(Thethaovanhoa.vn) - Khi một tay vợt sa thải toàn bộ đội ngũ HLV, hoặc anh ta quá tự tin về việc một mình đối phó với những khó khăn trước mắt, hoặc quá thất vọng đến nỗi phải dùng đến liệu pháp sốc. Novak Djokovic có lẽ rơi vào trường hợp thứ hai.
- Tennis ngày 5/5: Federer chia sẻ bí quyết thú vị để giành Grand Slam. Djokovic chia tay 3 HLV lâu năm
- Tennis ngày 22/4: Cộng đồng mạng sốc với Djokovic. Sharapova bị 'dằn mặt'
- Djokovic thua sốc tại Monte Carlo, tiếp tục phong độ tồi tệ trong năm 2017
Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Novak Djokovic hoàn tất Grand Slam sự nghiệp bằng chiến thắng ở Roland Garros 2016. Thật buồn, đó cũng là khoảng thời gian tồi tệ của anh, với duy nhất một danh hiệu trong vòng 11 tháng. Không chỉ bị Andy Murray chiếm mất vị trí số một trên bảng xếp hạng ATP, tầm ảnh hưởng của Nole cũng bị tác động không nhỏ khi cả Roger Federer và Rafael Nadal đều có những dấu hiệu hồi sinh ở mùa giải này.
Bây giờ, HLV duy nhất của Nole là… Jelena Ristic
Trên website cá nhân, Djokovic cho biết, anh và HLV trưởng Marian Vajda, HLV thể lực Phil Gritsch, chuyên gia vật lý trị liệu Miljan Amanovic đã đồng thuận trong việc “chấm dứt mối quan hệ lâu năm và thành công”. Dĩ nhiên, Nole dành những lời có cánh cho những người mà anh coi như thành viên trong gia đình.
Nhưng có một thực tế là “gia đình ấy” đã không còn được Djokovic mời tới Madrid, cũng như tất cả các giải đấu sau đó, bao gồm Roland Garros. 11 tháng trước, Paris là nơi chứng kiến Nole sưu tầm trọn bộ danh hiệu Grand Slam. Đáng lẽ đó phải là một cú hích để đưa anh lên một tầm cao mới, nhưng thay vào đó là những rắc rối cá nhân cũng như vấn đề về lối chơi khiến anh sa sút nghiêm trọng.
Quyết định vứt bỏ nốt những “tàn dư” của cuộc sống quần vợt trước 2017 của Nole phần nào giống Federer hồi năm 2010. Tay vợt người Thụy Sĩ có một khoảng thời gian sa sút sau Australian Open 2010, và quyết định không dùng HLV nào, cho đến khi thuê Paul Annacone vào giữa tháng Bảy năm ấy. “Tôi đã thi đấu chuyên nghiệp đủ lâu để biết cách quản lý thời khóa biểu hàng ngày, và tôi không muốn vội vã với quyết định của mình. Tôi sẽ dự các giải đấu với sự hỗ trợ của gia đình và người đại diện”, Nole tuyên bố.
Djokovic sắp chào đón đứa con thứ hai, và những ngày vừa qua, cánh phóng viên bắt gặp Jelena vẫn hiện diện ở một số buổi tập của anh. Dường như quyết định sa thải đội ngũ HLV là một thông điệp của Nole, rằng anh muốn một cuộc sống đơn giản hơn, dựa nhiều hơn vào gia đình, và bây giờ, Jelena là cộng sự đáng tin cậy duy nhất mà anh cần. Có vẻ như sau biến cố hồi giữa năm ngoái, khi Djokovic bất ngờ bị loại ngay vòng ba Wimbledon, còn mối quan hệ với Jelena đứng trước nguy cơ đổ vỡ, Nole lại càng muốn tập trung nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Nhiệm vụ khó khăn cho Nole
Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng, Djokovic có những thay đổi lớn trên băng ghế huấn luyện. Tháng 12 năm ngoái, Anh đã chia tay huyền thoại Boris Becker, một trong những người có ảnh hưởng rất lớn đến thành công của anh với 6 Grand Slam trong 3 năm. Còn bây giờ là những cộng sự đã gắn bó với anh từ rất lâu. Vajda là 12 năm, trong khi Gritsch và Amanovic là 8 năm.
Chuyện các tay vợt chia tay HLV, thật ra, là rất bình thường. Trước khi chia tay, rồi tái hợp Ivan Lendl, Murray đã lạnh lùng tạm biệt nửa tá HLV. Đến một người cực bình tĩnh như Roger Federer cũng có những giai đoạn phải cậy nhờ huyền thoại Stefan Edberg trước khi chia tay ông vào cuối năm 2015. Nhưng với Djokovic, việc Vajda, Gritsch và Amanovic vắng mặt ở Madrid, nơi anh sẽ phải đối mặt với những chuyên gia sân đất nện, là một điều rất đặc biệt. Bây giờ, đối thủ nào cũng sẽ xem anh là có thể đánh bại, nhất là khi anh phải tự mình xoay xở với việc tập luyện.
Djokovic đã đánh mất động lực kể từ sau thành công ở Paris năm ngoái. Anh trắng tay từ đó đến cuối năm, và kể cả khi gặp chuyên gia tâm lý Pepe Imaz, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Ở mùa giải này, kể từ sau chức vô địch ATP 250 ở Qatar, anh đánh đâu… thua đó. Việc Djokovic gác vợt trước một đối thủ (Nick Kyrgios) ở hai giải đấu sân cứng liên tiếp là điều chưa bao giờ xảy ra.
Tháng trước, khi bị David Goffin loại ở Monte Carlo, Djokovic hùng hồn : “Tôi chẳng sợ ai cả”. Mới đây, anh viết trên Facebook “Tôi muốn tìm cách trở lại đỉnh cao một cách mạnh mẽ nhất. Tôi là một thợ săn”. Nhưng rõ ràng, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Djokovic sẽ phải hoàn toàn tự lực cánh sinh trong việc hiện thực hóa quyết tâm ấy. Và đó là một nhiệm vụ đầy khó khăn.
Phương Chi
Thể thao & Văn hóa
Tags