Tennis: Quần vợt không có Djokovic mới vì… smartphone?

Thứ Sáu, 23/08/2019 09:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Có một thực tế rõ ràng: Sau thế hệ của Roger Federer, Novak Djokovic hay Rafael Nadal, làng quần vợt đang khan hiếm các tay vợt xuất sắc. Phải chăng tác động của công nghệ, đặc biệt là smartphone, đang kìm hãm cơ hội của những tay vợt trẻ?

Tennis: Giải Mỹ mở rộng lại gây tranh cãi vì phân biệt giới

Tennis: Giải Mỹ mở rộng lại gây tranh cãi vì phân biệt giới

Bình đẳng giới luôn là một vấn đề lớn, gây tranh cãi trong thể thao và quần vợt cũng không phải là ngoại lệ.

Các ông bố bà mẹ nhận thức rất rõ mặt trái của những chiếc smartphone với con trẻ. Giờ đến lượt công nghệ ảnh hưởng đến thể thao, khi một số HLV quần vợt cảm nhận thời đại online đang khiến quần vợt mất đi vị thế vốn có.

Khoảng trống phía sau Big Three làng quần vợt

Bác sĩ Mark Kovacs, một nhà sinh lý học, từng là HLV làm việc cùng cựu vô địch US Open Sloane Stephens và tay vợt John Isner, viết trên trang Twitter cá nhân: “Nadal, Federer và Djokovic là thế hệ tay vợt cuối cùng trưởng thành không phải chịu tác động từ những chiếc điện thoại di động. Đó có phải là lý do vì sao thế hệ các tay vợt mới, dù khỏe hơn, thể hình tốt hơn, nhanh hơn và trẻ hơn, lại không thể tìm ra cách đánh bại các tay vợt đàn anh một cách liên tục?”.

Cả ba tay vợt này đều đã ngoài 30. Djokovic 32 tuổi, Nadal 33 tuổi trong khi Federer thậm chí bước sang tuổi 38. Họ là những tay vợt thống trị làng quần vợt nam suốt 15 năm qua. Bộ ba “Big Three” này giành tổng cộng 54 chức vô địch Grand Slam ở nội dung cá nhân, bao gồm 11 chức vô địch gần nhất. Gương mặt gần nhất nằm ngoài Big Three lên ngôi ở một giải đấu lớn là tay vợt người Thụy Sĩ Stan Wawrinka, người đăng quang ở giải US Open cách đây 3 năm, giờ đã 34 tuổi.

Trong bảng xếp hạng ATP mới nhất, có 4 tay vợt dưới 24 tuổi nằm trong Top 10 gồm Alexander Zverev (hạng 6, Đức), Stefanos Tsitsipas (hạng 7, Hy Lạp), Daniil Medvedev (hạng 8) và Karen Khachanov (hạng 9, đều quốc tịch Nga). Cả bốn tay vợt này đều chưa một lần đạt thành tích cao ở bất cứ giải đấu nào trong hệ thống 4 giải Grand Slam.

Chú thích ảnh
Sự thống trị của Djokovic chưa có dấu hiệu dừng lại, khi tác động của smartphone khiến quần vợt nam thiếu những tay vợt kế cận tiềm năng

Tác hại của smartphone tới các tay vợt

Dòng tweet của bác sĩ Kovacs nhận được sự hưởng ứng từ Judy Murray, mẹ của hai tay vợt danh tiếng: Andy Murray, người từng vô địch Wimbledon và Jamie Murray, chuyên gia đánh đôi.

Bà Judy, người vẫn dành thời gian huấn luyện các tay vợt nhí, cảm thấy lo ngại việc các tay vợt bị phân tán tư tưởng bởi các thiết bị điện tử, bao gồm cả smartphone trong một cuộc phỏng vấn trên chuyên mục Sport của kênh CNN: “Quần vợt là môn thể thao liên quan đến việc giải quyết tình huống. Nó không chỉ là việc nghĩ tới những tình huống diễn ra bên phần sân của mình và tìm ra cách thức hữu hiệu, mà còn cả ở những tình huống ở phần sân của đối phương nữa. Bạn cần phải nghĩ và đưa ra quyết định thật nhanh, thế nên kỹ năng giải quyết tình huống là một phần cực kỳ quan trọng. Ngày nay, có quá nhiều yếu tố chi phối tới suy nghĩ của các tay vợt. Sự phụ thuộc vào thiết bị điện tử khiến tôi cảm thấy lo lắng”.

David Samuel, người phụ trách học viện Bath, Anh, chia sẻ quan điểm với bà Judy: “Tôi nghĩ việc những tay vợt như Federer, Nadal hay Djokovic kéo dài được sự nghiệp đỉnh cao hay một số tay vợt ở nội dung đánh đôi có thể thi đấu đến năm 40 tuổi có liên quan tới việc sử dụng điện thoại di động ở mức độ ra sao. Một số tay vợt còn hiếm khi sử dụng điện thoại trong lúc họ đang thi đấu hay tập luyện. Thậm chí có tay vợt còn không hề mang điện thoại trong người khi tham dự các giải Grand Slam. Họ chỉ tập trung vào những gì mình cần làm trên sân”. Ông nhận ra vấn đề của các tay vợt trẻ hiện tại: “Những tay vợt trẻ vẫn chăm chỉ rèn luyện ở phòng tập gym, nhưng giữa các thời điểm tập luyện họ lại chú ý tới chiếc điện thoại”.

Dễ dàng nhận thấy yêu cầu của sự tập trung về mặt tinh thần khi các trận đấu quần vợt ở cả nội dung đơn nam lẫn đôi nam đều diễn ra theo thể thức 5 séc. Như trận chung kết giải Wimbledon hồi tháng trước giữa Federer và Djokovic, hai tay vợt đã thi đấu kéo dài tới 4 giờ 57 phút và kéo dài tới 5 séc đấu. Djokovic giành chiến thắng nhờ việc cứu được hai điểm quyết định trận đấu được coi là có thời gian dài nhất trong lịch sử các trận chung kết Wimbledon.

Thử thách nằm ở sự tập trung

Ông Samuel tin rằng những trận đấu kéo dài 5 séc là một thử thách cho bất cứ tay vợt nào: “Nếu đánh 3 séc thì việc duy trì sự tập trung không hề khó. Thử thách chỉ đến khi bạn phải thi đấu kéo dài 5 séc không chỉ ở một trận, mà có thể lên tới 2-3 trận đấu trong một giải Grand Slam. Liệu bạn có đủ sự tập trung cần thiết về tinh thần? Nó không chỉ giới hạn ở việc tránh tác động từ điện thoại, cụ thể là những gì diễn ra trên màn hình hay các trang mạng xã hội như Instagram. Bạn phải giữ bộ não ở trạng thái tĩnh tại trong nhiều giờ đồng hồ liên tục”. Bà Judy nhận thức rõ tác hại từ những chiếc màn hình điện thoại: “Tác hại của màn hình điện thoại không chỉ nằm ở khía cạnh thể chất, khi các ngón tay là bộ phận duy nhất trên cơ thể ở trạng thái vận động. Nó còn tạo ảnh hưởng xấu về mặt xã hội, cụ thể là sự thiếu giao tiếp giữa những đứa trẻ đồng trang lứa hay trẻ em với các thành viên trong gia đình”.

Bà Judy từng đóng vai trò HLV cho không ít tay vợt ở cấp độ quốc gia cũng như khu vực, một phần trong chương trình của Hiệp hội quần vợt Anh. Theo bà, những kỹ năng về thể chất của các tay vợt trẻ đang có dấu hiệu giảm sút trong những năm gần đây: “Tôi nhận thấy điều đó trong quá trình huấn luyện. Nhiều tay vợt trẻ bắt đầu sự nghiệp quần vợt nhưng lại thiếu đi những kỹ năng phối hợp cơ bản vốn cần được phát triển tự nhiên”.

Đức Hùng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›