trái ngược nhau đã tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi và để giải quyết, cách tốt nhất là “mời tác giả lên tiếng”. Vậy là nhà văn Tạ Duy Anh đã phải viết cả một bài dài để trao đổi, phân tích về chính tác phẩm của mình.
*Văn chương là “đời sống cấp cao” của trẻ em
Với nhà văn Tạ Duy Anh, văn chương rất quan trọng đối với trẻ em, văn chương là “đời sống cấp cao” đối với chúng. Đời sống bình thường của chúng là ăn, chơi, ngủ, khóc… Nhưng đời sống tinh thần, đời sống mà chúng có thể bắt chước chính là nghệ thuật.
Kỳ 3 Nhà văn Tạ Duy Anh: “Cách dạy văn ở VN đang ở mức lạc hậu nhất thế giới”