(Thethaovanhoa.vn) - Trong ngày mà một loạt các VĐV điền kinh gốc Phi đăng quang ở các cự li, việc Su Bingtian (Trung Quốc) phá kỷ lục ở nội dung được quan tâm nhất, 100m nam, khiến châu Á có lý do để tự hào.
* Xem trực tiếp Asiad 2018 TẠI ĐÂY:
Lịch thi đấu Bán kết bóng đá nam Asiad 2018:
16h00 ngày 29/8: U23 Việt Nam vs U23 Hàn Quốc
19h30 ngày 29/8: U23 Nhật Bản vs U23 UAE
15h00 ngày 1/9: Tranh HCĐ
18h30 ngày 1/9: Tranh HCV
Tối 26/8, tâm điểm của mọi sự chú ý được dồn về đường chạy ở sân vận động Gelora Bung Karno, nơi diễn ra chung kết nội dung 100m nam. Và người chiến thắng là Su Bingtian, 29 tuổi, với thời gian 9 giây 92, nhanh hơn người thứ nhì Tosin Ogunode (Qatar, gốc Nigeria) 8 phần trăm giây.
Cơn bão VĐV nhập tịch từ Bahrain
Chiến thắng của Su Bingtian được người hâm mộ châu Á cực kỳ quan tâm không chỉ 100m là nội dung "vua" của môn điền kinh, mà còn vì trong ngày hôm đó, một loạt VĐV nhập tịch đã bước lên bục nhận huy chương. Ở nội dung 400m, VĐV gốc Sudan Abdalelah Haroun (Qatar) đã giành huy chương vàng với thành tích 44 giây 89, nhanh hơn người thứ nhì Muhammed Anas (Ấn Độ) đến 0,8 giây. Còn ở giải nữ, hai VĐV giành HCV 100m nữ và 400m nữ là Edidiong Odiong và Salwa Naser (phá kỷ lục ASIAD) của Bahrain đều có gốc gác châu Phi. Ở nội dung marathon nữ, nhà vô địch Chelimo Rose thì sinh ra tại Kenya.
Cho tới trước buổi tối ngày hôm qua, đội tuyển điền kinh Bahrain đã giành được 9 huy chương tất cả, trong đó có 4 HCV, 3 HCB, và 2 HCĐ. Điều đáng nói là 8/9 VĐV đã giành huy chương đều là VĐV nhập tịch, trong đó có 3 người gốc Nigeria, 3 người gốc Kenya, và 2 người gốc Morocco. Duy chỉ có Khamis Ali, VĐV giành HCĐ ở nội dung 400m nam là người Bahrain chính gốc. Ngoài điền kinh ra, đoàn thể thao Bahrain chưa giành được bất kỳ tấm huy chương nào ở ASIAD năm nay.
Bahrain là một quốc gia nhỏ với diện tích 765,3 km2 và dân số xấp xỉ 1,4 triệu người, và gần như không có hy vọng giành huy chương ở các môn nào ngoài điền kinh. Tại ASIAD 2014, 17/18 huy chương của họ thuộc về điền kinh (9 HCV), chỉ có bóng ném (HCĐ) là thuộc môn khác. Lần này điền kinh tiếp tục là môn thể thao siêu mũi nhọn của đoàn Bahrain, nhờ chiến thuật "đi tắt, đón đầu", với một loạt những VĐV nhập tịch.
Su Bingtian, biểu tượng mới của điền kinh châu Á
Tại Incheon 2014, Su Bingtian cũng tham dự vòng chung kết nội dung 100m nam, nhưng anh chỉ về nhì với thành tích 10 giây 10, kém Femi Omgunode 0,17 giây. Bốn năm sau, VĐV sinh ra tại Trung Sơn (Quảng Đông) này đã đòi món nợ cũ, nhưng là trước Tosin Ogunode, em trai của Femi. Thành tích 9 giây 92 của anh cũng lập kỷ lục ASIAD, vượt qua cột mốc mà Femi Omgunode lập được cách đây 4 năm.
Thành tích của Su Bingtian ở ASIAD 2018 đã vượt xa so với 4 năm trước, song thật ra không phải thành tích cá nhân tốt nhất của chính anh. Tháng Sáu vừa rồi, tại giải điền kinh quốc tế Diamond League diễn ra ở Madrid, Su đã đạt thành tích 9 giây 91, cân bằng kỷ lục châu Á, cũng của Femi Ogunode tại giải điền kinh quốc tế được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha. Thành tích này tất nhiên, chưa là gì so với kỷ lục 9 giây 58 của huyền thoại Usain Bolt, nhưng theo HLV Randy Huntington của Su, thì anh có thể còn đạt thành tích cao hơn nữa. Ở Madrid, Su Bingtian không được đi đôi giày chuyên dụng của Nike vì hãng này chưa chuẩn bị xong. Hơn thế nữa, trong khi tập luyện, Su đã đã đạt thành tích 9 giây 78. Ngoài ra, Su cũng đang giữ kỷ lục châu Á ở cự ly 60m (6 giây 42)
Nhưng dù thế nào, việc Su Bingtian trở thành người đàn ông nhanh nhất châu Á, với dòng máu thực sự của châu Á, cũng rất đáng tự hào.
Phương Chi
Tags