Tranh cãi về “Halo” trong F1: Khi các tay đua cũng biết sợ chết

Thứ Hai, 22/08/2016 21:00 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn)- F1 luôn nỗ lực hoàn thiện về mặt kỹ thuật cho những chiếc xe đua để hạn chế tối đa rủi ro trên đường chạy. Tuy nhiên, những ý tưởng mới để đi được vào thực tế phải mất quá trình dài và không tránh khỏi những tranh cãi. Halo là một trong số đó.

An toàn trong F1 đã được cải thiện đáng kể và liên tục trong vài thập kỷ qua. Cái chết thương tâm của Ayrton Senna vào năm 1994 đã hướng tới một cách tiếp cận mới và tập trung hơn cho vấn đề này. Những chiếc xe đã được cải thiện hệ thống an toàn, những rủi ro lớn nhất được hạn chế. Nhưng vẫn còn đó những vấn đề có thể ảnh hưởng tới tính mạng của tay đua.

Với thiết kế của xe đua hiện tại, tay đua chỉ được bảo vệ bởi duy nhất 1 chiếc mũ bảo hiểm. Rủi ro là hiển nhiên khi mảnh vỡ sau va chạm có thể bay vào đầu họ hoặc chấn thương vùng đầu có thể xảy ra nếu chiếc xe bị lật ngược.

Rà soát lại mới thấy đó là những nguyên nhân chính dẫn tới những tai nạn đáng tiếc trong làng đua xe trong những năm qua. Jules Bianchi qua đời do nhiều vết thương ở vùng đầu khi xe anh va chạm với xe cẩu làm nhiệm vụ trên đường đua Grand Prix Nhật Bản 2014.  Felipe Massa bị vỡ hộp sọ khi bị mảnh vỡ của 1 chiếc xe khác văng trúng năm 2009. Chưa kể, có vô số vụ tay đua thoát chết thần kỳ khi xe của họ va chạm ở tốc độ cao.



Chiếc xe F1 có lắp thiết bị bảo vệ đầu “Halo”

Thực trạng này khiến các nhà sản xuất nghĩ tới một thiết bị bảo vệ phần đầu của tay đua, ngăn không cho các vật thể có thể xâm lấn vào buồng lái.

“Halo” chính là câu trả lời. Ý tưởng về “Halo” ban đầu được đề xuất bởi Mercedes, và được phát triển hoàn thiện hơn bởi Ferrari dưới sự bảo trợ của cơ quan chủ quản của FIA. Gọi nôm na là thiết bị bảo vệ vùng đầu, “Halo” được làm bằng titan, có hình bầu dục hoặc hình vòm, bao quanh phía trên đầu của tay đua với 3 điểm được gắn vào xe, 2 điểm ở sau buồng lái và 1 điểm ở trước mặt tay đua.

“Halo” đã được đưa đưa vào thử nghiệm ở một số chặng đua và tính khả thi được kiểm chứng tại Hungary Grand Prix năm nay. Tuy nhiên, thiết bị an toàn này vẫn chưa được thông qua để áp dụng đại trà vì còn vấp phải nhiều tranh cãi.

Những người phản đối “Halo” thừa nhận giá trị của nó trong việc cải thiện an toàn cho tay đua nhưng điều họ quan tâm là giá trị thẩm mỹ của chiếc xe khi lắp “Halo” ở trên. Lewis Hamilton từng thốt lên “Halo” chính là sự cải tiến “xấu xí nhất mà lịch sử F1 tìm kiếm”.

Phe phản đối còn cho rằng “Halo” sẽ làm xói mòn đi tinh thần của F1 với buồng lái luôn “mở”. Christian Horner của đội Red Bull tuyên bố anh sẽ bỏ phiếu chống lại “Halo”, gọi thiết bị này chỉ là “giải pháp mang tính manh nha”.



Thiết bị "Halo" được Ferrari thử nghiệm

Mặc dù FIA đã dự định sẽ giới thiệu “Halo” trong mùa giải 2017 nhưng tranh cãi buộc vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua lá phiếu. Cuối tháng 7 vừa qua, Nhóm chiến lược F1 bao gồm Giám đốc điều hành Bernie Ecclestone,, Chủ tịch FIA Jean Todt và lãnh đạo 6 đội đua đã tiến hành bỏ phiếu trước thềm Grand Prix Đức. Kết quả, “Halo” phải chờ thêm 1 năm nữa, tức mùa giải 2018, mới được triển khai.

Kết quả này khiến Sebastian Vettel, đại diện của Hiệp hội tay đua, giận dữ. Anh cho rằng quyết định của Nhóm chiến lược F1 là quan liêu vì có tới 90-95% tay đua nhất trí với việc áp dụng “Halo”. “Không có lý lẽ nào chống lại Halo có thể biện minh cho cái chết”, Vettel tuyên bố.

Mới nhất, Hamilton- tay đua đã thay đổi quan điểm khi nghe FIA thuyết trình về “Halo” tại Hungary Grand Prix- cũng lên tiếng về vấn đề này. “Tôi thực sự không biết tại sao Halo không được áp dụng vào năm tới. Tôi tự hỏi rằng liệu chúng tôi có đủ may mắn để không gặp sự cố cho tới khi Halo đi vào hoạt động”.

Và lần này, tay đua người Anh khẳng định: “Tôi quan tâm tới tính thẩm mỹ của chiếc xe nhưng an toàn tính mạng là điều quan trọng hơn hết thảy”.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›