Thể thao Đông Nam Á tại ASIAD: Tiến bộ, nhưng vẫn là vùng trũng

05/09/2018 20:40 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trước ngày bế mạc, ký giả Dwi Atmanta đã viết rất thẳng thắn trên tờ Jakarta Post, rằng: “Đừng phụ chuộc vào các môn thể thao không nằm trong hệ thống Olympic, Indonesia!”. Chừng đó đủ để thấy vị trí thứ 4 toàn toàn của nước chủ nhà “ảo” như thế nào, và Đông Nam Á vẫn chỉ là vùng trũng của thể thao châu lục.

3 cầu thủ U23 Việt Nam được vinh danh ở Đội hình xuất sắc nhất ASIAD 2018

3 cầu thủ U23 Việt Nam được vinh danh ở Đội hình xuất sắc nhất ASIAD 2018

Ba cầu thủ của U23 Việt Nam là Quang Hải, Văn Thanh và Bùi Tiến Dũng đã góp mặt trong Đội hình xuất sắc nhất ASIAD 2018.

Vài tháng trước khi ASIAD khởi tranh, chủ tịch Hội đồng thể thao Indonesia Tono Suratman đã quả quyết rằng nước này sẽ đạt được 16-22 HCV, để qua đó xếp trong Top 10 ở bảng tổng sắp. Thực tế chứng minh mục tiêu ấy khá là khiêm tốn, song những người trong cuộc thì không mấy bất ngờ.

Thành tích ảo của Indonesia

Sự tự tin của Suratman đã đến ngay từ khi Ủy ban Olympic châu Á (OCA) phê chuẩn kế hoạch đưa các môn thể thao không phải Olympic vào ASIAD 2018 như pencak silat, đánh bài, motor nước, và dù lượn (đều lần đầu xuất hiện). Kết quả: pencak silat vào chung kết 14 nội dung và toàn thắng, dù lượn 2 HCV, và motor nước 1 HCV. Ngoài ra còn 3 HCV cho leo tường nữa, 1 HCV Wushu, và 1 HCV cầu mây. Có nghĩa 22/31 số huy chương vàng mà Indonesia giành được đến từ các môn thể thao không nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic.

Tất nhiên cũng phải kể đến sức mạnh truyền thống của Indonesia ở môn cầu lông (2 HCV), hay sự cố gắng của họ ở môn xe đạp địa hình (2 HCV), quần vợt (1 HCV), cử tạ (1 HCV), nhưng ngay cả như thế, Indonesia vẫn chỉ thuộc hàng trung bình của châu Á. Trong số những môn thể thao cơ bản của Olympic như điền kinh, bơi lội, và thể dục dụng cụ, Indonesia không có một HCV nào cả. Đáng chú ý nhất chỉ là tấm HCB ở nội dung 4x100m tiếp sức.

So với Incheon 2014, Indonesia đã leo đến 13 bậc trên bảng tổng sắp huy chương để lên hạng 4, nhưng theo đánh giá của Dwi Atmanta, sẽ không ngạc nhiên nếu họ trở về hạng 17 tại Hàng Châu 2022, khi mà những môn thể thao thế mạnh của họ, nhất là pencak silat không được đưa vào chương trình thi đấu nữa. Ký giả này cũng nhận định rằng có hai cách mà Indonesia có thể nhắm tới tấm HCV Olympic: thứ nhất, đầu tư thời gian và tiền bạc cho các môn thể thao trọng điểm trong hệ thống Olympic và chấp nhận thua thiệt trong thời gian đầu, và thứ hai, tìm mọi cách vận động để IOC đưa pencak silat thành môn thể thao Olympic.

Tiến bộ, nhưng vẫn là vùng trũng

Với 4 HCV, 16 HCB, và 18 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam chỉ xếp thứ 4 trong số các đoàn thể thao Đông Nam Á tham dự ASIAD 2018. Tuy nhiên, chúng ta đứng số một khu vực về môn thể thao cơ bản của Olympic: điền kinh.

Tại ASIAD 2018, Đông Nam Á chỉ có ba đoàn giành được huy chương điền kinh. Thái Lan có 4 tấm (3 HCB, 1 HCĐ), Indonesia có 2 (1 HCB, 1HCĐ), nhưng không đoàn nào có HCV cả. Duy nhất Việt Nam có tấm HCV ở nội dung nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo. Bên cạnh đó chúng ta còn có tấm HCB 4x100m rào (Quách Thị Lan), cùng 3 tấm HCĐ ở các nội dung 3000m rào (Nguyễn Thị Oanh), nhảy ba bước (Vũ Thị Mến), và 4x400m tiếp sức (Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Hằng).

Còn nếu tính về bơi lội thì Singapore vẫn là cường quốc số một của Đông Nam Á, với hai tấm HCV của Joseph Schooling ở các nội dung 50m bơi bướm và 100m bơi bướm. Thực tế thì Schooling, người cùng lứa với Ánh Viên, đã lên tầm thế giới từ trước đó, khi từng vượt qua cả huyền thoại Michael Phelps để giành HCV 100m bơi bướm ở Olympic Rio 2016. Trong số các nước Đông Nam Á dự ASIAD, cũng chỉ có hai nước giành được huy chương bơi lội là Singapore (2 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ), và Việt Nam (1 HCB, 1 HCĐ).

Tại một nội dung cơ bản và bắt buộc ở các kỳ Thế vận hội khác là thể dục dụng cụ, thì không một nước Đông Nam Á nào giành được huy chương cả. Điều đó chứng tỏ rằng dù đã có ít nhiều tiến bộ, nhưng các nước khu vực Đông Nam Á vẫn chỉ là vùng trũng của châu Á, chứ đừng nói đến sân chơi thế giới.

Và với cách làm như ở SEA Games hiện nay, khi nước chủ nhà nào cũng nhăm nhăm chạy theo căn bệnh thành tích, với những môn thể thao độc-lạ, thì giấc mơ vươn tầm châu lục và thế giới vẫn chỉ là giấc mơ.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm