Tiểu thuyết Việt Nam... chưa chết!

Thứ Tư, 22/12/2010 11:31 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định như vậy khi nhắc tới việc một số người đã tỏ ý bi quan về số phận của tiểu thuyết trước những áp lực với văn hóa đọc hiện nay.

Thừa nhận rằng các tiểu thuyết dự thi vẫn còn thiếu đột phá trong đổi mới hình thức thể loại, nhưng Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vẫn dành nhiều mỹ từ khi nói về chất lượng của cuộc thi lần này. Theo đó, với việc tăng vọt về lượng tác phẩm tham dự (247 tác phẩm), cuộc thi đã phát hiện rất nhiều cây bút ở mọi độ tuổi và “dũng cảm thử sức ở một thể loại đòi hỏi tài năng, vốn sống và độ tập trung cao”.

Dù viết về lịch sử, chiến tranh hay cuộc sống thời kỳ đổi mới thì thông điệp quan trọng nhất mà các tác phẩm dự thi mang đến cho bạn đọc chính là việc xây dựng, khẳng định những giá trị đạo đức, tinh thần luôn trường tồn - Nhà thơ Hữu Thỉnh nói - Điều đó chứng tỏ tiểu thuyết không bao giờ chết, cũng như văn chương sẽ mãi tồn tại như bằng chứng về sự thăng hoa của đời sống con người.


Nhà văn Nguyễn Quang Thân nhận giải A. Ảnh: N.Đ.T

Lễ trao giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba (2006 - 2009) đã diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam vào sáng 21/12/2010. Hầu hết tác giả trong số 14 cái tên giành giải đều có mặt, kèm theo đó là sự xuất hiện và chia vui của rất nhiều bạn văn khác.

“Tôi thích cái điềm tĩnh mà sâu sắc ở Hội thề (Nguyễn Quang Thân), cái nghiệt ngã của chiến cuộc trong Vùng lõm (Nguyễn Quang Hà), ngoài ra là sự thử nghiệm mới đầy chua chát ở Xuân từ chiều (Y Ban)” - nhà văn Nguyễn Văn Thọ (giải B) nói về những đồng nghiệp vừa bước lên bục trao thưởng cùng với mình. Đáp lại, sau khi nhận giải A kèm theo 35 triệu đồng, nhà văn Nguyễn Quang Thân chia sẻ một cách rất khiêm tốn: Cuộc thi kéo dài ba năm, có hàng trăm cuốn tiểu thuyết, phần lớn đều là của các nhà văn bạn bè tôi. Rất có thể có nhiều cuốn hay hơn mà giải thấp hơn hay không được giải. Nói đâu xa, ngay với tôi, khi xem thi hoa hậu, tôi thấy cô á hậu thông thường vẫn đẹp hơn (cười).

Trao đổi với TT&VH, một số tác giả đoạt giải đều đánh giá khá tốt về vai trò và chất lượng của cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. “Ban đầu, tôi chỉ định viết Xuân từ chiều như một truyện vừa. Nhưng khi biết tin có cuộc thi này, tôi khá phấn khích và “nâng tầm” tác phẩm của mình lên thể loại tiểu thuyết để dự giải” - nhà văn Y Ban cho biết - “Thậm chí, vì sợ sẽ chìm lấp trong hàng loạt truyện ngắn viết về phụ nữ của mình, tôi đã cố gắng có ý thức tìm cho Xuân từ chiều một hình thức thể hiện riêng, với vài trăm trang sách được viết liên tục không một lần xuống dòng để ngơi nghỉ”.

Còn nhà văn Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Cách đây gần 40 năm, tôi đã viết tiểu thuyết rồi. Nhưng nếu so sánh, thì cách viết bây giờ thay đổi, không “đóng complet nghiêm chỉnh” như trước mà “làm xiếc” và đi vào những vấn đề cao hơn để có thể hấp dẫn độc giả dù chỉ ở một trang văn. Đó là điều dễ hiểu bởi bây giờ, cách đọc của độc giả đã thay đổi: họ thường không có đủ thời gian và rất có thể chỉ “liếc qua” một trang sách của mình khi đặt cạnh hàng trăm tiểu thuyết khác”... Cũng tại lễ trao giải, Hội Nhà văn Việt Nam đã phát động cuộc thi tiểu thuyết Việt Nam lần thứ tư (2011-2014).

Cúc Đường

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›