Tâm sự thấm đẫm nỗi buồn của 'cựu nữ hoàng' Phạm Đình Khánh Đoan

Thứ Sáu, 23/05/2014 05:52 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Phạm Đình Khánh Đoan là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của điền kinh Khánh Hòa. Sự nghiệp của chị không phải là câu chuyện lúc nào cũng có hậu.

Bên kia vinh quang

Mở đầu câu chuyện, Khánh Đoan lấp lánh niềm vui rất lạ. Chị say sưa kể về những kỷ niệm một thời vang bóng: “Gia nhập làng điền kinh Khánh Hòa từ năm 1994, sau gần 10 năm thi đấu tôi không còn nhớ là mình đã giành được bao nhiêu tấm huy chương, nhưng những kỷ niệm thời hoàng kim thì tôi không thể nào quên được.

Năm 1996 là lần đầu tiên tôi giành được HCV QG ở cự ly sở trường 800m cho điền kinh Khánh Hòa. Khi đó tôi đã rất vui sướng cứ như mình vừa trở thành nhà vô địch của một giải đấu quốc tế.

Năm 2001, tham dự SEA Games 21 tại Kuala Lumpur, Malaysia, tôi đã giành 2 HCV cho thể thao Việt Nam ở các cự ly 1.500m và 800m. Trong 2 tấm huy chương ấy, điều làm tôi bất ngờ nhất chính là HCV ở cự ly 1.500m, vì đây không phải là cự ly sở trường của tôi.

2 tấm HCV ở đấu trường khu vực thực sự mang lại cho tôi nhiều thứ, từ niềm vui chiến thắng vô bờ đến việc tên tuổi của mình được nhiều người biết đến. Đấy cũng là kỳ SEA Games đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu của tôi. Malaysia, Kuala Lumpur, nơi lưu dấu những ký ức đẹp đẽ của tôi”.

Để đạt đến thành tựu kỳ vĩ, cũng như nhiều VĐV điền kinh khác, Khánh Đoan đã phải trải qua một quá trình dài phấn đấu, nằm gai nếm mật, vô vàn khó khăn, vất vả. Trở thành thành viên của ĐT điền kinh QG năm 16 tuổi, kể từ đó cô phải sống xa gia đình ròng rã 8 năm liền.

“Tuổi trẻ có đến 8 năm ăn ở, tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao QG Hà Nội thì còn đâu thời gian để được vui chơi như bạn bè trang lứa. Đặc biệt, mỗi năm cứ đến các dịp lễ  Noel, sinh nhật… bản thân tôi chỉ biết thui thủi một mình. Những lúc như thế tôi cảm thấy tủi thân vô cùng, và tất nhiên nỗi nhớ gia đình lại hành hạ khiến tôi chỉ muốn bỏ cuộc giữa chừng”, Khánh Đoan trầm giọng khi nhớ về  thuở ban sơ đầy chông gai của cô bé tỉnh lẻ xa gia đình ra đời.

Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa ăn thua gì so với nỗi vất vả, khổ cực trong lúc tập luyện. Khánh Đoan nói: “Năm học lớp 11, hằng ngày tôi phải dậy tập luyện từ 4h sáng, đến 6h về tắm rửa giặt giũ, trước khi rong ruổi 12 cây số trên chiếc xe đạp để tới trường Văn hóa Thể thao Hà Nội (trường dành cho các VĐV thể thao Hà Nội và ĐTQG) học văn hóa. Một năm trời ngày nào cũng vậy, có lúc bản thân cảm thấy đã kiệt sức. Nhưng rồi, ý thức sống tự lập, nghị lực của một người thấu hiểu nổi vất vả của gia đình đã giúp tôi vượt qua tất cả”.

Đau đáu với nghề, với điền kinh quê hương

Vào Nha Trang học thêm lớp 12, để đến năm 2003 sau khi giải nghệ, Khánh Đoan theo học Đại học tại chức tại trường ĐH Thể dục – Thể thao TP. HCM. Và trải qua bao nhiêu thử thách và nỗ lực, cuối cùng cô cũng sớm gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

“Có bằng cấp, có việc làm ổn định, giờ đây cuộc sống gia đình tôi không còn vất vả như trước nữa. Nhìn lại những gì đã trải qua, tôi cảm thấy tự hào về bản thân, vì mình tự bước đi bằng đôi chân của mình, sống được với niềm đam mê”, Khánh Đoan bộc bạch.

Điền kinh Khánh Hòa đang sa sút nghiêm trọng, dĩ nhiên Khánh Đoan buồn da diết. Chị phân tích: “Điền kinh Khánh Hòa hiện tại đã không còn như ngày xưa. Bằng chứng là SEA Games 27 (năm 2013), Khánh Hòa không còn đóng góp bất kỳ một VĐV nào cho ĐTQG. Có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc điền kinh Khánh Hòa đi xuống, nhưng theo tôi quan trọng nhất nằm ở cơ chế. Tức là cơ quan đầu ngành vẫn chưa đảm bảo được tương lai cho các VĐV khi họ quyết định theo đuổi sự nghiệp của mình.

VĐV thể thao nói chung và VĐV điền kinh nói riêng đều phải tập luyện rất khổ cực, song mấy ai có thể thành tài, mấy ai có thể nổi tiếng. Thậm chí khi nổi tiếng rồi, gặt hái nhiều thành công rồi… đến lúc giã từ sự nghiệp, họ cũng rất khó khăn để đảm bảo cuộc sống.

Đã có rất nhiều VĐV thể thao, trong đó có môn điền kinh, sau khi nghỉ thi đấu họ phải đi làm thuê, đi phục vụ quán café, đi làm lao công, đi nhổ cỏ…(đấy là các ví dụ lấy ra thông qua báo chí chứ điền kinh Khánh Hòa chưa có trường hợp nào như thế). Từ thực tế ấy, rất nhiều phụ huynh ái ngại, không  muốn con cái của mình theo đuổi sự nghiệp VĐV thể thao.

Khi bố mẹ ngăn cản, các em có tố chất bị lung lay ý chí và không còn đủ quyết tâm, can đảm theo đuổi niềm đam mê… Điền kinh Khánh Hòa không phát hiện ra thêm một tài năng điền kinh lớn và không có đóng góp cho ĐT điền kinh QG cũng là tất yếu”.

Mỗi thời một khác, và cái khác biệt của thời này là trẻ em nông thôn lẫn thành thị đã “sướng” hơn rất nhiều, đồng nghĩa sức chịu đựng gian khó, nghị lực  thua thế hệ trước. Khánh Đoan chia sẻ quan điểm này của chúng tôi.

Chị bảo bây giờ Khánh Hòa đang thiếu những VĐV có đủ khát khao, nghị lực, có đủ niềm đam mê để vượt qua tất cả những rào cản. Không chỉ điền kinh Khánh Hòa mà điền kinh ở các địa phương khác cũng tồn tại thực trạng này.

Các em VĐV bây giờ gia đình có điều kiện, sống trong sự chở che, bao bọc của gia đình nên ý thức tự lập rất kém, và lười biếng trong học tập. Nói tóm lại, điền kinh Khánh Hòa hiện tại đang thiếu đi những nhân tài có đủ tất cả những phẩm chất để có thể tỏa sáng.  

Cần có chính sách thu hút tài năng

Khánh Đoan cho rằng để điền kinh Khánh Hòa khởi sắc trở lại cần nhiều giải pháp đồng bộ. Khâu tuyển chọn đầu vào là quan trọng nhất. Tức là phải làm sao để các phụ huynh yên tâm gửi gắm con cái mình cho các lò đào tạo VĐV, giúp các em có tố chất hoàn toàn không còn vướng bận điều gì ngoài việc phát triển sự nghiệp.

Nếu muốn vậy cần phải có chính sách thu hút tài năng, các biện pháp tuyên truyền để phụ huynh không còn ngăn cản con em mình theo đuổi đam mê trở thành VĐV.

“Với cương vị là HLV của bộ môn điền kinh Khánh Hòa, tôi mong sao điền kinh nơi đây sớm trở lại thời kỳ vàng son. Vẫn có rất nhiều VĐV điền kinh ở Khánh Hòa nói riêng, và cả nước nói chung thành danh và thành đạt, mong rằng các phụ huynh hãy soi rọi con em mình vào những tấm gương đó”, Khánh Đoan đượm buồn.

Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm chị bảo vẫn lạc quan rằng điền kinh xứ trầm hương sẽ được vực dậy. Nhất là khi điền kinh Khánh Hòa vẫn đang có nền tảng tốt, họ đang là những người giữ kỷ lục 10 lần vô địch giải chạy việt dã toàn quốc do báo Tiền phong tổ chức.

Thanh Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›