(Thethaovanhoa.vn) - Sau 18 năm, Việt Nam lại trở thành điểm hẹn của của các quốc gia Đông Nam Á trong ngày hội lớn nhất của thể thao khu vực. Tuy nhiên, khác với kỳ đại hội được tổ chức vào năm 2003 với mục tiêu khẳng định sức vươn của nền thể thao nước nhà, SEA Games 31 sẽ là thước đo chuẩn xác hơn về năng lực, nhằm tạo nên chuyển biến tích cực về chất lượng với nền thể thao của khu vực.
SEA Games 22 - Bước chuyển mình của thể thao Việt Nam
SEA Games 22 năm 2003 là kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chương trình thi đấu gồm 32 môn với 444 nội dung thi đấu, diễn ra ở 10 tỉnh, thành phố, trong đó 2 địa điểm chính là Hà Nội và TPHCM. Trong bối cảnh thể thao Việt Nam (TTVN) còn gặp nhiều khó khăn, trình độ chuyên môn còn hạn chế khi nhìn vào thành tích giành được từ khi hội nhập trở lại với đấu trường quốc tế từ năm 1980, việc tổ chức thành công SEA Games 22 là dấu ấn đặc biệt và tạo nên bước chuyển mình đáng kể của nền thể thao nước nhà sau này.
Ở 5 kỳ SEA Games trước đó vào các năm 1993, 1995, 1997, 1999, 2001, đoàn TTVN chỉ có được vị trí tốt nhất là thứ 4 trên bảng tổng sắp huy chương (tại SEA Games 21) và chưa từng giành được hơn 35 HCV ở một kỳ đại hội. Số lượng và trình độ VĐV của TTVN cũng còn ít cả về số lượng lẫn khả năng tranh chấp đặc biệt ở các môn thể thao Olympic và thế mạnh chủ yếu nằm ở một số môn có bề dày truyền thống phát triển trước đó như bắn súng, võ, bóng bàn, Billiard-Snooker… Sự chênh lệch này diễn ra trong hơn một thập kỷ và phần nào phản ánh sự tụt hậu của TTVN so với các quốc gia trong khu vực trong thời kỳ đầu hội nhập.
Trong vai trò là nước chủ nhà của SEA Games 22 với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt từ trước, trên cơ sở một chương trình thi đấu gồm nhiều môn thế mạnh và môn thể thao truyền thống, TTVN lần đầu tiên giành vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương toàn đoàn với 158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ. Nhìn nhận một cách khách quan, dù chưa có được nhiều HCV ở những môn trong chương trình Olympic và ASIAD, song thành tích này là bước đột phá và tạo nên tiền đề phát triển trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, nó cũng khẳng định sức vươn của TTVN chỉ sau hơn một thập kỷ kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới và ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.
Chủ trương “đi tắt đón đầu, lấy nữ làm chủ công” được coi là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công ở thời điểm đó, trong bối cảnh TTVN còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và phong trào tập luyện, thi đấu ở nhiều môn thể thao mới thực sự hạn chế. Việc đầu tư xây dựng lực lượng VĐV nòng cốt, tập trung thi đấu giành thành tích cao tại SEA Games 22 cũng đã đặt nền móng cho sự phát triển của nhiều môn thể thao và mở rộng khả năng chinh phục thành tích cao ở các kỳ đại hội sau này. Sự chuyển biến mạnh mẽ về vị thế và qua thành tích giành được ở SEA Games 22 cũng mang tới những đánh giá và nhìn nhận khác biệt về năng lực của TTVN trong việc chinh phục các đại hội thể thao quốc tế lớn.
SEA Games 31 - Chuẩn mực mới của thể thao khu vực
18 năm sau lần đầu tiên bước lên vị trí số 1 ở một kỳ SEA Games, TTVN đã có một vị trí ổn định và khẳng định vị thế là một trong ba cường quốc về thể thao của Đông Nam Á. Thành tích của đoàn TTVN tại các kỳ đại hội thể thao khu vực luôn được cải thiện và nâng cao về chất. Trong 3 kỳ SEA Games gần đây nhất, TTVN để lại dấu ấn đặc biệt nhờ sự vươn lên mạnh mẽ ở 2 môn thể thao cơ bản gồm điền kinh và bơi. Đối với các môn thể thao còn lại trong chương trình Olympic và ASIAD, các tuyển thủ cũng giành được nhiều thành tích vượt bậc.
Tính toán một cách tương đối, với số lượng HCV từ các môn Olympic chiếm từ 60-70% tổng số HCV giành được ở một kỳ SEA Games, TTVN đã trở thành một thế lực mới của thể thao Đông Nam Á. Từ đấu trường SEA Games, nhiều thế hệ VĐV tài năng của TTVN như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Dương Thúy Vi (Wushu), Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục), Vũ Thành An (đấu kiếm)… đã được phát hiện và đào tạo trở thành những VĐV đạt tới đẳng cấp châu lục và thế giới.
Sự thành công ở đấu trường châu lục và thế giới khi nhìn từ SEA Games, cũng đã đem tới những thay đổi trong chiến lược phát triển TTVN những năm gần đây. Việc đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào các môn thể thao ASIAD và Olympic không chỉ đem tới một diện mạo mới, mà nó còn củng cố vị thế ở khu vực và mở ra cơ hội vươn cao, vươn xa của TTVN. Trên cơ sở này, chương trình thi đấu của SEA Games 31 đã được xây dựng theo hướng cạnh tranh công bằng và mở rộng cơ hội để các tài năng của thể thao Đông Nam Á được thể hiện mình.
Rất nhiều môn và nội dung thi đấu của ASIAD, Olympic được giữ nguyên trong chương trình thi đấu SEA Games 31. Các môn thể thao của khu vực và đặc trưng của Việt Nam chỉ giữ lại một số lượng nhất định. Tình trạng loại bỏ thế mạnh của quốc gia khác như “truyền thống” tổ chức SEA Games cũng được giảm thiểu đáng kể. Với chương trình thi đấu rất “fair”, SEA Games 31 được kỳ vọng sẽ loại bỏ căn bệnh thành tích đã đeo bám nhiều năm và tạo nên những chuẩn mực mới của thể thao khu vực.
Sẽ nhiều khó khăn chờ đợi các tuyển thủ TTVN dù kỳ SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà với nhiệm vụ bảo vệ vị thế hàng đầu trong khu vực, bằng sự vươn lên và khả năng chinh phục thành tích cao các môn Olympic. Bên cạnh đó, đội tuyển U22 Việt Nam, đội tuyển bóng đá nữ cũng một lần nữa phải chứng minh năng lực của nhà vô địch tại SEA Games 30 hai năm trước đây. Dù vậy, để tạo thêm một bước ngoặt trong quá trình phát triển, với một dấu ấn mạnh mẽ hơn so với 18 năm trước, TTVN không còn lựa chọn nào khác là phải vượt qua mọi thách thức để chinh phục đỉnh cao mới về thành tích.
Hội nghị trực tuyến Liên đoàn Thể thao Hội nghị trực tuyến Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) lần thứ 2 năm 2020 vừa chính thức khai mạc vào ngày 19/11 với điểm cầu chính tại Hà Nội. Hội nghị gồm 5 phiên họp của Ban Thể thao và Luật, Ban Y học, Ban Thể thao và Phụ nữ, Ban chấp hành SEAGF và phiên họp Hội đồng SEAGF. Phiên họp của Hội đồng SEAGF sẽ thảo luận thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành SEAGF, Ban Thể thao và Luật, Ban Y học, Ban Phụ nữ và Thể thao, Văn phòng SEAGF. Báo cáo về công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam. Thông qua số lượng môn thể thao trong chương trình thi đấu SEA Games 31. Xem xét, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và báo cáo tiến độ chuẩn bị tổ chức SEA Games 32 năm 2023 tại Campuchia. Liên quan tới SEA Games 31, rất nhiều quyết định quan trọng liên quan tới việc tổ chức kỳ đại hội này sẽ được đưa ra sau phiên họp Hội đồng SEAGF, trong đó, đáng chú ý nhất là việc công bố danh sách 40 môn thể thao trong chương trình thi đấu chính thức SEA Games 31. |
Vũ Lê