Thể thao Việt Nam và SEA Games: Trâu Vàng khẳng định, tiến bước Sao La

31/01/2022 13:42 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 19 năm, Việt Nam một lần nữa trở thành điểm đến của ngày hội lớn nhất thể thao Đông Nam Á với vai trò là chủ nhà SEA Games 31 diễn ra vào năm 2022. Ngoài việc khẳng định vị thế là nằm trong nhóm quốc gia hàng đầu, Việt Nam còn đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự phát triển nền thể thao khu vực với những cải tổ mạnh mẽ trong chương trình thi đấu đại hội.

Bóng đá Việt và giấc mơ Vàng SEA Games 31

Bóng đá Việt và giấc mơ Vàng SEA Games 31

Chinh phục tấm HCV SEA Games sau 60 năm đợi chờ đã khó, để giữ được thành quả ấy càng khó bội phần. Mục tiêu đặt ra đã rất rõ ràng, áp lực cũng không hề nhỏ cho chặng đường tiếp theo của bóng đá nước nhà.

Từ vị thế số 1 ở SEA Games 22…

Sau 5 kỳ SEA Games liên tiếp diễn ra vào các năm 1993, 1995, 1997, 1999, 2001 không có được thành tích thực sự nổi bật (vị trí tốt nhất là hạng 4 trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 21 năm 2001), thể thao Việt Nam (TTVN) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ tại SEA Games 22 diễn ra trên sân nhà vào năm 2003, nhờ chính sách phát triển hợp lý và hiệu quả trong việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với sự ra đời của Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, tổ chức lực lượng thi đấu chuyên nghiệp, hiện đại.

Từ chỗ là nền thể thao còn nhiều hạn chế, không có thế mạnh ở nhiều môn Olympic và chỉ trông đợi vào các môn có bề dày truyền thống như bắn súng, võ thuật... dẫn đến sự tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Bằng chính sách “đi tắt, đón đầu”, mở rộng tối đa bản đồ phát triển các môn thể thao khu vực, TTVN đã tiếp cận nhanh chóng với thành tích của nhóm quốc gia dẫn đầu.

Điều này được khẳng định qua 155 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ mà các tuyển thủ đã giành được trong các cuộc thi đấu và giúp TTVN lần đầu tiên vươn lên giành vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương tại một kỳ SEA Games. Thành công ở SEA Games 22 là tiền đề quan trọng, đặt nền móng phát triển và tiếp sức cho các tuyển thủ từng bước vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới về thành tích trên các đấu trường lớn hơn nhiều năm tiếp theo.

Từ bước đà SEA Games 22 với hình tượng chú Trâu Vàng vững bước và vị thế của một nền thể thao nằm trong Top 3 khu vực ở 8 kỳ đại hội thể thao khu vực kế tiếp, TTVN không ngừng có những điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với tình hình mới. Sau giai đoạn phát triển theo bề rộng, việc chuyển sang chiến lược “trọng tâm, trọng điểm” theo chiều sâu đã củng cố cho sức vươn của nền thể thao. Một số môn Olympic, ASIAD được chú trọng hơn, trở thành mũi nhọn đủ khả năng giành huy chương trên đấu trường châu lục và thế giới.

Chú thích ảnh
SEA Games 22 năm 2003 với hình tượng chú Trâu Vàng đã khẳng định vị thế mới của Thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực...

Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ sau bước ngoặt tại SEA Games 22, TTVN đã giành được HCV Olympic vào năm 2016. Ngoài ra, tấm HCV môn điền kinh và đua thuyền tại ASIAD 18 cũng khẳng định, TTVN tập trung nguồn lực cho một số môn đủ năng lực cạnh tranh và thể hiện khát vọng vươn mình ra khỏi khu vực. Thành tích ở mỗi kỳ SEA Games dù là thước đo ban đầu cho khả năng phát triển nhưng về tổng thể, nó không còn chiếm tỷ trọng quá lớn trong kinh phí đầu tư của TTVN.

… đến vai trò tiên phong ở SEA Games 31

Gần 2 thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày tổ chức thành công SEA Games 22 và xác định được vị thế vững chắc là một trong ba quốc gia hàng đầu về thể thao trong khu vực. Vấn đề đặt ra lúc này là TTVN sẽ "ứng xử" và đặt mục tiêu thế nào ở SEA Games, để đấu trường này trở thành bàn đạp, giúp nền thể thao nước nhà không ngừng vươn lên và hội tụ được sức mạnh để cạnh tranh ở ASIAD và Olympic?

Vẫn còn những tranh cãi và quan điểm trái chiều về chỉ tiêu thành tích và chuyên môn của đoàn TTVN tại SEA Games 31, song có thể nhận thấy, Việt Nam đang đóng vai trò tiên phong giúp SEA Games từng bước xóa bỏ tiếng "ao làng" bằng một chương trình thi đấu gồm nhiều môn thể thao Olympic và ASIAD (nhóm I và nhóm II) hơn, đồng thời, giảm thiểu số môn khu vực hoặc truyền thống của nước chủ nhà (nhóm III).

Trong số 40 môn và 526 nội dung thi đấu, số lượng các môn Olympic và ASIAD chiếm khoảng 2/3, còn lại là các môn thể thao của khu vực và nước chủ nhà. Đặc biệt nhất, hầu hết nội dung thi đấu của môn Olympic được giữ nguyên, không bị cắt giảm tùy tiện như các kỳ đại hội trước và không có môn thể thao mới trong chương trình thi đấu mang lợi thế cho nước chủ nhà, gây bất lợi cho các quốc gia còn lại.

Chú thích ảnh
Và SEA Games 31 năm 2022 sẽ là bước tiến lớn vượt bậc như hình tượng Sao La.
Ảnh: Quang Thắng và TTXVN

SEA Games 31 được kỳ vọng là một kỳ đại hội "xanh, sạch và công bằng" theo những gì mà TTVN mong muốn. Bắt đầu từ chương trình thi đấu hướng tới chuẩn mực cao hơn, nhằm từng bước giảm thiểu căn bệnh thành tích đã ăn sâu và góp phần định hình lại sự phát triển thể thao của cả khu vực. SEA Games 31 với hình tượng chú Sao La sẽ trở thành bàn đạp, giúp các VĐV bật vọt về trình độ, hướng tới giành thành tích cao hơn tại ASIAD và Olympic.

Sau thời gian bị hoãn lại, SEA Games 31 có thể sẽ diễn ra trong bối cảnh toàn khu vực Đông Nam Á vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vậy nên, đây cũng sẽ là kỳ đại hội đầu tiên được tổ chức với cách thức tổ chức khác biệt so với trước. Trong đó, công tác phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu và đòi hỏi nước chủ nhà có mô hình tổ chức phù hợp nhằm đảm bảo sự an toàn và chất lượng chuyên môn cho các cuộc thi đấu.

Nhiều thách thức đang chờ đợi Việt Nam và Đông Nam Á trong việc đem tới ngày hội thể thao với diện mạo mới, cùng chung mục đích đẩy mạnh thành tích đạt được trong thi đấu của các VĐV trong khu vực ASEAN. Trong vai trò tiên phong, TTVN đang nỗ lực để biến mục tiêu này thành hiện thực và tất cả cùng hi vọng sẽ được chứng kiến những thành tích vượt bậc tại SEA Games 31.

SEA Games 31 diễn ra từ ngày 5 đến 23/5/2022

Theo lịch thi đấu SEA Games 31 mà Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ban hành, SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 23/5/2022 tại Hà Nội và 11 địa phương lân cận gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Bắc Giang.

SEA Games 31 sẽ có 40 môn thi đấu và 526 nội dung, dự kiến thu hút khoảng 10.000 người tham dự. Đáng chú ý, lễ khai mạc và lễ bế mạc đại hội sẽ diễn ra vào các ngày 12/5 và 23/5 trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình. Môn bóng đá và 10 môn thể thao khác sẽ diễn ra trước lễ khai mạc và 29 môn còn lại thi đấu kể từ ngày 13/5.

Hiện tại, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho SEA Games 31 đang được thực hiện đúng tiến độ, dưới sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Tổng cục TDTT. Trong đó, sân vận động Mỹ Đình, nơi sẽ diễn ra Lễ khai mạc, bế mạc và trận chung kết bóng đá nam hiện đang được tích cực sửa chữa và nâng cấp.

Ban Tổ chức đặt ra mục tiêu, chậm nhất đến tháng 4/2022, mọi công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, nhất là hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, với tâm điểm là các địa điểm thi đấu sẽ phải hoàn tất để đưa vào vận hành thử, sẵn sàng phục vụ cho đại hội.

Liên quan tới công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong thời gian diễn ra SEA Games 31, dịch vụ cấp cứu, xét nghiệm Covid-19 sẽ được cung cấp tại các địa điểm thi đấu và không thi đấu. Các vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ đoàn sẽ thường xuyên được xét nghiệm Covid-19.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm