|
Ý kiến của một số nhà quản lý của phía "cấm hàng rong" là: "
không làm nên mỹ quan thành phố, cản trở giao thông", "chẳng nhẽ cứ đổ cho những hoàn cảnh khó khăn đó để bộ mặt đô thị bừa bộn, nhếch nhác mãi thế này sao?"
Còn phía "gánh hàng rong" gồm 97 câu chuyện bằng lời và hình ảnh của chị em, cấp chính quyền sở tại thì gói gọn trong mấy chữ: "
ở quê không có việc, bươn chải thành phố mưu sinh, nuôi gia đình".
Đại khái câu chuyện của những nhà quản lý là mục đích cho một thủ đô sạch đẹp hơn. Điều đó là hợp lý với một đô thị hiện đại. Quả thật, từ khi cấm bán hàng rong, tôi đã thấy đường phố có vẻ cũng quang đãng hơn. Nhưng còn những gì gây ra cái "mất mỹ quan" mà các nhà quản lý nhấn mạnh ấy trừ người bán rong thì có vẻ như vẫn… nguyên xi. Phố vẫn bụi, xe máy, ô tô càng nhiều nên vẫn tắc đường, những căn nhà xây xấu, cơi nới vẫn mọc ra; rác vẫn vứt bừa, dây điện, điện thoại vẫn chằng chịt mạng nhện, đường vẫn bị đào lên đào xuống; và trong công viên công cộng, kim tiêm con nghiện, bao cao su của tệ mại dâm rẻ mạt vứt lại góc khuất vẫn nhiều... Và một điều đáng nói là, hàng rong tuy bị cấm vẫn tồn tại, chỉ có điều là họ phải chui nhủi, trốn tránh nhiều hơn. Người mua cũng phải mua hàng rong như mua đồ ăn cắp. Đơn giản là có cầu thì vẫn có cung, cả một cái đô (thị) lớn như thế này cơ mà.
Trong triển lãm này không hiểu vì lý do gì à ta không thấy những cảnh đội an ninh trật tự phường truy bắt, tịch thu đồ của người bán hàng rong, cái cảnh gây những cảm xúc trái ngược cho người đứng ngoài quan sát, mà hầu như bất cứ ai ở thủ đô ít nhất từng phải trông thấy một lần...
Có lẽ phải tận mắt thấy một người phụ nữ bán hàng rong đến xem triển lãm chảy nước mắt ròng ròng khi nhìn thấy ảnh mình, đọc lại câu chuyện của mình, thì mới cảm thông đầy đủ với họ. Tôi, tuy là đàn ông, nhưng sợ cũng sẽ chảy nước mắt theo chị, nên chỉ dám đứng xa chụp ảnh mà không dám lại gần hỏi chuyện
(xem ảnh). Đa số những người như chị có lẽ không có thời gian đâu mà đến xem triển lãm này. Tất cả họ đang bận phải bán hàng, chui lủi trên những tuyến phố đã bị "cấm hàng rong", hoặc đang cố gắng tìm một nghề khác...
Châu Sơn
ảnh (hangrong): …sợ cũng sẽ chảy nước mắt theo chị, nên chỉ dám đứng xa chụp ảnh mà không dám lại gần hỏi chuyện