Trong tháng 8 này, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam tổ chức một loạt những hoạt động nhằm hướng tới sự phát triển mạnh mẽ của môn võ thuật. Trong đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên đoàn Taekwondo Việt Nam và 5 giải đấu Taekwondo châu Á được xem là những sự kiện trọng tâm định hướng cho sự vươn mình của Taekwondo Việt Nam trong thời gian tới.
5 giải đấu Taekwondo châu Á: Cơ hội để học hỏi và giành thành tích cao
Do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nên nước chủ nhà Mông Cổ đã hủy đăng cai và Việt Nam được Hiệp hội Takewondo châu Á ủy quyền đảm nhận tổ chức 5 giải đấu đẳng cấp châu lục. Giải sẽ bao gồm đấu đối kháng và quyền ở lứa tuổi thiếu niên và tuổi trẻ. Đặc biệt, lần đầu có sự góp mặt của các VĐV khuyết tật mang đến tinh thần nhân văn và tạo cơ hội để người khuyết tật có thể hòa nhập tốt với xã hội. Đây cũng được xem là điểm nhấn của giải đấu năm nay.
Tuy gấp rút về thời gian chỉ còn 2 tháng, nhưng dưới sự chấp thuận và hỗ trợ của Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT và UBND TP.HCM, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đứng ra đăng cai tổ chức. Đến thời điểm hiện tại theo chia sẻ của ông Trương Ngọc Để, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF), Ban tổ chức đã xử lý hơn 15 đầu mục công việc, gần như hoàn chỉnh để các đoàn tham gia tranh tài.
Có thể thấy khi tổ chức giải, Taekwondo Việt Nam có cơ hội học tập nâng cao công tác tổ chức, đồng thời tạo điều kiện cho các VĐV Việt Nam làm quen với những luật mới của Taekwondo châu Á và thế giới. Đặc biệt, là trong việc áp dụng công nghệ vào trong việc thi đấu thể thao tạo tính công bằng và khách quan cho kết quả thi đấu.
Giúp phát hiện thêm nhiều nhân tài mới
Các giải đấu được tổ chức ở lứa tuổi thiếu niên và tuổi trẻ sẽ tạo cơ hội để ươm mầm nhân tài cho Taekwondo Việt Nam. Ông Trương Ngọc Để, Chủ tịch VTF chia sẻ: “Thiếu niên và các VĐV lứa trẻ chính là lực lượng dự bị cho đội tuyển. Không chỉ giải đấu này mà còn qua các giải đấu khác sẽ giúp cho Taekwondo Việt Nam phát hiện và bổ sung tài năng cho đội tuyển quốc gia. Lực lượng trẻ này sẽ là nòng cốt để nhằm chuẩn bị cho SEA Games 32, ASIAD 2023, Olympic Paris 2024, Olympic trẻ Dakar và Senegal 2026... Đặc biệt, giải lần này không chỉ là cơ hội để cọ xát mà còn để các em, các cháu cũng như Ban trọng tài, giới chuyên môn có cơ hội tiếp xúc với những luật thi đấu mới nâng tầm công tác tổ chức giải của Việt Nam”
Hơn thế, với giải vô địch Taekwondo khuyết tật châu Á mở rộng 2022, Việt Nam sẽ có cơ hội tìm kiếm và phát triển đội tuyển khuyết tật để chuẩn bị cho những sự kiện Para Games sắp tới. Đây được xem cơ hội lớn bởi tại ASEAN Para Games 11, đội tuyển Judo người khiếm thị cũng đã xuất sắc mang về những tấm huy chương cho Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam. Do đó, Taekwondo Việt Nam có quyền kỳ vọng và một tương lai thành tích cao với các VĐV người khuyết tật.
Đại hội Đại biểu toàn quốc 2022: Mở ra định hướng phát triển lâu dài của Taekwondo Việt Nam
Ngoài tổ chức 5 giải đấu châu lục, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc nhằm đưa ra định hướng và giới thiệu Ban chấp hành mới. Qua 3 đời Chủ tịch, Taekwondo Việt Nam đã có những bước phát triển đúng đắn và mạnh mẽ nhằm khẳng định giá trị của mình trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Đại hội Đại biểu sắp tới được xem như là cơ hội để Liên đoàn Taekwondo tiếp tục có những định hướng cho nhiệm kỳ 2022-2026 với sự phát triển ở thể thao thành tích cao và phong trào trong cộng đồng và ra mắt Ban chấp hành mới.
Ông Trương Ngọc Để, Chủ tịch VTF cho biết: “Phương hướng hoạt động phát triển thể thao phong trào của liên đoàn sẽ nhằm tạo không khí ham thích, tìm hiểu và nâng cao kỹ thuật trong tập luyện và thi đấu của các VĐV. Mở rộng hơn nữa các hoạt động, giải đấu phong trào, xây dựng hình thành các câu lạc bộ, võ đường phù hợp với xu hướng hiện nay là sạch đẹp, hiện đại và phục vụ những người tập luyện Taekwondo”.
Về thể thao thành tích cao, cuộc họp Ban Thường vụ và Ban chấp hành vừa diễn ra cũng đã đề ra một số phương hướng. Trong đó, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cần thống nhất và tìm ra HLV phù hợp với VĐV Việt Nam. Hình thức sẽ thông qua mở rộng việc huấn luyện thống nhất từ các VĐV trẻ đến cấp quốc gia nhằm chuẩn bị tốt về mặt lực lượng có trình độ và chuyên môn cho các việc giành thành tích tại ASIAD, Olympic sắp tới.
Có thể thấy, những hoạt động gồm 5 giải đấu châu Á và Đại hội Đại biểu toàn quốc là cơ hội để các Taekwondo Việt Nam mơ về một giấc mơ vươn mình trong châu lục và thế giới về chất lượng VĐV và công tác tổ chức huấn luyện.
Giải vô địch Taekwondo Trẻ và Thiếu niên châu Á 2022 sẽ được tổ chức tại NTĐ Quân khu 7, TP.HCM. Giải sẽ diễn ra từ ngày 22-27/8 với sự tham gia của 31 nước và hơn 1.500 quan chức thế giới - châu Á, trọng tài, HLV và VĐV. Đặc biệt, lần đầu tiên tại giải áp dụng hệ thống 2 trọng tài góc và 1 trọng tài can. Đồng thời trang thiết bị thi đấu áp dụng thảm đấu sử dụng hệ thống chấm điểm của hãng Daedo (Công ty được WT công nhận tại các kỳ Olympic). Hơn thế, trọng tài tại giải cũng lần đầu tiên được hưởng chế độ bồi dưỡng từ 100 USD lên 150 USD theo quy định của Taekwondo thế giới. Các VĐV thiếu nhi cũng sẽ được sử dụng nón có kính che mặt để bảo vệ chấn thương. |
Đinh Phúc
Tags