NSND Đào Trọng Khánh và Mối tình Mỵ Châu

Thứ Ba, 08/06/2010 16:13 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Về hưu năm 2005, ẩn dật tại Hải Phòng, nhưng hàng tháng, ít nhất một lần, đạo diễn Đào Trọng Khánh lại lên Hà Nội để gặp bạn bè, công việc. Gần đây nhất, xuất hiện tại cuộc tọa đàm về thơ Lưu Quang Vũ, ông đã chinh phục khán giả bởi chất giọng truyền cảm khi đọc thơ Lưu Quang Vũ. Và đặc biệt trong buổi tọa đàm này, ông đã giới thiệu bài Hà Nội em Mỵ Châu của ông viết từ 40 năm trước. Nghe Hà Nội em Mỵ Châu, giới văn chương tinh sành chợt nhận ra họ Đào còn là một thi sĩ đáng nể.

Mối tình lặn vào trang thơ

Từ ngày gặp Lưu Quang Vũ, ông đã làm thơ. Thơ tự do nhưng rất quyện âm điệu, gồ ghề, thẳng thắn, mãnh liệt đúng chất Hải Phòng.

Đào Trọng Khánh đã có cả trăm bài thơ, nhưng chưa in tập nào bao giờ. Phần vì dồn hết thời gian cho điện ảnh, phần vì thất lạc bản thảo. “Ông hãy tập hợp bản thảo để in tập thơ riêng đi, đến lúc từ lâu rồi. Bây giờ phim làm ít hơn, ông hãy dành thời gian cho thơ!”. Đào Nguyễn cười vang: “Tôi hay ngại, nhưng chắc là cũng phải cố in để còn tặng bạn bè, lưu lại. Vượt qua sự ngại đâu dễ, phải tìm kiếm bản thảo trong các bạn, người thân, xem ai còn giữ không, bởi tôi chỉ thuộc một số bài”.


Đạo diễn Đào Trọng Khánh đọc thơ Lưu Quang Vũ và bài thơ
Hà Nội em Mỵ Châu tại cuộc tọa đàm về Lưu Quang Vũ tháng 5/2010.

Đào Trọng Khánh đã quên tuổi mình để vẫn thường trực sáng tạo cho thơ, nghệ thuật thứ bảy. Vang từ cửa biển, từ thành phố đang rực phượng đỏ, giọng Đào Trọng Khánh át sóng, như ông đã nổi sóng khán phòng L’Espace tối 17/5, khi nói về thời tuổi trẻ, những mối tình hư - thực của mình, về người con gái mà ông yêu tên My  Châu, ở phố Khâm Thiên. Ông kể cho khán giả nghe, đã mua ngôi nhà ở ngõ Yên Ninh (gần Quán Thánh), để sống cùng nàng. Cổ tích, Trọng Thủy phụ tình Mỵ Châu. Còn Mỵ Châu thế kỷ 20 thì phụ Đào Trọng Khánh. Thế mà ông vẫn yêu, tha thứ và làm bài thơ chứa cả tình yêu Hà Nội.

Sau, Mỵ Châu bán nhà vào Nam. Hư - thực chỉ ông mới biết, song Mỵ Châu đã hiện thực trong nghệ thuật của Khánh, nghệ thuật khác thường. Mạnh mẽ, khỏe khoắn tiết tấu điện ảnh mà ám ảnh, thơ Đào Trọng Khánh hiện đại từ 40 năm trước. Tôi đặc biệt nhớ hình ảnh “những dấu mắt ngỗng”. Tác giả cho biết ông thích nhạc, ưa nhạc điệu trong thi ca, thường tự chọn nhạc cho phim. “Yêu Mỵ Châu đầu thập niên 70 gần Nhạc viện, lại chơi với dân nhạc. Dấu mắt ngỗng là nốt nghỉ vô cùng tận trong bản nhạc”, Khánh nói thế và đọc luôn Hà Nội em Mỵ Châu (1970) riết róng:

“Anh đưa em về cuối Khâm Thiên
Bánh xe ngựa vấp mặt đê Ô chợ Dừa
Dốc cũ đường mưa trơn
Móng ngựa gày đánh rơi những dấu mắt ngỗng
Bao giờ em về tìm
Giữa khoảng trống vô cùng
Có còn nhận ra nhau tiếng nhạc ồn ào

còn nhận ra nhau hỡi em Mỵ Châu?

Chiều Thu đẩy một người rối trí ra đường
Đi dạo quanh một chiếc lá rụng khổng lồ
Trắng lạnh cái nắm cửa bằng sứ
Vầng trán ai vừa đặt tay vào
Những căn nhà về có người lạ ở!

Người vắng mặt trong các lễ trao giải

Đào Nguyễn, bút danh của ông, chính là tên thường gọi ở quê. Ông đã viết về Hải Phòng thế này: “Thành phố ăn nằm với biển/ Đẻ ra một lũ cần lao” (Hải Phòng trở lại, 1967).

Sinh ra ở huyện Kiến Thụy, ngoại ô Hải Phòng. Đào Trọng Khánh 17 tuổi vào đời kiếm sống bằng nghề khuân vác ở Cảng. Các cụ lãnh đạo Cảng năm xưa, còn nhớ anh công nhân Khánh (sau làm công đoàn), giờ vẫn đến chơi.

Là biên kịch, đạo diễn của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, ông vào nghề điện ảnh năm từ 1965. Nay tuổi 70, chàng Khánh 75 kg, 1m72, dáng dấp vẫn phong độ.

Là nhà điện ảnh tài liệu kỳ cựu, Đào Trọng Khánh luôn tự viết kịch bản, lời bình cho phim của mình. Cả đời, ông đã làm khoảng 30 phim nhựa, trên 10 phim video. Ông có sở trường làm phim chân dung, có thể kể các tác phẩm ấn tượng: Một thế kỷ - một đời người (phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 2001), Đồng chí Phạm Văn Đồng (2000)... Tại LHPVN lần 8 (1985), Đào Trọng Khánh lập kỷ lục: Nhận hai Bông sen Vàng cho 2 phim: Một phần 50 giây cuộc đời (về nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, sau chiếu ở nhiều nước trên thế giới và dự LHP Hawaii), Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Đào Trọng Khánh đông bạn, quảng giao, nhưng chỉ muốn quây quần với những người thấu hiểu, ông không thích nơi ồn ào. Hầu hết các phim ông làm đều được giải, ông đã có gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có 7 giải cá nhân (3 giải kịch bản, 4 giải Đạo diễn xuất sắc nhất). Lạ lùng nhiều lần đăng quang, ông đều không có mặt, vì ông không đi dự liên hoan phim, người ta đưa giải thưởng cho ông sau khi LH kết thúc. Lần duy nhất mà ông dự là LHPVN lần 9 (1990) tại Nha Trang, cũng là lần duy nhất Ban tổ chức có thể trao giải tận tay ông lúc đăng quang. Ở lần này, hai Bông sen Vàng cho phim tài liệu thuộc về ĐD Bùi Đình Hạc với Hồ Chí Minh - chân dung một con người và Đào Trọng Khánh với bộ phim Truyền kỳ (3 tập): Hình bóng tổ tiên, Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người, Truyền kỳ sự thật.

Vào 2005, năm cuối cùng ở Hãng phim, ông làm phim nhựa cuối cùng Lửa thiêng (về nhà thơ Huy Cận), được giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHPVN 15 (2007) tại Nam Định.

Rực lửa đam mê sáng tạo

Đào Trọng Khánh vẫn rực lửa đam mê sáng tạo. Vốn sống, kinh nghiệm, tài năng của ông khiến đơn đặt hàng vẫn đến. Hội LH VHNT Hà Nội ký hợp đồng với ông làm phim Danh nhân Nguyễn Trãi với Thăng Long - HN. NSND Đào Trọng Khánh say sưa đầy hăm hở, trẻ trung nói về tác phẩm này. Ông luôn độc đáo bởi sự tài tình phát hiện các chi tiết mà chưa ai khai thác hoặc biết tới. Ông kể: “Thật bất ngờ, khi tôi tìm thấy và cho quay núi Thanh Mai gần Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi đã mang hài cốt của cha - nhà ngoại giao Nguyễn Phi Khanh đi sứ rồi mất tại Trung Quốc, về an táng trên đỉnh núi. Mộ nay không còn vì bi kịch dòng họ Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, nhiều biến thiên. Sự thực, Nguyễn Trãi sinh ra tại Thăng Long”.

Ngày 17/5/2010, đạo diễn đã giao phim cho bên đặt hàng.

Đào Trọng Khánh bận rộn với nhiều dự định. Trái tim nhịp yêu còn đập, và không có “dấu mắt ngỗng” nào trên con đường sắp tới của ông.

Vi Thùy Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›