(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao Việt Nam đang hướng tới những thành tích vượt mong đợi tại Olympic Rio, đầu trường lớn nhất năm 2016. Nhân ngày đầu Xuân Bính Thân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đã có những chia sẻ thẳng thắn với Thể thao & Văn hóa.
- Thưa ông, quá trình chuẩn bị cho Olympic 2016 của TTVN đã diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới chỉ có được 6 vé chính thức dự Olympic. Con số này liệu đã phản ánh đúng thực tế các cuộc thi đấu vòng loại, quá trình chuẩn bị của Thể thao Việt Nam?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: Công tác chuẩn bị cho các VĐV thi vòng loại đã được lên kế hoạch từ rất sớm trong những năm qua với sự liên thông giữa các giải đấu và đại hội thể thao quốc tế. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị thì phụ thuộc vào nhiệm vụ của từng môn, từng giải đấu cụ thể để các vận động viên thi đấu đạt thành tích tốt nhất.
Theo tính toán của ngành thể thao, chúng tôi chuẩn bị lực lượng ở 11 đến 14 môn thể thao có thể giành quyền dự Olympic và đến thời điểm hiện tại đã có 6 VĐV ở 3 môn bắn súng, bơi và cử tạ đã giành vé. Một số môn khác như thể dục, xe đạp, đấu kiếm, cầu lông, đua thuyền… vẫn đang trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc thi đấu tiếp theo trong giai đoạn cuối cùng diễn ra từ tháng 1 đến tháng 6 tới đây.
Nhìn chung các cuộc thi đấu giành suất dự Olympic diễn ra với nhiều khó khăn. Riêng 2 môn là bóng đá nữ, bóng bàn được nhận định là cực kỳ khó khăn đối với các VĐV để có thể được tới Brazil vào mùa hè năm nay.
Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành 13 đến 15 suất chính thức dự Olympic Rio 2016.Ảnh: Quang Thắng
Kết quả các cuộc thi đấu vòng loại Olympic 2016 trong năm 2015 đã cho thấy có rất nhiều khó khăn đối với các tuyển thủ và có cả những điều nằm ngoài tính toán của giới chuyên môn như chấn thương của nhiều VĐV. Trong các cuộc thi đấu còn lại ở 6 tháng tới đây, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn hơn và điều này liệu có ảnh hưởng tới mục tiêu giành từ 13-15 suất chính thức dự Olympic?
- Thực ra ngành thể thao đặt mục tiêu số lượng từ 16 đến 20 VĐV tham dự Olympic nhưng những chấn thương của các VĐV thì không thể biết trước được trong quá chuẩn bị lực lượng, nhất là môn đòi hỏi tính kỹ thuật cao như thể dục, hay môn đòi hỏi sức mạnh như cử tạ. Hiện nay, một số VĐV trong danh sách trọng điểm đang gặp chấn thương dai dẳng từ lúc họ tập luyện nhiều năm năm trước.
Giải pháp cho vấn đề này là trong quá trình chuẩn bị chúng ta vừa điều trị chấn thương này, vừa duy trì khối lượng tập luyện phù hợp cho các VĐV để tránh trường hợp họ không thể tham gia thi đấu. Trong kế hoạch chuẩn bị, có khoảng 40 VĐV được đánh giá là có khả năng giành quyền dự Olympic và sẽ phấn đấu có một nửa số VĐV này giành được vé chính thức. Hiện nay, việc chuẩn bị trong thời gian còn lại đang được thực hiện rất quyết liệt, từ tập huấn trong nước và nước ngoài, chăm sóc, điều trị chấn thương… với tinh thần không được phép chủ quan.
Thưa ông, tại SEA Games 28, đoàn TTVN cho thấy một khác biệt rất lớn so với nhiều kỳ đại hội trước đây là chúng ta không chạy theo số lượng mà chỉ tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất để đi thi đấu và đã làm nên một kỳ đại hội thành công nhất về chuyên môn trong lịch sử TTVN. Nên chăng, tại kỳ Olympic 2016, TTVN cũng cần tính toán đến chất lượng VĐV, thành tích, chứ không nhất thiết phải có được số lượng mà không đảm bảo được chất lượng?
- Có thể nói trong chiến lược dịch chuyển các môn thể thao Olympic để đạt được thành tích ở đấu trường lớn nhất hành tinh này là một vấn đề hết sức khó khăn. Trong khi đó, điều kiện của chúng ta thì còn hạn chế nhất là vấn đề cơ sở vật chất, kỹ thuật luyện tập nhất là các môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ hay là một số môn thể thao Olympic khác.
Để khắc phục khó khăn này, công tác chuẩn bị cần được tính toán hết sức cụ thể và phải phù hợp với điều kiện đang có. Vì vậy chúng tôi luôn luôn coi trọng vấn đề chất lượng các VĐV tham dự, hay nói các khác các VĐV đã qua vòng loại Olympic được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chính điều đó, sẽ nói lên các thành tích của VĐV trong quá trình thi đấu. Càng chuẩn bị tốt bao nhiêu thì các VĐV sẽ càng có cơ hội giành được thành tích tốt trong thi đấu bấy nhiêu.
Trong năm 2016, Olympic là đấu trường được chờ đợi nhất của TTVN. Trong những ngày đầu Xuân Bính Thân, thay mặt những người quản lý ngành thể thao, ông có muốn chia sẻ điều gì với người hâm mộ?
- Việc hướng tới những thành tích cao hơn ở những đấu trường lớn là đòi hỏi và kỳ vọng của người hâm mộ và cũng là mục tiêu mà những người làm công tác thể thao hướng tới. Tôi muốn chia sẻ rằng, dù điều kiện có khó khăn đến mấy, có hạn chế đến mấy thì các HLV, VĐV trong đoàn TTVN khi đại diện cho quốc gia thi đấu trên đấu trường quốc tế luôn cố gắng càng ngày càng giành được thành tích cao hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc ngành thể thao và đoàn TTVN sẽ gặt hái được nhiều thành công tại Olympic 2016!
Vũ Lê (thực hiện)
Tags