(Thethaovanhoa.vn) - Một chú robot dẫn đường cho bạn vào chỗ ngồi trên SVĐ, trong khi những sao băng nhân tạo bay qua bay lại tô điểm cho bầu trời. Bên dưới, hàng trăm nghệ sĩ trình diễn mặc quần áo truyền thống Nhật Bản đang đi lại trên SVĐ, bắt đầu màn khai mạc công nghệ cao nhất trong lịch sử Olympic.
Bạn có thể cảm nhận tất cả những điều đó khá trọn vẹn qua một ứng dụng phiên dịch đa ngôn ngữ trên điện thoại thông minh của mình. Nghe giống trong tiểu thuyết, nhưng tầm nhìn như truyện viễn tưởng đó là điều Nhật Bản quyết tâm biến thành sự thật.
Làng robot và mưa sao băng
Chào mừng đến với Olympic Tokyo 2020, một sự kiện thể thao mà Nhật Bản hy vọng sẽ là biểu tượng cho lĩnh vực công nghệ phát triển rất mạnh của nước này, và qua đó thu hút thật nhiều du khách. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ăn mặc như Super Mario, đã ôm một quả bóng đỏ trong lễ bế mạc Olympic Rio 2016. Hình ảnh đó cũng là một biểu tượng quốc tế về những sáng tạo công nghệ của Nhật Bản, sẽ còn được phô diễn nhiều hơn nữa tại Tokyo trong 4 năm tới.
Lấy ví dụ, các du khách ở trong làng Thế vận hội tại khu Obaida của Tokyo có thể lựa chọn những robot giúp việc nhà đủ các kích cỡ để hỗ trợ họ những gợi ý hay nhất về giao thông, thức ăn, và giải trí ở Tokyo. Và đó không phải là nơi duy nhất họ gặp robot.
Chính quyền Nhật Bản hiện đang có kế hoạch tăng gấp ba chi tiêu cho nghiên cứu robot, và các du khách trong 4 năm nữa chắc chắn sẽ thấy những chú người máy không khác gì con người xuất hiện ở các khách sạn và sân bay, chào đón và mỉm cười với những du khách.
Công ty Nhật Bản Robot Taxi cũng đang rất tích cực triển khai dự án xe không người lái của họ để đưa du khách tới các SVĐ theo những tuyến đường cố định, trong khi Panasonic đang chế tạo các máy dịch mà người dùng có thể đeo quanh cổ và đi khắp Tokyo dễ dàng.
Trong các sự kiện thể thao, người xem có thể thấy các vị trọng tài người sử dụng công nghệ laser 3D để phân tích các chuyển động phức tạp của VĐV trong những môn chấm điểm như nhảy cầu hay thể dục dụng cụ, để đưa ra điểm số chính xác tối đa.
Và ấn tượng nhất, Tokyo 2020 hứa hẹn sẽ thay thế màn bắn pháo hoa khai mạc và bế mạc thường thấy bằng một cơn mưa sao băng nhân tạo. Doanh nghiệp hàng không vũ trụ Nhật Bản ALE sẽ thử nghiệm ý tưởng này ngay trong năm 2018.
Một nước Nhật mới
Nhiều tranh cãi đã nổ ra liên quan tới thiết kế SVĐ tâm điểm của Olympic Tokyo 2020. Thiết kế ban đầu của kiến trúc sư quá cố người Anh-Palestine Zaha Hadid nay đã bị bỏ, nhưng thay thế sẽ là thiết kế của kiến trúc sư người Nhật Bản Kengo Kuma cũng hoành tráng không kém.
Công trình thế kỷ 21 của ông có hình oval, là một cấu trúc được gia cố bằng gỗ, kết hợp giữa câu chuyện mang tính tương lai về công nghệ mới và phần vật liệu gỗ truyền thống rất được yêu mến tại Nhật Bản.
Năm 2015, Tokyo cũng đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố an toàn nhất thế giới, xét các yếu tố sức khỏe và công nghệ, hạ tầng và an ninh cá nhân. Thành phố cũng bao gồm những khu tuyệt đẹp về mặt kiến trúc và giải trí, đầy các quán cà phê, CLB, nhà hàng, không gian nghệ thuật và trung tâm mua sắm lộng lẫy. Dù dân số tới 13 triệu người, Tokyo vẫn là “thành phố đáng sống nhất” trong năm 2015 theo tạp chí Monocle.
“Tất cả mọi người đều được trải nghiệm một đời sống cực kỳ hiện đại trong khi vẫn tôn trọng các giá trị lịch sử ở Tokyo”, Hikariko Ono, người phát ngôn của Ủy ban Olympic Tokyo 2020, nói với CNN. “Chúng tôi tự hào vì những thành tích của mình”.
2020 cũng không phải lần đầu tiên Tokyo tổ chức một kỳ Olympic. Hồi năm 1964, Tokyo từng là thành phố châu Á đầu tiên đăng cai Thế vận hội. “1964 là khoảnh khắc đỉnh cao của Nhật Bản thời hậu chiến”, Sandra Collins, chuyên gia về lịch sử Thế vận hội Nhật Bản, nói. “Người Nhật muốn cho thế giới thấy họ không còn là một quốc gia của chiến tranh”.
Còn năm 2020, theo Collins, thông điệp sẽ là hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Nhật trong cộng đồng quốc tế, với điểm nhấn là công nghệ và sự an toàn. “Tôi nghĩ Nhật Bản muốn đưa tới thông điệp về hy vọng cả ở trong nước và quốc tế giữa bối cảnh già hóa dân số và tăng trưởng chậm chạp”, Collins nói. “Nhật Bản muốn cho thấy họ tài giỏi cả trong những thành phố hiện đại và các giá trị truyền thống trong một xã hội toàn cầu đầy biến động”.
20 tỉ USD Tổng mức đầu tư cho Olympic Tokyo 2020 cho tới giờ đã là 2 nghìn tỉ yen, tức gần 20 tỉ USD, và sẽ còn tăng thêm. Tuy nhiên, cư dân Tokyo tỏ ra rất háo hức và sẵn sàng chia sẻ gánh nặng của họ, với chi phí tổ chức được xã hội hóa mạnh tay qua các tập đoàn kinh tế hùng mạnh của Nhật Bản. Thể thao Nhật Bản cũng đã có một kỳ Olympic thành công ở Rio 2016, với số lượng huy chương kỷ lục: 41 chiếc (12 HCV, 8 HCB và 21 HCĐ), xếp thứ 6 toàn đoàn. |
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Tags