Quần vợt: Vì sao Laver Cup lại có sức hút?

Thứ Bảy, 21/09/2019 06:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần này, làng quần vợt thế giới sẽ sôi động với giải đấu Laver Cup. Vì sao một giải đấu mang tính tập thể như Laver Cup lại có sức hút, dù mới chỉ trải qua lần tổ chức thứ ba?

Tennis: Real Madrid 'ủ mưu' tổ chức trận kinh điển Nadal vs Federer ngay tại Bernabeu

Tennis: Real Madrid 'ủ mưu' tổ chức trận kinh điển Nadal vs Federer ngay tại Bernabeu

CLB Real Madrid được cho là muốn tổ chức trận đấu giữa Rafael Nadal và Roger Federer tại sân Bernabeu để thiết lập nên kỷ lục mới của môn tennis.

Có một câu hỏi thường xuyên được đặt ra: Vì sao quần vợt chưa có một giải đấu theo kiểu Ryder Cup trong môn golf? Ryder Cup tự hào là giải đấu đáng xem với quy mô hai năm một lần. Trong khi đó, quần vợt vẫn chỉ tập trung vào những giải đấu cá nhân, thay vì tìm ra một giải đấu mang tính chất tập thể quy tụ các tay vợt hàng đầu.

Những điều bí ẩn từ Laver Cup

Cách đây 2 năm, vấn đề ấy của quần vợt đã có lời giải. Đó chính là Laver Cup, giải đấu chuẩn bị bước sang lần tổ chức thứ ba tại Geneva, Thụy Sĩ vào cuối tuần này. Trong hai kỳ đầu tiên tổ chức, Laver Cup đã bán sạch vé trong mọi trận đấu diễn ra dù là ở Prague năm 2017 hay Chicago năm ngoái. Giải đấu đồng thời tạo ra hiệu ứng tích cực trên các trang mạng xã hội.

Điều gì đặc biệt ở giải đấu này mà nhiều người chưa biết? Dù mang tên gọi là Rod Laver, đây lại là giải đấu được tay vợt Roger Federer khởi xướng. Liệu những đối thủ của Federer như Rafael Nadal hay Novak Djokovic có chịu thi đấu, hay John McEnroe và Bjorn Borg đồng ý tham gia làm HLV, cũng như việc những tay vợt đồng ý đóng vai trò cổ động viên cho các đồng nghiệp của mình? Có lẽ là không.

Lý do giải Laver Cup thành công trong hai mùa trước đó rất rõ ràng, nhưng bản thân giải đấu này vẫn mang những điều bí ẩn khó lý giải. Tại sao các tay vợt lại phải chú tâm tới một giải đấu nặng về giao hữu như Laver Cup? Laver Cup hiện tại là một giải đấu nằm trong hệ thống ATP, nhưng các tay vợt dự giải sẽ không được tính điểm trên bảng xếp hạng. Vậy thì điều gì khiến những người theo dõi quần vợt thích thú với cơ hội các tay vợt mình yêu thích có dịp sát cánh bên nhau?

Chú thích ảnh
Laver Cup là giải đấu hiếm hoi có thể tập hợp được các tay vợt nam hàng đầu trên khắp thế giới, với một thể thức linh hoạt

Các giải quần vợt học gì từ Laver Cup?

Trên tất cả những câu hỏi trên, nhiều người thắc mắc: Vậy các giải đấu quần vợt khác học hỏi được điều gì từ Laver Cup? Trước hết, Laver Cup là một giải đấu chứng minh những nét truyền thống và hiện đại trong quần vợt vẫn có thể song hành cùng nhau. Giải đấu này vẫn chào đón các tay vợt huyền thoại, sử dụng thể thức thi đấu như thường thấy ở nhiều giải quần vợt lớn khác. Điểm mới mẻ ở Laver Cup là việc những nhà tổ chức sử dụng loạt tie-break “chạm đến điểm số thứ 10”, cũng như khuyến khích việc các HLV hay cổ động viên được bày tỏ cảm xúc, thay vì phải giữ trật tự tuyệt đối trong suốt thời gian trận đấu diễn ra.

Một chi tiết đáng chú ý khác là Laver Cup hoàn toàn có thể thu hút khán giả bằng những đoạn clip gây ấn tượng nào đó. Chẳng hạn, cách đây hai năm, đoạn clip trận đấu giữa Federer và Nadal đã thu hút một lượng theo dõi đáng kể trên Internet. Rõ ràng quần vợt cần phải học cách lăng xê các ngôi sao nhằm tăng lượng người xem.

Thêm vào đó, Laver Cup chỉ ra quần vợt không chỉ có sức hút ở các nội dung cá nhân. Những giải đấu theo thể thức đánh đơn đã thống trị làng quần vợt quá lâu. Điều này không cần bàn cãi bởi quần vợt thực tế là một môn thể thao đề cao yếu tố cá nhân. Mặt khác, không ít tay vợt vẫn có khát vọng muốn được thi đấu theo hình thức là thành viên của một đội quần vợt nào đó. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có giải quần vợt Davis Cup là sân chơi tốt nhất cho những tay vợt thích tinh thần tập thể, muốn cống hiến cho một màu áo, một đội tuyển quần vợt nào đó. Sau khi tập hợp được các tay vợt dưới một đội tuyển, bước tiếp theo có thể là việc tìm cách thuyết phục WTA tìm cách đưa các tay vợt nữ hàng đầu tham gia vào một giải đấu tương tự thế này. Hoàn toàn có khả năng diễn ra những trận đấu đánh đôi mà mỗi đôi gồm một tay vợt nam và một tay vợt nữ. Điều này sẽ thúc đẩy việc trong đội ngũ cổ vũ trên các khán đài có cả những nữ hoạt náo viên xinh đẹp.

Quan trọng hơn tất cả, Laver Cup mang đến một bầu không khí hứng khởi, vui vẻ ở các trận đấu. Đó là điều ít thấy ở các giải quần vợt lớn, nơi các tay vợt phải tập trung trên sân đấu kéo dài hàng giờ đồng hồ cho từng đường bóng. Sẽ rất đáng chờ đợi khi chứng kiến cảm xúc của các tay vợt được trải đều qua từng thời điểm của séc đấu, thay vì phải chờ đến khi một séc đấu kết thúc hay thậm chí lúc trận đấu được hoàn tất.

Chỉ có một câu hỏi lớn nhất: Liệu Laver Cup có thể được duy trì, kể cả khi Roger Federer gác vợt? Chỉ thời gian mới có thể trả lời. Bản thân tay vợt người Thụy Sĩ không giấu giếm mong muốn kéo dài sự nghiệp thi đấu của mình ở làng banh nỉ. Bất luận khả năng kéo dài sự nghiệp của Federer ra sao, anh xứng đáng được ghi nhận với công lao góp phần tạo ra một giải đấu nhiều mới mẻ như Laver Cup.

Laver Cup 2019 diễn ra như thế nào?

Laver Cup 2019 sẽ diễn ra trong ba ngày từ 20-22/9 tại Geneva, Thụy Sĩ. Đây là giải đấu diễn ra giữa các tay vợt nằm trong hai đội: Đội quần vợt châu Âu và đội phần còn lại của thế giới. Đội châu Âu do HLV Bjorn Borg phụ trách, gồm 6 tay vợt chính thức: Rafael Nadal, Roger Federer, Dominic Thiem, Alexander Zverev, Stefanos Tsitsipas, Fabio Fognini cùng một tay vợt dự phòng là Roberto Bautista. Đội Thế giới do HLV John McEnroe đảm trách gồm 6 tay vợt chính thức: John Isner, Milos Raonic, Nick Kyrgios, Taylor Fritz, Denis Shapovalov, Jack Sock và một tay vợt dự phòng là Jordan Thompson.

Các trận đấu sẽ được tính điểm theo thể thức: Mỗi chiến thắng trong ngày thi đấu đầu tiên được tính 1 điểm, ngày thứ hai tính 2 điểm và ngày thứ 3 là 3 điểm. Đội nào chạm đến điểm số thứ 13 trước là đội thắng cuộc. Mỗi ngày thi đấu sẽ có 4 trận gồm 3 trận đánh đơn và một trận đánh đôi. Điều này tạo sức hút cho giải đấu, khi rất khó có một đội nào có thể giành chiến thắng chung cuộc trước ngày thi đấu cuối cùng.

Đức Hùng

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›