(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao điện tử (Esports) Việt Nam quyết tâm đổi màu huy chương, hướng tới một kỳ SEA Games thành công trên sân nhà.
Trải qua hơn 20 năm hình thành, từng đối mặt nhiều khó khăn, rào cản nhất định, đến nay, Esports Việt Nam đã thực sự phát triển mạnh mẽ. Điều này đã được ghi nhận và tạo ra dấu mốc quan trọng khi trở thành 1 trong 40 môn thể thao tranh huy chương tại SEA Games 31 sắp tới. Với tư cách chủ nhà, những tuyển thủ hàng đầu của Esports Việt Nam đang rất hào hứng cho những ngày tranh tài ở SEA Games 31.
Trong nhưng năm gần đây, Esport ngày càng trở nên phổ biến và dần trở thành một trong những môn thể thao được nhiều người ưa thích. Các bộ môn thể thao điện tử trong các giải đấu Esport phong trào như FPT Cup, AOE Bé Yêu, Facebook Gaming Creators Cup 2019… được tổ chức thường xuyên hơn. Các giải đấu đang dần hoàn thiện hướng tới chuyên nghiệp.
Thời gian gần đây, Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô quốc tế, mang tính chuyên nghiệp, giúp Esports Việt Nam tiếp cận và từng bước khẳng định mình ở những sân chơi lớn. Chính điều này đã lan tỏa và được đón nhận, góp phần tạo ra tiền đề để Esports phát triển. Và để dần thay đổi cách nhìn của người dân về môn thể thao này tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nhận xét: Trình độ chuyên môn của các vận động viên Esports Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực. Về cốt lõi, cơ hội cạnh tranh huy chương tại SEA Games 31 là tương đối công bằng chính sự đa dạng từ các bộ môn thi đấu. Điều này hứa hẹn tạo nên sức hút, hấp dẫn riêng đối với vận động viên khi khả năng cạnh tranh lớn, thúc đẩy chính nước chủ nhà phải nâng cao năng lực.
Để đảm bảo nguồn lực chất lượng, ổn định, các VĐV được tuyển chọn từ các đội có thành tích tốt nhất ở giải đấu giải VĐQG thay vì tập trung vài gương mặt mang thành tích cá nhân nổi bật. Đặc biệt, họ đều là những đội hình giàu chất lượng, đã có những màn trình diễn ấn tượng tại đấu trường quốc tế, được thử lửa và trui rèn qua các giải lớn nên tiến bộ vượt bậc cả kỹ năng lẫn bản lĩnh.
Năm 2019, lần đầu tiên Esports được đưa vào chương trình thi đấu ở SEA Games. Đoàn Việt Nam khi đó xếp thứ 6 chung cuộc với 3 HCĐ dù phải thi đấu những bộ môn không đúng thế mạnh. Thành tích đó khiến người hâm mộ chưa thỏa mãn. Vậy nên, SEA Games 31 sẽ là cơ hội để thể thao điện tử Việt Nam “cất cánh”.
Tuy nhiên, nhìn vào màn trình diễn của nhiều quốc gia trong khu vực, Esports Việt Nam sẽ không hề dễ dàng trong các trận đấu sắp tới khi có nhiều đối thủ mạnh: Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… ngáng đường. Họ là những ứng cử viên hàng đầu cho tấm huy chương vàng, từ sự đầu tư lớn, sở hữu các tuyển thủ được chọn lựa cẩn thận, giàu kỹ năng lẫn chiến thuật bài bản, hợp lý.
SEA Games 31 sẽ là bài kiểm tra năng lực và đánh giá sự phát triển của cả nền Esports Việt Nam khi đang đứng trước cơ hội chuyển mình. Điều Esports Việt Nam cần tiếp tục nhận được là sự quan tâm, đầu tư bài bản mang tính chuyên nghiệp và định hướng nghiêm túc trong tương lai xa.
Với những sự chuẩn bị chủ động, người hâm mộ có thể hy vọng vào việc đoàn thể thao điện tử Việt Nam có thể tự tin cạnh tranh lành mạnh với các nước khu vực, và chứng tỏ được vị thế của mình.
Các bộ môn Esports tranh chấp huy chương tại SEA Games 31 đã được “chốt sổ”. Ngày 23/3, Bộ VH, TT&DL vừa ban hành danh mục môn thể thao; nội dung và địa điểm thi đấu trong chương trình SEA Games 31. Theo đó, thể thao điện tử có 8 bộ môn với 10 nội dung thi đấu bao gồm: Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến (League of Legends: Wild Rift) (Mobile): Đồng đội Nam; Đồng đội nữ Liên Quân Mobile (Arena of Valor) (Mobile): Đồng đội PUBG Mobile: Đồng đội; Cá nhân Free Fire (Mobile): Đồng đội Liên Minh Huyền Thoại (League of Legends) (PC): Đồng đội FIFA Online 4 (PC): Đồng đội Đột Kích (Crossfire) (PC): Đồng đội Mobile Legends: Bang Bang (Mobile): Đồng đội Esports sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 22/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). |
Hồng Đào