(TT&VH) - Xe máy tiếu ngạo, tập tản văn thứ tư của tác giả Nguyễn Trương Quý, mang phần nào sự hài hước nhẹ nhàng và ngông nghênh vừa chừng. Không ít tản văn trong cuốn sách này, từng được in trên Mục Văn hóa sống của Thể thao&Văn hóa Cuối tuần.
1. 27 bài viết với gần 200 trang in trong Xe máy tiếu ngạo, là sự cố gắng trong vài năm trở lại đây của Nguyễn Trương Quý. Cố gắng là bởi công việc của biên tập viên ở chi nhánh NXB Trẻ tại Hà Nội luôn bộn bề, không những thế, anh còn tham gia làm chương trình radio Bài ca Hà Nội, phát trên sóng FM 90MHz, đài PT-TH Hà Nội vào 8h sáng các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, 30 số đã được phát sóng.
Tác giả Nguyễn Trương Quý.
Không rõ tập tản văn có phải ra đời do cơ duyên khi vào buổi sáng đẹp trời, chợt nhớ đến Nguyễn Trương Quý, cộng tác viên thân thiết nhiều năm của Thể thao&Văn hóa, người từng thay nhà báo Hà Phạm làm chuyên đề Kiến trúc, tôi gọi điện, nhờ anh góp tâm sức cho Mục Văn hóa sống. Khi ấy Nguyễn Trương Quý bảo, sẽ viết một loạt bài về… xe máy. Hứa gửi cả đề cương các bài viết. Rồi cứ thế, mọi không gian xoay quanh chiếc xe máy hiển hiện trên hai trang báo. Không hiểu yêu xe máy và Hà Nội thế nào mà Nguyễn Trương Quý cần đến 27 bài chỉ để viết về xe máy, cùng bốn tản văn dành cho Hà Nội?
Từ một “cái xe máy mờ nhạt như một người luống tuổi, vẫn cần mẫn đóng góp sức lực, song không còn hấp dẫn nữa” (Đôi tay hoàng yến ngủ trong găng, T41), anh mở ra những tâm tình của ngày hôm nay, với bao trăn trở, lo toan cơm áo gạo tiền, đơn giản là vì không muốn làm phiền người khác (trường hợp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) hay ngồi trên yên xe máy, đơn giản là một thú vui.
2. Trong Trăm năm xe máy, Nguyễn Trương Quý thực hiện một “khảo sát” nho nhỏ từ điều lệ cho “xe máy hơi hai bánh” và “xe đạp có tra máy”, nghĩa là danh từ liên quan đến xe máy lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, năm 1922, trải qua trăm năm, đến năm 2022, “Xe máy không còn ở thành phố lớn của Việt Nam?” (T96). Từ đây, Quý trình bày những tiến trình xe máy đến, phát triển, rồi có ngày lặng lẽ rời khỏi nhịp sống mảnh đất này, xét góc nào đó, cũng như con người. Vật tưởng vô tri, hay đầy duyên nợ như làm người, nhìn đến cùng, thì vẫn giống như nhau.
Bìa cuốn sách Xe máy tiếu ngạo.
Nhà thơ Thụy Anh nhận xét: “… Tản văn của Nguyễn Trương Quý khiến người đọc dễ chịu, không phải kiểu móc máy cay nghiệt, cười nhạt cười đểu mà là nụ cười tủm tỉm một mình của một người lấy cái sự tự trào để hóa giải mọi điều vô lý vẫn còn tồn tại trong cuộc sống”, còn với tôi, lối viết của Nguyễn Trương Quý dù đôi khi phóng túng cho việc đẩy đưa liên tục những tính từ và lối ngắt nghỉ tạo sự dập dồn, thì vẫn còn đó sự chỉn chu ngăn nắp của một người phố chân thật. Trong Đôi tay hoàng yến ngủ trong găng, để minh chứng cho những tìm hiểu về xe máy, anh dùng một mẩu chuyện của nhà văn Tô Hoài trong Cát bụi chân ai, cả đoạn đối thoại giữa hai nhân vật ở Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng, khúc trả lời phỏng vấn giữa nhà thơ Hồng Thanh Quang và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cả lời bài hát Tôi yêu Việt Nam của nhạc sĩ Vi Nhật Tảo. Bốn khúc in nghiêng trong bài viết, đủ chiếm hơn một phần ba số chữ. Có quá lạm dụng không, khi người đọc chỉ muốn biết những tìm hiểu từ tâm trí cá nhân anh?
Đừng nhầm lẫn giữa một người ưa “cười tủm tỉm” trong các bài tản văn thường liên quan đến Hà Nội của Nguyễn Trương Quý, với một Nguyễn Trương Quý ngoài đời: Anh bình dị và hiền hòa, anh thực lòng và mơ mộng, anh mẫn cán và trách nhiệm, anh “một mình” nhưng ít thấy cô đơn.
3. Nguyễn Trương Quý, không ít người từ bốn tập tản văn, và gần nhất là Xe máy tiếu ngạo này, đã thương quý gọi anh là nhà văn, nhà “Hà Nội học”. Có lúc ai đó quên gọi anh là Kiến trúc sư, nghề mà anh được đào tạo bài bản, quên bảo anh là Biên tập viên, nghề mà anh đang làm. Thế nhưng, khi ai đó thực sự đọc tản văn của Nguyễn Trương Quý, sẽ nhận thấy những sắp xếp câu chữ, phân đoạn đúng kiểu “kiến trúc sư”, và sự gọn ghẽ trong văn phong của một người biên tập.