(Thethaovanhoa.vn) - Vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã trình lên Chính phủ Đề án chuẩn bị và tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á - Para Games lần thứ 11 năm 2021. Bức tranh về ngày hội lớn của thể thao khu vực lần thứ hai diễn ra tại Việt Nam đã được định hình.
1. Đổi mới chương trình thi đấu
SEA Games có lịch sử dài tới hơn nửa thế kỷ kể ngày tổ chức đầu tiên vào năm 1959 dưới cái tên SEAP Games (Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á). Không chỉ là sân chơi lớn nhất, từ SEAP Games đến sau này là SEA Games đã giúp thể thao khu vực có những bước tiến lớn, tiệm cận với mặt bằng châu lục và thế giới.
cũng qua hơn nửa thế kỷ ấy, khi mà những giá trị kết nối vẫn được đề cao, thì không thể phủ nhận rằng - Chuyên môn, giá trị mang tính cốt lõi của SEA Games đang trở nên mai một bởi vấn nạn "vơ vét" huy chương của không ít nước chủ nhà tại không ít kỳ Đại hội.
Dù vẫn có trong chương trình những môn thể thao cơ bản nhất thuộc hệ thống thi đấu ASIAD và Olympic, tuy nhiên, việc quốc gia đăng cai Đại hội có quá nhiều quyền, cùng kẽ hở trong việc lựa chọn môn thi đấu ở nhóm 3 (Nhóm gồm các môn đặc trưng của khu vực và của nước đăng cai) là nguyên nhân chính dẫn tới vấn nạn này mà mục tiêu không gì khác - Nước chủ nhà chiếm vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng huy chương bằng mọi giá.
Chẳng phải vô lý khi SEA Games bị gắn với cái mác "ao làng" do chính vấn nạn này, mặc cho trước mỗi kỳ Đại hội, nó luôn được xới lên gay gắt. Theo một con số thống kê từ chính giới chuyên môn, trong khá nhiều SEA Games diễn ra gần đây, chỉ duy nhất tại Singapore vào năm 2017 là đạt được chuẩn trong khâu tổ chức.
Dù phải 3 năm nữa mới diễn ra, nhưng ngay từ lúc này với bản đề án đăng cai tổ chức được hình thành, có thể khẳng định - Thể thao Việt Nam hướng tới một kỳ SEA Games gắn với chuẩn ASIAD và Olympic, thông qua việc đổi mới chương trình thi đấu.
Cụ thể, dự kiến SEA Games 31 tổ chức tối đa 40 môn và thống nhất đưa 36 môn thể thao vào đề án trình Chính phủ, gồm 3 nhóm: Nhóm 1 với 2 môn bắt buộc là điền kinh và thể thao dưới nước. Nhóm 2 gồm 23 trong tổng số 35 môn thể thao thuộc Olympic và ASIAD. Nhóm 3 với 11 môn đặc trưng của khu vực và của nước đăng cai. 4 môn còn lại sẽ chờ Hội đồng thể thao Đông Nam Á và các quốc gia đề nghị thêm theo quy định của điều lệ.
Việc lựa chọn này căn cứ vào thực trạng phát triển thể thao ở nước ta cũng như quy định của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và thực hiện chủ trương đổi mới nội dung và phương thức tổ chức SEA Games gắn với chương trình thi đấu của các đại hội thể thao quốc tế.
2. Quy mô nhưng tiết kiệm
Theo đề án vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trình Chính phủ, dự kiến thời gian tổ chức SEA Games 31 sẽ từ ngày 21/11 đến 2/12/2021. Cũng như lần đầu tiên tổ chức, kỳ SEA Games vẫn diễn ra chính tại Thủ đô Hà Nội, nơi tổ chức Lễ khai mạc và bế mạc cùng các địa điểm vệ tinh là: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.
Về quy mô, SEA Games 31 tiếp tục quy tụ tất cả 11 đoàn thể thao quốc gia trong khu vực tham gia với tổng số khoảng 19.350 người góp mặt (chưa kể lực lượng công an, quân đội tham gia bảo vệ Đại hội). Trong đó, số trưởng đoàn, cán bộ, HLV là 3.100 người; VĐV: 7.000 người; Quan chức của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, các Liên đoàn Thể thao quốc tế và khách mời: 300 người; Trọng tài: 2.300 người; Nhân viên tình nguyện: 3.000 người....
Lần thứ 2 tổ chức SEA Games với quãng thời gian là 18 năm cùng nhiều bước tiến lớn, rõ ràng, việc là chủ nhà ngày hội thể thao khu vực không còn là thách thức quá lớn và bài toán đặt ra với Thể thao Việt Nam lúc này là - Tiết kiệm và hiệu quả.
Theo dự kiến kinh phí chi cho việc chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 khoảng 2.100 tỷ đồng, trong đó, kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng; kinh phí tổ chức dự kiến khoảng 1.100 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí không lớn nếu so với SEA Games 2003 khi Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức là khoảng 5.000 tỉ đồng (tương đương gần 250 triệu USD) khi chủ yếu là xây mới hệ thống cơ sở vật chất, trong đó 1.000 tỉ đồng cho việc xây sân vận động quốc gia Mỹ Đình, 800 triệu đồng xây Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình.
Đáng chú ý, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho SEA Games 31 tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận chủ yếu là sửa chữa nâng cấp (nâng cấp trường bắn ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội tốn nhiều nhất với 198 tỉ đồng, cải tạo sân Mỹ Đình 108 tỉ đồng; Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình 48 tỉ đồng). Sẽ chỉ có duy nhất cụm từ 8-10 sân quần vợt được xây mới tại khu vực Mỹ Đình, nhưng cũng bằng phương thức xã hội hóa với mặt sân đạt chuẩn thi đấu quốc tế cùng hệ thống khán đài di động.
Dự kiến thu từ việc tổ chức SEA Games 31 cũng sẽ vào khoảng 190 tỷ đồng với các nguồn: Thu ăn ở của các đoàn tham dự Đại hội khoảng 100 tỷ đồng; Thu hoạt động tài trợ, quảng cáo khoảng 25 tỷ đồng; Thu khai thác bản quyền truyền hình quốc tế khoảng 50 tỷ đồng và thu khai thác bản quyền truyền hình trong nước khoảng 15 tỷ đồng.
Các môn thi dự kiến của SEA Games 2021 - Nhóm 1: (1) Điền kinh, (2) Thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bơi nghệ thuật). - Nhóm 2: (3) Thể dục (thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, Thể dục Aerobic), (4) Đua thuyền (rowing, canoeing), (5) Bóng đá (nam, nữ, futsal nam, futsal nữ), (6) Bắn súng (bắn đĩa bay), (7) Bắn cung, (8) Cử tạ, (9) Judo, (10) Taekwondo, (11) Karate, (12) Wushu, (13) Vật, (14) Boxing, (15) Đấu kiếm, (16) Cầu lông, (17) Cầu mây, (18) Quần vợt, (19) Bóng chuyền (trong nhà nam – nữ, bãi biển nam – nữ), (20) Bóng rổ (5x5, 3x3), (21) Bóng ném, (22) Xe đạp (địa hình, đường trường), (23) Bóng bàn, (24) Billiard & Snooker, (25) Golf. - Nhóm 3: (26) Bi sắt, (27) Đá cầu, (28) Vovinam, (29) Lặn, (30) Khiêu vũ thể thao, (31) Cờ (cờ vua, cờ tướng), (32) Pencak silat, (33) Muay, (34) Thể hình, (35) Thể thao điện tử, (36) Kick Boxing. |
V.M
Tags