Quần vợt: Mẹ bán kẹo hồ lô, con trai là số 1 thế giới

Thứ Hai, 31/12/2018 18:29 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chun Hsin Tseng đang là cây vợt số 1 trên bảng xếp hạng trẻ. Mặc dù vậy, gia đình hi vọng anh sẽ thành công khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp để họ không phải nặng gánh mưu sinh nữa.

Serena Williams: biểu tượng của nghị lực và sự kiên trì

Serena Williams: biểu tượng của nghị lực và sự kiên trì

Sự trở lại nhanh chóng của Serena Williams với quần vợt sau một thời gian mang thai, và sinh con là sự chiến thắng chính mình. Vì thế, cô đã được hãng thông tấn AP bầu chọn là vận động viên nữ năm thứ 5 liên tiếp

Sự vất vả của người mẹ, nỗi lo của người cha

Đáng ra đó phải là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của ông Yu Te Tseng. Thế nhưng, cha của cây vợt xuất sắc nhất bảng xếp hạng trẻ của nam lại cúi đầu và lấy tay lau những dòng nước mắt đang trào ra.

Ông ngồi trong khu vườn ở giải US Open vừa diễn ra hồi tháng 9 vừa qua sau khi cậu con trai Chun Hsin thắng một trận đấu quan trọng nữa. Thế nhưng, mặc dù được một người bạn vỗ về, ông Tseng vẫn mất một lúc mới có thể bình tâm trở lại và giải thích nỗi buồn của ông.

Trong nhiều năm liền, Tseng đã huấn luyện cho cậu con trai, giờ 17 tuổi, dự kiến sẽ chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp tại một giải ở Hong Kong vào cuối tháng này. Hai cha con đã đi khắp thế giới và dù xuất thân trong một gia đình lao động ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), Chun Hsin, hay còn gọi là Jason, đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng tennis trẻ thế giới.

Trong năm nay, Tseng đã thống trị các giải trẻ. Anh lọt vào chung kết Australian Open trẻ hồi tháng 1, vô địch French Open trẻ vào tháng 6 và Wimbledon trẻ trong tháng 7. Ở US Open, anh vào đến bán kết và kết thúc năm ở vị trí số 1 thế giới.

Thế nhưng, trong khi Tseng giành được tất cả cùng với sự có mặt của người cha bên cạnh, mẹ anh vẫn ở Đài Bắc, trông nom một quầy bán đồ ăn nhỏ và cậu em trai 15 tuổi, Yun Di Tseng.

Đối với mẹ anh, Chung Han Tsai, việc nhà thật vất vả.

Gia đình họ có một quầy bán đồ ăn ở chợ đêm Lehua tại Đài Bắc. Món ăn chính là tanghulu, hay còn gọi là kẹo hồ lô, một loại kẹo trái cây phủ đường gắn trên xiên tre. Họ bán từ 4 giờ chiều đến 1 giờ sáng và hầu như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi.

Dĩ nhiên thì khi ông Yu Te Tseng không thể ở đó vì lịch thi đấu của Jason, vợ ông phải làm mọi việc một mình. Rắc rối là bà bị viêm cơ gân do phải đứng nhiều kể từ khi họ mở hàng ăn vào năm 1999.

“Sức khỏe của vợ tôi năm nay không tốt do phải làm việc nhiều,” ông Tseng cho biết. “Với tình hình này, khi chúng tôi di chuyển nhiều và chỉ có một mình bà ấy, bà ấy bắt đầu cảm thấy không thể chịu đựng nổi. Tôi không muốn bà ấy vất vả thế. “Dĩ nhiên, nếu Jason thành công, chúng tôi sẽ không phải lo lắng quá nhiều về tài chính.”

Không để con trai bận tâm về chuyện cơm áo, gạo tiền, bố mẹ Jason Tseng đã giấu con trai về nỗi lo của họ. Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9, ông còn nói, “Tôi không bao giờ nghĩ về điều đó.”

Mặc dù vậy, họ biết rõ khó khăn và thách thức lớn như thế nào.

Chú thích ảnh
Mẹ của Chun Hsin Tseng, Chung Han Tsai, bán hàng mỗi ngày trên phố
từ 4 giờ chiều đến 1 giờ sáng

Những trở ngại cho người con

Khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp, Tseng sẽ đứng ở vị trí thứ 441 thế giới. Những thống kê chỉ ra rằng, chỉ top 100 hoặc có đủ tiền mới sống ổn được sau khi trừ đi chi phí di chuyển và huấn luyện. Còn lúc này, Tseng đang có sự hỗ trợ từ tập đoàn Formosa Plastics Group, China Airlines và Liên đoàn quần vợt Đài Loan.

Tseng là cây vợt nam đầu tiên giành 2 danh hiệu Grand Slam trẻ trong một năm kể từ Filip Peliwo của Canada năm 2012. Vấn đề là thành công ở giải trẻ không có nghĩa sẽ thành công ở giải chuyên nghiệp. Peliwo hiện đứng thứ 259 thế giới và vị trí cao nhất trong sự nghiệp của anh là thứ 161 hồi tháng 5 vừa qua. Trong 5 năm thi đấu chuyên nghiệp, Peliwo, giờ 24 tuổi, đã kiếm được 274.386 USD, tức khoảng 54.000 USD/năm.

Không phủ nhận một số cây vợt từng giành một hoặc nhiều danh hiệu Grand Slam trẻ đã trở thành những siêu sao như John McEnroe, Roger Federer, Stefan Edberg và Andy Roddick, những tài năng trẻ như Uladzimir Ignatik, Yuki Bhambri và Peliwo, cũng đã không thành công.

Ở Tseng, cây vợt có cùng ngày sinh với Federer (8/8), anh có những cú đánh đầy uy lực, sự bền bỉ và lối chơi cuối sân hiệu quả. Có điều, việc chỉ cao 1,72m và nặng 61,6kg sẽ khiến anh gặp nhiều bất lợi ở sân chơi chuyên nghiệp, ở cái thời xu hướng quần vợt thiên về những cây vợt to cao với các cú phát bóng mạnh.

“Lúc này cậu ấy hơi nhỏ bé,” Patrick Mouratoglou, HLV và người đứng đầu Học viện quần vợt Mouratoglou tại Pháp, nơi Tseng tập luyện từ năm 13 tuổi, nói. “Thế nhưng, cậu ấy sẽ mạnh mẽ hơn bởi vì cậu ấy luyện tập chăm chỉ. Anh không cần to cao để thành công. Hãy nhìn Novak Djokovic đấy, anh ấy di chuyển tốt và cũng rất nhẹ cân.”

Ngay từ khi đến Pháp, Tseng đã làm Mouratoglou sửng sốt vì khối lượng tập luyện của mình. “Thật khó tin,” Mouratoglou nói về Tseng. “Chất lượng, cường độ và khối lượng tập luyện của cậu ấy mỗi ngày là rất hiếm thấy.”

Tseng cầm vợt năm lên 5 tuổi. Chỉ trong vài năm được người cha, người thích được gọi là Ed, huấn luyện, Jason cho thấy tài năng khác thường của mình. Ông Ed đã phát hiện điều này trong một ngày đi làm và nhờ đó, hai cha con cũng nhau luyện tập mỗi ngày.

Trong một ngày bình thường, Ed Tseng sẽ làm việc ở chợ đêm và đi ngủ lúc 2 giờ sáng. Ông dậy lúc 3 giờ 30 để tập cùng con trai. Rồi hai người trở về nhà, tắm rửa và chuẩn bị đến trường. Người cha sau đó ngủ thêm một chút nữa trước lúc cùng con trai tập vào buổi chiều. Rồi ông trở lại công việc cùng vợ.

Thói quen sinh hoạt là vậy nhưng khi Jason phải di chuyển, ông cũng phải đi theo và thế là bà Chung Han Tsai chỉ còn một mình với hàng ăn.

Thực ra thì có những tối, Jason và cậu em trai đi bộ từ nhà ra chợ để giúp đỡ cha mẹ, làm bài tập ở đó hoặc chỉ gọt vỏ hoa quả. Tuy nhiên, mọi sự tập trung và ước mơ của Jason luôn là quần vợt.

“Những lúc đó, tôi không có nhiều thời gian đi chơi với bạn bè hay thư giãn,” anh nói. “Tôi luôn tập luyện. Đó là cái cách mà các cây vợt chuyên nghiệp phải làm.”

Jason Tseng cho biết anh không thích những thứ cha mẹ mình bán. Thứ anh thích hơn là kem nhưng anh cũng không thể ăn theo chế độ tập luyện. Chỉ có hai lần gần đây anh phá lệ là sau khi vô địch French Open và Wimbledon trẻ.

Trong những chiến thắng đó, bà Tsai đều không có mặt. Đúng hơn thì bà vẫn ở Đài Bắc và bán kẹo hồ lô. Dĩ nhiên là mỗi khi Jason thi đấu, ông Ed đều thông tin cho bà. Chẳng hạn như trong email gần đây, ông cho biết bà Tsai nói với ông rằng, thắng lợi của Jason đã giúp bà trở nên mạnh mẽ hơn.

Tuy vậy thì tình hình hiện tại không thể giúp bà Tsai khỏe hơn. Bà cần nghỉ ngơi và theo như ông Ed tiết lộ, đầu năm sau, họ sẽ đóng quầy hàng. Không phải để sang nhượng mà chỉ là đóng cửa. Rồi sẽ đến lúc Jason kiếm được tuần, nỗ lực đầu tư vào tương lai anh của anh có thể thành công và gánh nặng tài chính gia đình sẽ được rũ bỏ.

Nói như ông Ed Tseng thì “tôi không biết nó có thể tiến xa tới đâu nhưng chúng tôi đang làm tất cả để nó thể hiện hết tài năng.”

Chun Hsin Tseng thực tế đã kiếm được 12.756 USD tiền thưởng. Đó là theo thông tin mà trang Wikipedia cung cấp. Còn trên trang atptour.com, số tiền thưởng của Chun Hsin là 26.166 USD, trong đó có 24.812 USD của năm 2018

Mạnh Hào

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›