(Thethaovanhoa.vn) - Cả nước ăn mừng với Hoàng Xuân Vinh nhưng chúng ta không được phép quên những ấm ức của cá nhân Vinh và bắn súng Việt Nam.
- Nỗi niềm HLV Nguyễn Thị Nhung sau tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh
- Hoàng Xuân Vinh và dấu chân người lính
- Về thăm 'hậu phương' của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
Có gì khác nhau giữa hai kỳ Thế vận hội gắn với “gương mặt thân quen” là Xuân Vinh? Bắn súng mà phía sau đó là cả một nền thể thao đã thay đổi gì sau khoảng thời gian không dài mà cũng chẳng ngắn ấy?
Cái khác dễ thấy nhất chính là một cá nhân Xuân Vinh đã hoàn toàn “lột xác”. Thay vì chỉ phập phồng hi vọng tranh huy chương với điểm yếu cố hữu về tâm lý, vị Đại tá quân đội 42 tuổi đã trở thành một đấu thủ hội tụ đầy đủ các yếu tố để tranh cấp sòng phẳng một tấm huy chương. Thậm chí Vinh đã chủ động tấn công và tạo sức ép cho các đối thủ để rồi vươn tới kỳ tích lịch sử một cách thuyết phục.
Cá nhân Xuân Vinh đã vươn tới đẳng cấp của một nhà vô địch. Anh đã quá khác so với chính mình. Thế nhưng, suy cho cùng, anh chỉ là một trường hợp ngoại lệ, đã chinh phục đỉnh cao nhất nhờ vào ý chí thép, sự bền bỉ phi thường, cùng khả năng làm mới mình rất khó tin. Ở đây, có rất ít dấu ấn của một chiến lược, gắn với sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp theo đúng chuẩn quốc tế. Có chăng chỉ là việc xạ thủ số 1 Việt Nam được ưu tiên có hơn vài trăm viên đạn trong mỗi buổi tập hàng ngày, thêm vài chuyến tập huấn thi đấu quốc tế.
2. Suy cho cùng, môn bắn súng và cả TTVN vẫn chưa có gì đột phá, cũng như không có gì khác biệt qua 4 năm, trong sự so sánh giữa một Xuân Vinh bắn kém ở một viên đạn bản lề, và một Xuân Vinh bắn ra HCV cùng kỷ lục thế giới ở một viên đạn cuối.
Một Xuân Vinh có thể đưa cả một môn bắn súng, một nền thể thao lên đỉnh cao Olympic tạo nên một cơn địa chấn trên trường quốc tế, làm nức lòng người dân cả nước. Dù vậy, một Xuân Vinh với HCV cùng kỷ lục thế giới ấy cũng sẽ chỉ là một sự xuất thần, mang tính cụ thể và thời điểm, càng phơi bày rõ thực trạng đáng buồn của cả TTVN. Mức đầu tư 40 tỷ đồng cho cả một chiến dịch Olympic dù đã tăng tới 30% song vẫn chỉ bằng các nước ngay trong khu vực như Thái Lan “rót” cho 2-3 niềm hi vọng được kỳ vọng giành huy chương tại Rio.
Với riêng “mũi nhọn” truyền thống bắn súng, câu chuyện lại càng đáng suy ngẫm hơn. Bởi Xuân Vinh cùng các đồng đội trong cả chục năm nay vẫn phải chấp nhận nghịch cảnh tập bia giấy, bắn bia điện tử do Trường bắn đạt chuẩn quốc gia duy nhất tại Trung tâm HLQG Hà Nội đã không chỉ xuống cấp, lạc hậu mà còn sai lệch so với mặt bằng chung quốc tế. ĐTQG bắn súng vốn chỉ được cấp một số lượng súng, đạn bằng 1/5 các đồng nghiệp của Trung Quốc, và thua cả Lào, thậm chí còn không có cả cơ số ít ỏi đấy chỉ vì những khúc mắc về thủ tục.
Sau khi sớm đoạt suất chính thức tới Olympic, Xuân Vinh cùng Quốc Cường đã có thể cơ bản “thoát hiểm” khỏi thảm cảnh ảnh khi được ngành thể thao “giải cứu” bừng một giải pháp tình thế, đưa ra nước ngoài tập huấn và ưu tiên tối đa việc dự tranh các giải quốc tế.
Vì thế, kỳ tích độc nhất vô nhị của Xuân Vinh có thể là một cú “hích” về diện mạo, song không có tác động gì nhiều đến nền tảng của một môn bắn súng cùng một nền thể thao.
Và điều quyết định phía sau kỳ tích đã mang lại nguồn cảm hứng lớn, chính là việc ngành thể thao có thể tận dụng, phát huy được gì, có những bài học gì, thay vì chỉ… vỗ tay hân hoan theo kiểu “cứ vui đã rồi tính tiếp” như một nếp quen cũ mèm.
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa
Tags