'Thần y' trị độc rắn cắn

Thứ Bảy, 30/03/2013 16:35 GMT+7

Google News

Những người dân ở xã Xuân Tầm huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn thường truyền tai nhau về “thần y” chuyên chữa trị cho người bị rắn độc cắn. Dù người bệnh đã thập tử nhất sinh nhưng dưới bàn tay tài hoa cùng phương thuốc bí truyền, thầy lang của bản vẫn cứu được người bị rắn độc cắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Đó là anh Đặng Phúc Chiêu 49 tuổi, người dân tộc Dao ở Thôn Khe Chung 2, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Dao đỏ ở thôn Khe Chung 2 xã Xuân Tầm đã ba đời chữa bệnh viêm amiđan và viêm họng hạt từ cây thuốc nam, anh Chiêu được bố đẻ là ông Đặng Kim Phúc truyền nghề. Sau đó, anh Chiêu lại được ông ngoại truyền dạy bài thuốc chữa rắn độc cắn. Ông ngoại qua đời, anh Chiêu trở thành người duy nhất ở vùng sơn cước này sở hữu phương thuốc bí truyền của gia đình.

Ông Đặng Phúc Châu, Bí thư đảng bộ xã XuânTầm cho biết, thời trẻ anh Chiêu còn mải chơi nhưng sau khi tỉnh ngộ đã tu chí làm ăn, toàn tâm hành nghề chữa bệnh cứu người, đặc biệt là chữa rắn cắn rất giỏi, chữa ca nào được ca ấy.


Nhiều người dân trong vùng bị rắn độc cắn được anh Chiêu cứu sống. Điển hình là anh Đặng Nguyên Thanh ở bản Khe Phoi, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên bị một con rắn hổ mang chúa cắn vào tay trái. Không sơ cứu kịp thời nên khi được đưa về nhà thầy lang Chiêu, anh Thanh đã rơi vào tình trạng tê liệt, toàn thân tím tái. Nọc độc của rắn đã ngấm vào cơ thể khiến anh Thanh nằm mê man bất tỉnh suốt 3 ngày đêm. Tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng thầy lang Chiêu vẫn kiên trì chữa trị, vừa bôi thuốc, cho uống thuốc đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, vừa lấy lá thuốc đun lên cho bệnh nhân tắm chống nhiễm trùng. Sau 29 ngày ròng rã đối mặt với tử thần, thầy lang Chiêu đã kéo anh Thanh trở về với cuộc sống.

Trường hợp của Chị Triệu Thị Xiết ở thôn hai Khe Chung xã Xuân Tầm cũng là ca bệnh hiểm nghèo được cứu sống một cách thần kỳ. Nhà chị Xiết ở gần rừng, một lần không may bị rắn hổ mang cắn vào chân phải. Mặc dù chị đã cắt tóc ga-rô phía trên vết rắn cắn ngay lập tức, nhưng do quan niệm lạc hậu chị Xiết không đi chữa ngay mà ở nhà cúng. Đến sáng hôm sau, khi chân sưng to, toàn thân tê dại, chị Xiết mới đến nhà thầy lang Chiêu. Sau 9 ngày đêm mê man bất tỉnh, chị Xiết đã hồi sinh bởi bài thuốc trị độc rắn cắn bí truyền của thầy lang Chiêu.

Còn Chị Đỗ Thị Thuấn - Chủ tịch hội phụ nữ xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên (Yên Bái) cũng kể về tài danh của thầy lang Chiêu với sự thán phục: Đầu năm 2012 con trai chị đi rừng bị rắn độc cắn, ngay sau đó chân tê dại và sưng to không đi được nữa. Gia đình chị đã đưa con đến nhà thầy lang Chiêu để chữa, sau ba ngày con trai chị đã khoẻ mạnh trở lại...

Hiện nay, người bệnh đến nhờ anh Chiêu chữa trị ngày càng tăng có lúc bệnh nhân đông kín nhà. Tiền công, tiền thuốc chỉ là sự tùy tâm của người bệnh, có khi chỉ là con gà, con vịt hay tấm lưới đánh cá...

Bài thuốc trị độc rắn cắn của anh Chiêu thường là các loại thảo mộc trong rừng già. Xác định cho mình nghề làm thuốc phải đặt chữ tâm, chữ đức lên hàng đầu, nên hàng ngày anh Chiêu vẫn miệt mài đi vào rừng tìm thảo dược, cặm cụi bên bếp lửa điều chế từng bài thuốc, tận tình chăm sóc từng bệnh nhân. Ngoài phương thuốc bí truyền chữa rắn độc cắn, anh Chiêu còn một số bài thuốc quí khác chữa trị bệnh bạch hầu, viêm Ami đan, viêm họng hạt mãn tính...

Ông Đặng Phúc On - Trưởng trạm y tế xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết: Mặc dù thuốc nam ngày trở nên khan hiếm nhưng khi có bệnh nhân đến chữa trị, anh Chiêu rất nhiệt tình và tâm huyết với bệnh nhân. Với các bài thuốc nam gia truyền, anh Chiêu chữa bệnh viêm amiđan, viêm họng hạt và rắn độc cắn đạt hiệu quả trên 90%, được người bệnh và bà con nhân dân nơi đây rất tin tưởng.

Xuân Tầm, mảnh đất vùng cao xa xôi của huyện Văn Yên (Yên Bái) vốn mang trong mình muôn vàn những điều kỳ thú với những phong tục, tập quán, bản sắc văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao đỏ. Trải qua ba đời chữa bệnh, gia đình anh Chiêu đã giúp cho nhiều người thoát khỏi lưỡi hái từ thần. Quyết định truyền nghề cho con trai nối nghiệp cha ông, đó là tâm sự của “ thần y” miền sơn cước "thầy lang Chiêu" chia sẻ với chúng tôi.

Theo Tuấn Anh
TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›