(Thethaovanhoa.vn) - 9.000 cuốn sách Quân khu Nam Đồng đã được in và tái bản 2 lần từ khi sách ra vào tháng 4/2015. Nếu mỗi bản coi như một lần bấm “like” trên Facebook, cuốn sách là một “trạng thái” hút khách.
Nói vậy bởi Quân khu Nam Đồng được quảng bá một phần rất lớn nhờ Facebook, trong đó có những nhà văn, nhà báo tên tuổi, đặc biệt là những người có kỷ niệm cá nhân với chủ đề của cuốn sách – cộng đồng mang tên “Quân khu Nam Đồng” gắn với quá khứ Hà Nội một thuở.
Con giai phố cổ, Dằng dặc triền sông mưa, Bát phố... vì sao người ta viết nhiều về quá khứ của Hà Nội đến vậy, đến nỗi không thời nào là thiếu sách? Phải chăng Hà Nội chỉ giá trị ở quá khứ? Nói vậy không chuẩn. Các vấn đề đương đại của Hà Nội cũng có mối liên kết chặt chẽ với quá khứ, một quá khứ vô cùng đày dặn. Vùng đất nào cũng vậy, nhưng với Hà Nội, điều này quá sức rõ ràng.
Không chỉ bởi thành phố này có lịch sử dài hơn nhiều vùng đất khác, mà còn vì với mỗi nhóm người sống hoặc từng sống ở Hà Nội, nơi này để lại một lịch sử riêng. “Quân khu Nam Đồng” là một nhóm người như vậy.
“Nếu chúng nó phục thù, sẽ cho chúng nó biết thế nào là Quân khu Nam Đồng” – câu nói này của nhân vật Việt là lần đầu tiên cái tên “Quân khu Nam Đồng” được nhắc đến, mở đầu thời niên thiếu sôi động hiếm thấy.
Khu tập thể quân đội Nam Đồng được xây dựng xong năm 1964, là một trong những khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ. Nơi đây là nhà của khoảng 500 sĩ quan. Nhưng gắn bó với khu tập thể nhất không phải là người lớn, mà là lũ trẻ con, những người khoảng 7 tuổi khi chuyển đến đây vào năm 1964-1965. Hiện, họ đã vào độ tuổi trung niên, và ở khắp mọi miền.
Cuốn sách Quân khu Nam Đồng bắt đầu từ một cuộc hội ngộ của những con người đó, những đứa trẻ năm xưa giờ đã sống quá nửa cuộc đời, ở Hà Nội. Những người đang ở TP.HCM cũng bay ra tham dự. Những thành viên “khét tiếng” như Việt, ai cũng nhớ mặt điểm tên, rồi Khanh, Hòa, Hoàng, Thái Đen, Hà Tư, Giang, Ngọc, Anh Sơn, Tân Thời, Dũng Chột...
Tên các nhân vật đều đã được thay đổi vì các câu chuyện được kể lại bằng ký ức, có thể sai khác giữa người này và người kia. Nhưng về cơ bản, đây chính là những ngày tháng đó.
Nhắc đến “Quân khu Nam Đồng” nhiều người lắc đầu: “Không phải là nghịch, mà còn hơn cả nghịch, hơn rất nhiều”. Những đứa con của lính sống ngang tàng trong môi trường học đường lẫn đời sống. Học hành, phá phách, đánh lộn, và yêu đương. Một thời niên thiếu dữ dội không của riêng ai.
Quân khu Nam Đồng ký tên Bình Ca, một tác giả giấu mặt giấu tên thật. Bởi cuốn sách là ký ức chung, là câu chuyện chung của những đứa trẻ ở khu tập thể ngày ấy, của một “quân khu trẻ con” mãi mãi là hoài niệm.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags