SEA Games 31: Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn

Thứ Sáu, 05/11/2021 04:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Việt Nam, đề xuất thời gian tổ chức từ ngày 12/5 đến 23/5/2022 đã được thông qua.

7 tháng cho một SEA Games nhiều kỳ vọng

7 tháng cho một SEA Games nhiều kỳ vọng

Việc Việt Nam khẳng định tiếp tục đăng cai tổ chức SEA Games 31 là tin rất vui. Dù thế, vẫn còn đó nhiều nỗi lo khi chúng ta chỉ còn 7 tháng để chuẩn bị cho sứ mệnh: “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.

1. SEA Games 31 sẽ có 40 môn thi với 525 nội dung diễn ra tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang. Đại hội dự kiến sẽ thu hút khoảng 10.000 quan chức, trọng tài, và thành viên các đoàn thể thao đến từ 11 quốc gia Đông Nam Á tham dự.

Đây là lần thứ ba trong lịch sử, SEA Games diễn ra vào mùa hè, sau các kỳ Đại hội năm 1983 và 2015 (đều tại Singapore). Thực tế thì sau khi cân nhắc, tháng 5/2022 là thời điểm thích hợp nhất để tổ chức SEA Games 31. Đó là thời điểm tránh được những sự kiện lớn trong năm như Thế vận hội Olympic Mùa Đông (tháng 2/2022); Đại hội Thể thao Võ thuật & Trong nhà châu Á (tháng 3/2022); Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung (tháng 7/2022); và Asian Games (tháng 9/2022). Đó cũng là thời điểm không quá sát với SEA Games 32, dự kiến diễn ra ở Campuchia từ 5/5 đến 16/5/2022.

Dù đã lùi thời điểm tổ chức nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn khá căng thẳng, quãng thời gian 7 tháng tới sẽ xuất hiện không ít thách thức. Nếu tính cả số lượng người phục vụ cho công tác tổ chức, người hâm mộ và du khách, số người góp mặt tại SEA Games 31 sẽ rất lớn, và đặt ra những khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, việc thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn phải đáp ứng được yêu cầu về cơ sở hạ tầng của SEA Games cũng không hề đơn giản.

Chú thích ảnh
Slogan của SEA Games 31 là “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”

2. Tại SEA Games 22, đoàn Thể thao Việt Nam đã đứng thứ nhất toàn toàn với 158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ, bỏ xa đoàn thứ hai là Thái Lan (90 HCV, 93, 98). Thành tích ấy dĩ nhiên bắt nguồn từ việc chúng ta được phép đưa những môn thể thao thế mạnh như đá cầu, lặn, cờ vua,… vào chương trình thi đấu.

Theo Điều lệ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, chương trình thi đấu của SEA Games bao gồm 3 nhóm. Thứ nhất có 2 nội dung bắt buộc, bao gồm điền kinh và các môn thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bơi nghệ thuật). Thứ hai là tổ chức tối thiểu 14 môn trong số các môn của Olympic (thể dục dụng cụ, đua thuyền, bắn súng,...). Thứ ba là các bộ môn phát triển ở Đông Nam Á, tùy từng kỳ đại hội có thể từ 2 đến 8 môn (bi sắt, đá cầu, vovinam,...). Nhiều quốc gia đăng cai thường đưa rất nhiều môn thể thao địa phương vào để “vơ vét” huy chương.

Nhưng SEA Games 31 có thể sẽ mang tới một làn gió đổi thay, bởi theo tuyên bố của Bộ trưởng Thể thao ASEAN, kỳ Đại hội này sẽ chủ trương ưu tiên nhiều hơn cho các môn thể thao Olympic và ASIAD. Đó là một cách để nâng tầm SEA Games, là tiền đề để các quốc gia trong khu vực đầu tư đúng hướng vào thể thao đỉnh cao, nhằm bám đuổi thành tích của thể thao châu lục và thế giới. Trong số 40 môn thể thao của SEA Games 31, Việt Nam đã không bỏ một môn thể thao Olympic nào.

Những thay đổi mang tính cách mạng này có thể sẽ khiến thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam không thể áp đảo như năm 2003. Nhưng đó là thay đổi rất cần thiết, “vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, như chính khẩu hiệu chính thức của kỳ SEA Games này vậy.

Tuấn Cương

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›