(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi vừa ngoài 40, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam thuở nào luôn truyền năng lượng tích cực cho mọi người ở vẻ đẹp khỏe mạnh, năng động cùng sự sâu lắng trong tâm hồn.
Vẻ đẹp nội tâm và hình thể đều quan trọng
Nếu ai theo dõi Facebook cá nhân của Phạm Đình Khánh Đoan, đều trầm trồ trước cuộc sống vô cùng phong phú của cô. Có cảm giác như nguồn năng lượng luôn trào dâng trong cơ thể “nữ hoàng” điền kinh, để rồi cô luôn vận động để giải phóng bớt.
Đoan thừa nhận cô “điệu” và “nghịch” từ bé. Càng thêm tuổi, niềm đam mê thể thao, du lịch, chụp ảnh, chăm sóc cơ thể, hoàn thiện bản thân càng mãnh liệt. Khánh Đoan luôn làm cho mọi người mê đắm với những tấm hình nơi bước chân cô đi qua. Vẻ đẹp của một người phụ nữ vừa bước qua tuổi tứ tuần chín mọng, đầy hấp lực.
Khánh Đoan quan niệm vẻ đẹp hình thể và tâm hồn đều quan trọng như nhau. Phụ nữ đẹp trước hết phải bắt mắt ở vẻ bề ngoài. Là “một đứa điệu từ bé” nên cô luôn chăm chút cho bản thân theo quan điểm, nếu một người lạ gặp bạn, chưa biết vẻ đẹp tâm hồn thế nào nhưng bạn gây được ấn tượng tốt về vẻ ngoài đã là niềm vui lớn.
“Vì vẫn làm thể thao và từng là VĐV nên mình luôn yêu thích vận động. Tùy từng độ tuổi và từng giai đoạn mà lựa chọn môn thể thao phù hợp. Ngày trước thì chạy bộ, chạy theo học trò, vừa chạy cùng vừa sửa kỹ thuật luôn. Sau này có chút xíu tuổi thì thấy Yoga có vẻ phù hợp hơn nên tự nghiên cứu qua YouTube, vận dụng thêm kiến thức của bản thân nữa rồi tập thôi. Đẹp phải đồng nhất với khỏe, nhiều chị em trông rất xinh nhưng cơ thể nhợt nhạt yếu ớt, ít vận động, không tập một môn thể thao nào đó thì khó mà giữ được phong độ”.
Nhưng thời gian đâu để Khánh Đoan sắp xếp việc riêng tư, việc nhà việc nước để tận hưởng cuộc sống đầy sôi động? “Đoan hay đùa với bạn bè khi họ đặt câu hỏi như thế. Rằng Đoan làm việc nhà nước, có con, cũng phải chăm sóc và dạy dỗ chúng, nhà thì không thuê osin tại sao vẫn có thời gian cho những sở thích cá nhân như đi chơi, chụp ảnh?
Đoan cũng nghĩ có thể là do biết cách sắp xếp mọi thứ hợp lý, vậy thôi. Bạn bè nào chơi lâu ngày đều biết mình rất đúng giờ. Nếu lỡ như có sự cố ngoài ý muốn dù 5 phút, Đoan đều nhắn tin hoặc gọi để báo. Có thể từ tính cách đó mà mình luôn sắp xếp việc nào ra việc đó hàng ngày. Tính chuyên nghiệp được hun đúc từ thời còn là VĐV, xa nhà từ nhỏ nên phải tự lo mọi thứ theo cách chính xác nhất”- Khánh Đoan giãi bày.
Khánh Đoan cho biết sự yêu đời, lạc quan cũng là bí quyết giúp cô luôn tươi trẻ. “Nếu ai đã từng tiếp xúc từ lâu thì sẽ biết tính cách Đoan khá hòa đồng, vui vẻ, và duy trì cho đến tận bây giờ, dù cuộc sống chắc chắn có những đoạn thăng trầm nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều lắm. Khi chúng ta yêu đời, tự khắc đời sẽ yêu ta. Mọi khó khăn, đau buồn là hương vị cuộc sống nên chúng ta cũng phải đón nhận một cách chủ động”.
Điền kinh không dành cho người yếu đuối
Cho đến lúc này, Phạm Đình Khánh Đoan không thể nhớ hết mình đã giành bao nhiêu tấm huy chương. 19 tuổi, cô bước vào vị thế “liền chị” với tấm HCV SEA Games 20 ở nội dung 800m. 21 tuổi, cô đã chạm được vinh quang mà bất cứ VĐV điền kinh nào cũng mơ ước: đoạt 2 tấm HCV tại SEA Games 21, Malaysia ở các cự ly vô cùng danh giá: 800m và 1.500m. Đây là thành tích tạo tiền đề cho sự phát triển cự ly trung bình của điền kinh Việt Nam thời điểm đó.
Để đạt đến thành tựu kỳ vĩ, cũng như nhiều VĐV điền kinh khác, Khánh Đoan đã phải trải qua một quá trình dài phấn đấu, nằm gai nếm mật, vô vàn khó khăn, vất vả. Trở thành thành viên của đội tuyển điền kinh quốc gia năm 16 tuổi, kể từ đó cô phải sống xa gia đình ròng rã 8 năm liền. 8 năm ăn ở, tập luyện ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội thì còn đâu thời gian để được vui chơi như bạn bè cùng trang lứa. Đặc biệt, mỗi năm cứ đến các dịp lễ Noel, sinh nhật… bản thân “nữ hoàng” chỉ biết thui thủi một mình. Những lúc như thế cô cảm thấy tủi thân vô cùng, và tất nhiên nỗi nhớ gia đình lại hành hạ khiến chỉ muốn bỏ cuộc giữa chừng.
“Nhổn lúc đó còn vắng vẻ. Gọi về nhà phải mua card điện thoại 50 nghìn đồng, bấm số xong “dạ, dạ” là thấy hết tiền trong thẻ rồi”.
Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa ăn thua gì so với nỗi vất vả, khổ cực trong lúc tập luyện. Năm học lớp 11, hằng ngày cô phải dậy tập luyện từ 4h sáng, đến 6h về tắm rửa giặt giũ, trước khi rong ruổi 12 cây số trên chiếc xe đạp, hoặc xe lam, xe ôm để tới trường Văn hóa Thể thao Hà Nội (trường dành cho các VĐV thể thao Hà Nội và ĐTQG) học văn hóa. 1 năm trời ngày nào cũng vậy, có lúc bản thân Khánh Đoan cảm thấy đã kiệt sức. Nhưng rồi, ý thức sống tự lập, nghị lực của một người thấu hiểu nỗi vất vả của gia đình đã giúp Khánh Đoan vượt qua tất cả.
Bởi cô sớm ý thức nếu không học văn hóa thì giã từ sự nghiệp không biết làm gì, hoặc có gắn bó cũng khó có thể phát triển. Khánh Đoan truyền thông điệp đến các VĐV trẻ nên học văn hóa để sau này còn có nhiều giải pháp cho tương lai.
“Đoan đến với điền kinh là cái duyên rồi đam mê mà gắn bó. Thi thoảng có nghĩ, nếu hồi đó mình không làm VĐV điền kinh thì sẽ làm gì. Nhưng Đoan chưa từng hối hận dù có đôi lúc tủi thân. Năm học đại học, thầy Hiền, giảng viên trường Đại học TDTT TP.HCM nói: “VĐV chuyên nghiệp phải hy sinh những thú vui nho nhỏ của đời thường”, mình ngồi dưới lớp nghĩ lại những năm tháng miệt mài trên những đường chạy mà khóc ngon lành. Ai cũng phải dỗ dành”.
Nặng lòng với quê hương
Khi đạt đến đỉnh vinh quang, rất nhiều cơ hội để cô gái vàng điền kinh nắm lấy, bứt phá để có một vị trí danh giá, hay sự nghiệp xán lạn. Cũng nhiều nơi mời cô về đầu quân để làm công tác huấn luyện. Vậy mà, cô đã chọn cách quay về nơi sinh ra mình.
“Đoan đi nhiều nơi nhưng thấy sống ở Nha Trang là yên bình nhất, ít xô bồ, bon chen vừa đủ. Chưa kể đến thời tiết, khí hậu, gia đình và các mối quan hệ xây dựng được từ nhiều năm trước. Quan trọng nhất nơi đây đã chắp cánh cho một cô bé nghèo được thỏa đam mê điền kinh. Đoan nợ ân tình đó và quyết phải làm được gì cho điền kinh Khánh Hòa”.
Sau SEA Games 22 năm 2003, cuộc chia tay màu áo tuyển quốc gia của Khánh Đoan nhuốm dư vị buồn khi cô không đạt được HCV trên sân nhà. Cô quay về Nha Trang, bỏ lại những năm tháng sôi nổi của thanh xuân để theo học đại học thể thao. Trong khoảng thời gian đó vừa học, vừa làm huấn luyện viên, vừa lấy chồng, sinh 2 con, lấy bằng đại học xong thì chính thức vào biên chế và huấn luyện tổ trung bình và dài đến bây giờ.
Khát khao của cô là sẽ đào tạo được những VĐV ít ra đã làm được những điều mà Đoan đã thực hiện. Khánh Hòa từng là một trong những cái nôi của thể thao đỉnh cao, đào tạo nhiều tên tuổi lớn, điền kinh nằm trong số đó, cần phải duy trì bằng mọi giá.
Nhưng, mọi chuyện không đơn giản bởi tìm được một VĐV có tư chất, giàu nghị lực, khát khao chiến thắng ở cự ly trung bình không đơn giản, nhiều lúc phải chờ “trời xe duyên”. Chưa kể tuổi trẻ giờ suy nghĩ khác. Rồi mức độ đầu tư cũng quan trọng, thậm chí quyết định đến sự phát triển của phong trào điền kinh. Từ trước năm 2022, VĐV của Đoan tiêu chuẩn ăn chỉ 70 nghìn đồng/ ngày. Tập gì được với số tiền ăn hằng ngày đó. Năm nay tăng lên 160-180 nghìn/ ngày, Khánh Đoan mừng lắm.
“Ngày nay, mỗi gia đình chỉ 1-2 con, nên các phụ huynh rất ngại cho con theo thể thao chuyên nghiệp, nhất là điền kinh. Đoan sinh ra lớn lên trong gia đình nghèo, nên theo điền kinh cũng là sự lựa chọn có chủ đích để mong đổi đời.
Bản thân 2 con của Đoan các cháu cũng không theo thể thao, có lẽ do “gen” bố, không có năng khiếu thể thao nên đành phải hướng con theo sự nghiệp khác. Thể thao là phải có năng khiếu”.
SEA Games 31 sắp tới, Khánh Đoan sẽ tham gia với vai trò trọng tài. Cô đã đậu chứng chỉ trọng tài quốc tế bậc 1 cách đây mấy năm, đã rong ruổi nhiều giải. Đấy cũng là niềm vui lớn bởi ngoài công việc cô còn được trải nghiệm thêm vẻ đẹp cuộc sống, được giao lưu và được làm đẹp, chụp ảnh, check-in.
Ngọc Trinh