(Thethaovanhoa.vn) - Mất nhiều tháng "đóng băng" vì dịch bệnh Covid-19, nếu được trở lại trong thời gian tới, thể thao Việt Nam cần phải sớm tăng tốc khi những thách thức phía trước đã cận kề.
Bóng đá tiên phong
Nếu kế hoạch tái khởi động hệ thống thi đấu giải chuyên nghiệp đúng theo kế hoạch VFF và VPF xây dựng, bóng đá sẽ là môn thể thao đầu tiên diễn ra trở lại sau thời gian ngừng giải vì dịch Covid-19. Theo lịch, các trận đấu trong khuôn khổ Cúp quốc gia 2020 dự kiến diễn ra vào ngày 15/5, điều này dựa trên cơ sở diễn biến của dịch bệnh được kiểm soát, đồng thời, nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Thời gian trước, VPF đã tham khảo ý kiến đóng góp về các phương án tổ chức thi đấu hệ thống giải chuyên nghiệp với các đội bóng, dù vẫn còn xuất hiện các quan điểm khác nhau, song số CLB chấp thuận đề xuất của VPF chiếm đa số. Điều này là yếu tố thuận lợi để các nhà tổ chức có thể tiến hành kế hoạch tái khởi động giải đấu.
Hiện tại, phương án thi đấu không có khán giả và có quy trình chặt chẽ trong việc kiểm tra y tế các thành phần tham dự các trận đấu mà VPF từng áp dụng ở 2 vòng đầu tiên của V-League là tương đối khả thi và đảm bảo các trận đấu có thể diễn ra.
Nếu bóng lăn trở lại trên sân cỏ nội, ngoài việc tháo gỡ khó khăn cho các CLB, HLV, cầu thủ trong việc tập luyện, còn một mục tiêu quan trọng với các nhà tổ chức. Đó là hoàn thành kế hoạch tổ chức thi đấu trước tháng 11 để dành thời gian cho đội tuyển nam quốc gia hoàn thành nhiệm vụ giành suất tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á và bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup 2020.
Các môn thể thao cần chuẩn bị để trở lại
Nếu bóng đá có thể diễn ra, hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao của quốc gia cũng có thể bắt nhịp. Từ đầu năm 2020, giải đấu duy nhất được tổ chức là giải Việt dã leo núi toàn quốc “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” diễn ra vào đầu tháng 1.
Sự đình trệ trong suốt thời gian qua đã gây nhiều khó khăn trong các tập huấn, chuẩn bị chuyên môn của các VĐV ở địa phương. Trong đó, việc duy trì thể lực và nâng cao chất lượng đang là bài toán rất hóc búa nếu như tình trạng ngừng thi đấu kéo dài quá lâu, chưa kể tạo nên gánh nặng kinh phí với những địa phương có ngân sách dành cho thể thao vốn eo hẹp.
Với các đội tuyển, sau khi Olympic 2020 chính thức chuyển sang thi đấu vào năm 2021, giảm tải bớt áp lực cho thể thao Việt Nam ở các giải thi đấu tuyển chọn và công tác chuẩn bị, tập huấn, song các nhà chuyên môn cũng cần có tính toán và kế hoạch chi tiết, khoa học hơn để sẵn sàng cho việc trở lại thi đấu.
Thời gian qua, số lượng VĐV tập huấn tại các Trung tâm HLTTQG vẫn được duy trì theo mức cho phép nhằm đảm bảo quy định phòng chống dịch, dù vậy, chất lượng chuyên môn cần tiếp tục được nâng cao và trong bối cảnh thời gian để kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh có thể còn kéo dài, cũng đòi hỏi thể thao Việt Nam phải có ứng phó linh hoạt mới có thể hoàn thành được các chỉ tiêu chuyên môn đề ra.
Vũ Lê
Tags