(Thethaovanhoa.vn) - Vượt qua Lewis Hamilton, LeBron James, Kylian Mbappe, Luka Modric và Eliud Kipchoge để giành danh hiệu VĐV trong năm Laureus đủ cho thấy tầm vóc của Novak Djokovic. Thế nhưng, ít ai biết rằng cây vợt người Serbia đã nỗ lực như thế nào trong 12 tháng qua.
Sự xuống dốc của số 1
Một năm về trước, Djokovic phục hồi sau ca phẫu thuật khuỷu tay và việc vất vả khi trở lại ATP Tour trong nhiều tháng sau đó khiến tất cả đều lo sợ anh đang trong giai đoạn xuống dốc dần dần. Thực tế thì sự sa sút của số 1 khiến mọi người bất ngờ không chỉ vì tính khốc liệt của cuộc chơi mà còn vì cái cách nó xảy ra.
Để thấy rõ hơn thì giữa tháng 7/2014, khi anh giành danh hiệu Wimbledon thứ 2, và tháng 6/2016, khi anh có danh hiệu French Open đầu tiên, Djokovic thắng 158 trận, chỉ thua 13 trận, nghĩa là tỉ lệ thắng tương đương 92%. Trong khoảng thời gian này, số 1 người Serbia đã giành 6 major, trong đó có 4 major liên tiếp để tất cả phải gọi là Nole Slam. Và cũng nên nói thêm là Rafael Nadal hay Roger Federer đều chưa từng đạt được kì tích đó. Vì thế, Andre Agassi, người từng dẫn dắt Djokovic một thời gian ngắn trong giai đoạn sa sút của anh, nói rằng, cây vợt người Serbia đã nâng quần vợt lên một tầm cao mới. "Quần vợt thế giới chưa từng có chuẩn mực nào cao hơn thế," Agassi cho biết, đồng thời cũng tỏ ra thận trọng khi anh không đi quá sâu vào chủ đề GOAT (cây vợt vĩ đại nhất mọi thời đại). "Không ai từng chơi ở đẳng cấp đó."
Vào tháng 6/2016 khi Djokovic giành French Open, việc anh có vượt qua kỉ lục giành major của Federer - lúc đó anh có 17 danh hiệu - không còn câu hỏi có hay không nữa mà là sẽ nhanh như thế nào.
Thế rồi mạch thắng đột nhiên bị cắt đứt. Một tháng sau chiến thắng ở Paris, Nole thua ở vòng 3 Wimbledon trước cây vợt xếp hạng 28 người Mỹ là Sam Querrey, một trong những bất ngờ lớn nhất trong lịch sử giải. 5 tuần sau, Juan Martin del Potro loại anh khỏi vòng 1 Olympic Rio và Djokovic đã rời sân trong nước mắt.
Sau đấy, anh nỗ lực để lọt vào chung kết US Open và được kì vọng rất nhiều. Có điều, Stan Wawrinka đã buộc anh phải chạy quanh sân và điều đáng sợ là hình ảnh sụp đổ của anh chưa bao giờ rõ ràng hơn thế ở set 4 khi nhìn anh mất phương hướng và suy sụp. Đúng là một dấu hiệu không hay bởi trong 23 tháng sau đó, Djokovic chỉ thắng được 2 giải và không qua nổi tứ kết của một major nào.
Chưa hết, trong khi thành tích trên sân đi xuống, đời tư của cựu số 1 thế giới cũng bị săm soi. Nhiều tin đồn cho biết cuộc hôn nhân của anh đang có vấn đề và mọi chuyện như được đổ thêm dầu vào lửa sau khi chính anh thừa nhận sau trận thua Querrey rằng mình đang có “những vấn đề cá nhân”. Tệ không kém là cựu cây vợt John McEnroe khi bình luận cho BBC và ESPN đã cho rằng, Djokovic có thể đi vào vết xe đổ của Tiger Woods.
Đường đến Laureus
Thế nhưng, Nole đã xóa ngay những hoài nghi trong nửa sau của năm 2018 khi anh giành liên tiếp Wimbledon và US Open để nâng số major lên 14. Đến giải Paris Masters, vào thời điểm Nadal tuyên bố rút lui vì chấn thương vùng bụng ngày 31/10, Djokovic giành lại vị trí số 1 thế giới, tăng 11 bậc so với năm trước đó. Kết thúc năm 2018, anh có 9.045 điểm trên bảng xếp hạng, giành 4 danh hiệu với số tiền thưởng 15,9 triệu USD.
Kể từ đó, Nole có thêm danh hiệu Australian Open thứ 7, qua đó nâng số major lên 15, tuy nhiên, chính những kì tích trong năm 2018 đã giúp anh vượt qua những ngôi sao thể thao như Lewis Hamilton (Công thức 1), LeBron James (bóng rổ), Kylian Mbappe, Luka Modric (cùng bóng đá) và Eliud Kipchoge (điền kinh) để giành giải thưởng Laureus lần thứ 4 trong sự nghiệp.
Điều thú vị là trong khi người ta khó tìm ra được lí do cụ thể giải thích cho sự sa sút của Nole, người ta lại dễ dàng nêu lên được những nguyên nhân giúp anh trở lại vị trí số 1 thế giới. Thứ nhất, chấn thương khuỷu tay của anh đã lành. Như Federer từng nói thì “Với Novak, cánh tay là một vũ khí. Khi anh ấy trở lại, anh ấy chưa hoàn toàn sẵn sàng. Những cú giao bóng của anh không hiệu quả, anh ấy không đánh chính xác. Còn sau đấy lại là một câu chuyện khác…”. Thứ hai, Djokovic cũng đã tái hợp với Vajda, người huấn luyện anh từ hồi trẻ và đã bên anh trong chiến thắng ở 13 major.
Còn theo Gordon Uehling, một người bạn thân của Djokovic thì mặc dù số 1 thế giới thất vọng về kết quả thi đấu trong giai đoạn khủng hoảng, tâm lí của anh vẫn rất vững. “Không có sự chán nản từ anh ấy,” Uehling cho biết.
Chính xác thì gia đình và vai trò của một người cha đã mang lại những cảm giác dễ chịu cho Djokovic, để anh đứng vững trong quãng thời gian tồi tệ nhất thay vì chỉ có một mình.
Bên cạnh đó là một suy nghĩ tích cực rằng, anh có thể tận dụng vị thế của một ngôi sao để thúc đẩy những thay đổi xã hội. Và chẳng cần nhìn đâu xa, “Serena Williams là nguồn cảm hứng lớn, để trở lại, có mặt ở chung kết Wimbledon không lâu sau khi sinh,” Djokovic nói. Vì thế, Djokovic không chỉ vì những danh hiệu mà còn vì những mục tiêu khác như sức khỏe và và giáo dục trẻ em. Đây là cơ sở để anh tập trung vào quỹ từ thiện do mình lập ra ở Belgrade. "Tôi không nghĩ thế giới quan tâm nhiều đến sự phát triển ở giai đoạn đầu của trẻ em và đây là những năm quan trọng khi não người phát triển nhanh nhất," Nole nói. "Đó là một trong những vấn đề của chúng tôi ở Serbia khi hơn 50% trẻ em không được quan tâm đầy đủ."
Không có gì ngạc nhiên khi Djokovic trở lại nhanh như vậy trong sự cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống, sau những trải nghiệm mà anh gọi là “đường cong của cuộc đời và anh phải đối mặt, chấp nhận nó.”
Đây là lần thứ tư Djokovic giành được giải thưởng Laureus, sánh ngang với thành tích của cựu siêu sao điền kinh Usain Bolt. Trong khi đó ở hạng mục giải thưởng dành cho nữ, VĐV thể dục người Mỹ Simone Biles đã được tôn vinh với những thành công rực rỡ trong năm 2018. HLV Arsene Wenger cũng nhận giải Thành tựu trọn đời cho những gì ông đã cống hiến cho bóng đá. Còn giải thưởng "Đội tuyển của năm" được trao cho đội tuyển Pháp với thành tích ấn tượng mang Cúp vàng bóng đá thế giới về "Kinh đô ánh sáng". |
Mạnh Hào
Tags