Nhiều trường lo “sốt vó”...
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1/09 thời gian qua, đã có gần 10 trường có HS, SV bị nhiễm cúm, trong đó có 3 trường đã bùng phát thành ổ dịch. Ngành y tế đã tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế nguy cơ lây lan đến mức tối đa. Và để năm học mới diễn ra an toàn, UBND TP đã yêu cầu Sở Y tế, Sở GD&ĐT phối hợp thực hiện các bước chuẩn bị để đối phó với dịch cúm A/H1N1/09. Theo đó, trước khi khai giảng năm học, tất cả cơ sở giáo dục phải tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, sau đó thực hiện thường kỳ mỗi tuần; giám sát sức khỏe học sinh từng ngày; tập huấn, hướng dẫn học sinh, giáo viên kiến thức phòng chống cúm; các trường phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng chống cúm do hiệu trưởng nhà trường làm trưởng ban.
Tại Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm, Q.9, nơi đầu tiên phát hiện ổ dịch cúm A/H1N1/09, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ngày 4/8, nhà trường đã họp toàn thể giáo viên, nhân viên nhằm tập huấn các biện pháp phòng chống cúm. Hiện tại, trường Ngô Thời Nhiệm vẫn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế dự phòng Q.9 để xịt thuốc khử trùng trường lớp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi tập trung về trường vào năm học mới.
Trước đại dịch cúm A/H1N1/09, tại một số trường tư nhân, liên kết với nước ngoài, công tác chuẩn bị phòng chống cúm cũng được thực hiện khá tốt. Cụ thể, tại các cơ sở trường tiểu học Á châu có nhiều biện pháp cụ thể như: giáo dục ý thức phòng bệnh cho học sinh; tập thói quen rửa tay; lau chùi, vệ sinh vật dụng xài chung... Trường cũng tiến hành đo thân nhiệt tất cả học sinh trước khi vào lớp, kể cả phụ huynh đưa đón. Một số trường học đã chính thức bắt buộc nhân viên, giáo viên và học sinh, sinh viên phải đeo khẩu trang khi đến trường.
Các trường đại học cũng đang khẩn trương lên phương án để phòng ngừa cúm. Ông Phạm Hữu Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết: Trường đã làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng để đề nghị hỗ trợ việc sát khuẩn, khử trùng. Một vài khu của ký túc xá cũng đã được “nhắm” đến để sử dụng làm khu vực cách ly khi có tình huống xấu xảy ra. Mặt khác, việc thông tin tuyên truyền bằng tờ rơi, bản tin, website cũng được tăng cường tối đa. Tại trường đại học Hoa Sen, ngoài việc tổng vệ sinh, sát khuẩn, khử trùng, từ ngày 3/8 toàn thể giảng viên, nhân viên, sinh viên, học viên trường này buộc phải mang khẩu trang khi đến giảng đường.
Không ít nơi lúng túng
Tuy nhiên, bên cạnh không khí khẩn trương thực hiện đối phó với dịch cúm, vẫn còn tình trạng một số trường học còn lúng túng, thờ ơ, lơ là trước đại dịch.
Tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh khiêm (Q.1, TP.HCM), bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sẽ có 1.500 học sinh tập trung khai giảng năm học mới vào ngày 17/8. Trường đã tiến hành dán bản tin về phòng chống cúm lên trước cửa phòng y tế của trường, tuy nhiên hầu như không mấy phụ huynh và học sinh chú ý đến. Hiện tại trường không thể trang bị máy đo nhiệt độ, bởi không thể đo nhiệt độ cho 1.500 học sinh hết trong một ngày, việc đông học sinh khiến trường khó mà kiểm soát được hết.
Đối với trường THCS Đức Trí (Q.1, TP.HCM) có khoảng 1.200 học sinh, nhưng đội ngũ y tế chỉ có 1 người. Ông Vưu Văn Nam, Phó Hiệu Trưởng trường thì tỏ ra hết sức lúng túng về công tác phòng chống cúm tại trường. Ông Nam cho rằng: Hiện trường có quá nhiều công việc phải làm để chuẩn bị cho năm học mới, việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống cúm, cũng như triển khai những động thái liên quan thì trường chưa thể thực hiện ngay được. Trường cũng chưa nghe thông báo gì đến việc sát khuẩn tại trường học?! Về biện pháp xử lý khi có trường hợp bị cúm, ông Vưu Văn Nam trả lời: Thực sự chưa biết sẽ phải làm thế nào, chưa thể nói cụ thể chi tiết được, phải có một khoảng thời gian suy nghĩ và xem lại hướng dẫn của Bộ mới có thể ứng phó được. Thực tế, tại trường lại không có bất cứ bản thông báo hay hướng dẫn gì về cách phòng chống cúm. Một số em học sinh ở lớp 6 và lớp 8 đang học hè tại trường cho biết, không được giáo viên thông báo hay hướng dẫn gì về cách phòng chống dịch bệnh này.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người chiều 12/8, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, ông Nguyễn Huy Nga nhận định: Số lượng người nhiễm cúm đến nay đã lên tới 1275 người. Khi số trường hợp nhiễm cúm A/H1N1/09 ngày càng gia tăng, hệ thống điều trị không đáp ứng kịp, bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong gia tăng. Đặc biệt, những người mắc các bệnh mãn tính (tim mạch, tiểu đường, hô hấp...) khi nhiễm cũng có tỷ lệ tử vong cao hơn những người bình thường.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Hiện nay, nhiều người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế để phòng chống cúm A (H1N1) song không phải lúc nào cũng phải dùng loại khẩu trang này. Người dân có thể dùng khẩu trang thông thường kết hợp giữ gìn vệ sinh thân thể để phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, theo phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế, Tamiflu chỉ được dùng để điều trị trong 5 ngày. Tuy nhiên, khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc, trở về nhà vẫn cần phải cách ly trong 7 ngày để phòng ngừa khả năng tái lây lan ra cộng đồng.
Trước tình hình dịch cúm đang lây lan ra cộng đồng, để đảm bảo năm học mới an toàn, cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa công tác phòng chống cúm A/H1N1 của các trường trên địa bàn thành phố.
Ngày 12/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, trường học trên địa bàn Thủ đô tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc ngừng tập trung học sinh cho đến ngày tựu trường, sau khi đã làm tốt việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo kế hoạch và báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý cấp trên; thường xuyên thực hiện việc tổng vệ sinh trong và ngoài lớp học, lau chùi sàn nhà, cửa lớp, tay vịn cầu thang theo hướng dẫn của Liên ngành về vệ sinh phòng chống dịch bệnh... PGĐ Sở Nguyễn Hữu Hiếu cũng yêu cầu các trường tăng cường biện pháp tuyên truyền, nắm bắt tình hình, đảm bảo không có học sinh mắc các triệu chứng của bệnh cúm đến tham gia vào các hoạt động của trường, thường xuyên thông tin và phối hợp với cơ quan y tế, phụ huynh học sinh để tăng cường trách nhiệm phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng. |