(Thethaovanhoa.vn)- Vị thế của Novak Djokovic như một trong những vận động viên quần vợt vĩ đại nhất thế kỷ này là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, sự pha trộn đầy phức tạp giữa niềm đam mê, trí thông minh, tính cách mạnh mẽ và năng lực thấu hiểu cảm xúc, khiến những thị phi luôn vây quanh Djokovic.
Drama mới nhất của Djokovic bắt nguồn 36 giờ kể từ khi anh thông báo đầy đắc thắng trên trang cá nhân Twitter rằng anh đã đạt được miễn trừ y tế vì lý do không thể tiết lộ, và đang trên đường đến Úc để tham dự Australian Open 2022.
Bài đăng trên mạng xã hội của Djokovic bị đánh giá là thiếu sáng suốt vì nó thu hút sự phẫn nộ của số đông người dân Úc, vốn đã phải chịu cảnh phong tỏa nhiều lần vì đại dịch Covid-19.
Sự va chạm của Djokovic với dư luận, chưa kể các chính trị gia Úc, đã diễn ra từ lâu, kể từ khi đại dịch mới bùng phát. Ở cuộc thảo luận trực tiếp trên Facebook với các VĐV thể thao Serbia khác, Djokovic tuyên bố: “Cá nhân tôi phản đối việc tiêm phòng và tôi không muốn bị ai đó ép phải tiêm vắc xin để có thể đi du lịch”.
Nguồn gốc niềm tin về sức khỏe của Djokovic thực ra đã bắt nguồn từ thập kỷ trước. Thời điểm đó, anh tự chẩn đoán mình bị dị ứng lúa mì bằng cách… ấn một lát bánh mì vào bụng. Djokovic luôn luôn là một nhà tư tưởng sâu sắc với đầu óc nhạy bén. Chẳng hạn, anh đã tự học để thông thạo 7 thứ tiếng. Nhưng càng đạt được thành công, anh càng hứng thú hơn với hoạt động của cơ thể và tinh thần.
Năm 2016, Djokovic bắt đầu làm việc với huấn luyện viên người Tây Ban Nha Pepe Imaz, một người rất tin tưởng vào thiền định. Pepe Imaz đã thiết lập các cử chỉ “hòa bình và tình yêu” đi kèm với những chiến thắng sau mỗi trận đấu của tay vợt người Serbia.
Năm 2017, khi Djkovic gặp vấn đề về khuỷu tay, anh đã thử chữa trị theo “phương pháp toàn diện”, trước khi tìm đến phẫu thuật thông thường. Sau đó, Djokovic tiết lộ anh đã khóc trong 3 ngày vì thất bại trong việc chữa trị chấn thương thông qua “thuốc tự nhiên”.
Djokovic tin tưởng mạnh mẽ vào việc sử dụng các buồng hyperbaric - nơi cơ thể anh tiếp xúc với oxy tinh khiết ở áp suất cao hơn nhiều so với bình thường. Djokovic còn mang cả phiên bản di động của buồng hyperbaric trên xe tải đến đậu tại Flushing Meadows khi tham dự US Open.
Nhưng phải cho đến khi Covid-19 ập đến, toàn bộ tầm nhìn có phần kỳ dị của Djokovic về sức khỏe mới trở nên rõ ràng hơn.
Sau cuộc trao đổi trên Facebook, Djokovic bị một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu của Serbia chỉ trích. Nhưng Nole không dừng lại. Anh tiếp tục trò chuyện trực tiếp trên Instagram với bạn mình- doanh nhân sức khỏe tự phong Chervin Jafarieh. Tại một thời điểm, họ quảng bá ý tưởng rằng sức mạnh của suy nghĩ tích cực có thể làm sạch nước ô nhiễm thành loại nước có thể uống được một cách an toàn. Ít ngày sau, vợ anh là Jelena đã bị Instagram “chỉnh” vì đăng tin các cột phát sóng 5G làm lan tỏa nCoV.
- Tranh cãi nảy lửa chuyện Djokovic được miễn trừ y tế ở Úc mở rộng
- Djokovic được miễn tiêm vaccine Covid-19 để dự Úc mở rộng 2022
- Australian Open: Nỗi hoài nghi về Novak Djokovic
Và sau đó, Djokovic đã biến Adria Tour- chuỗi giải đấu từ thiện do Djokovic và gia đình tổ chức ở vùng Balkan, thành một ổ dịch, nơi chính anh và vợ anh bị nhiễm virus.
Kinh nghiệm đã rèn luyện Djokovic nhưng nó không làm giảm sự nhiệt tình tâm linh của anh. Ví dụ, Djokovic thường xuyên đến thăm những ngọn đồi có hình dạng kim tự tháp tại Bosnia. Đây là một tập hợp các ngọn đồi mà một nhà khảo cổ học địa phương tuyên bố là do con người tạo ra và nó tỏa ra một nguồn năng lượng thần bí- một ý tưởng bị các chuyên gia khác lên án là một trò lừa bịp hoàn toàn.
Giờ đây, cách nhìn, hành động có phần lập dị của Djokovic đã khiến anh đứng trước nguy cơ không thể tham dự Australian Open 2022. Cân bằng thành tích 20 Grand Slam với Roger Federer và Rafael Nadal, với nhiều người hâm mộ quần vợt trung lập, Djokovic là tay vợt nam vĩ đại.
Djokovic gần như đã có thể xác lập kỷ lục mới cho chính mình nếu như không có sự cố đánh bóng trúng người nữ trọng tài và bị truất quyền thi đấu ở US Open 2020. Lần này, Djokovic một lần nữa khả năng lỡ hẹn với Grand Slam thứ 21.
Sự cố ở Úc đến vào thời điểm Djokovic sắp bước sang tuổi 35 và là thời điểm mà những tay vợt như Daniil Medvedev và Alex Zverev đang chứng tỏ mình là những mối đe dọa thực sự đối với quyền bá chủ của Nole trên sân đấu.
Djokovic luôn nhấn mạnh rằng lập trường vắc xin của mình là vấn đề về quyền tự do lựa chọn những gì ai đó đưa vào bên trong cơ thể mình. Nhưng với cơ hội đã bỏ lỡ ở Melbourne, lập trường của Djokovic chẳng khác nào nguyên tắc từ chối bản thân, tự đánh bại bản thân.
Có một nhóm người luôn ủng hộ Nole nếu anh được thi đấu. Đó là người Serbia ở bang Victoria, Úc. Một vài người trong số họ từng đến theo dõi Australian Open với những chiếc áo phông mang khẩu hiệu chưa bao giờ phù hợp hơn: “Novak chống lại thế giới” (Novak Against The World).
K.Đ
Theo Daily Mail
Tags