Và Cuba đã sẵn sàng từ những chiếc xe cổ Mỹ

Thứ Ba, 12/01/2016 14:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đường phố thủ đô Havana, bảo tàng sống của những chiếc xe cổ. Hầu như toàn bộ là xe Mỹ. Câu chuyện của những chiếc xe cổ ở Cuba cũng chính là một phần câu chuyện của mối quan hệ Cuba - Mỹ trong suốt khoảng một trăm năm qua.

Cuba trước 1959 dưới chế độ độc tài Batista là hòn đảo du lịch ăn chơi, tiêu tiền của dân nhà giàu, các bố già và dân thượng lưu Mỹ. Những loại xe đẹp nhất lúc bấy giờ, từ Chevrolet, Ford, Buick, Pontiac… được đưa từ Mỹ sang Cuba. Chúng vẫn chạy cho tới bây giờ.

Cuba hiện có khoảng 6.000 chiếc xe cổ, hầu hết sản xuất trong giai đoạn từ khoảng năm 1900 đến 1960. Người Cuba nói vui, có lẽ mặt tích cực duy nhất của lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt với Cuba suốt hơn nửa thế kỷ qua chính là giúp Cuba giữ được nhiều xe cổ đến thế. Năm 1959, Fidel Castro lãnh đạo cách mạng Cuba lật đổ chế độ độc tài thân Mỹ. Đến năm 1961, Mỹ áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với Cuba. Từ đó, mọi thứ hàng hóa ở Cuba trở nên khan hiếm. Xe hơi thì lại càng xa xỉ.


Đường phố thủ đô Havana (Cuba)

Để giữ cho những chiếc xe vài chục đến cả trăm năm tuổi chạy được trên đường phố, dân Cuba áp dụng đủ kiểu sửa chữa vá víu, lấy cả phụ tùng xe Liên Xô lắp sang xe Mỹ. Những chiếc xe cổ giá trị nhất là những chiếc giữ được máy nguyên bản, hoặc mua được máy đúng chủng loại từ Mỹ về thay.

Tất nhiên là mua theo đường tiểu ngạch, vì lệnh cấm vận của Mỹ vẫn sờ sờ ra đấy. Có hơn 1 triệu người Mỹ gốc Cuba chủ yếu sống ở bang Florida, nơi có điểm cực nam Key West của Mỹ chỉ cách đất Cuba chưa đầy 150 cây số. Những người này chính là một nguồn cung cấp thiết bị và máy móc xe quan trọng giúp cho việc mông má duy tu sửa chữa xe cổ trong nước.

Quan hệ Mỹ - Cuba đang dần được cải thiện. Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barak Obama một năm trước đã bảo: Nào, chúng ta tìm cách bình thường hóa. Quan hệ ngoại giao đã được nối lại, nhưng lệnh cấm vận của Mỹ không dễ một sớm một chiều được dỡ bỏ. Nên giới đi xe cổ Cuba chắc vẫn còn phải trông vào những người Cuba đang định cư bên Mỹ trong thời gian tới...

Nhưng, nói tới đây và xem qua mấy tấm ảnh, có ai suy nghĩ: Cuba trải qua hơn năm thập kỷ chịu cấm vận, cuộc sống nghèo khổ, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông dường như rất tốt với những con đường nhiều làn xe và rõ ràng, xe hơi dù rất cũ kỹ cũng tràn ngập đường phố trong khi xe đạp và xe gắn máy không nhiều như ở Việt Nam mấy thập kỷ trước? Đúng thế, tôi đã lái chiếc xe cổ động cơ 1.4 trên con đường 40 tuổi với tốc độ 140km/h ở Cuba trong làn gió biển hất ngược mái tóc cứng như xịt keo. 

Thực ra Cuba chỉ là một trường hợp điển hình cho một xu thế phổ biến khắp thế giới. Ở một đất nước nghèo khổ và đầy rẫy những dịch bệnh như Uganda ở Phi châu, xe hơi là phương tiện lưu thông chủ yếu trên những con đường rộng rãi ở các thành phố.

Hay Myanmar, nơi mà cách đây vài năm những chiếc mobile còn to như cục gạch thì ở Naypidaw (nay là Thủ đô), hạ tầng giao thông đã và vẫn đang đáp ứng những dòng xe hơi chảy quanh năm ngày tháng.

Hình như bỏ qua được giai đoạn văn minh xe máy là một điều may mắn cho tất cả mọi người trong số chúng ta, chứ không phải xe gắn máy mới là biểu tượng của một nền kinh tế chuyển mình sau những năm dài nghèo khó vì cấm vận hay vì chiến tranh.

Đâu đó có người nói rằng Drive Thru, một dịch vụ bán đồ ăn nhanh cho những người chạy xe hơi chỉ cần ngồi yên trong xe lái quanh nhà hàng cũng lựa và mua được đồ ăn là một ưu điểm của phát triển, thì chạy xe gắn máy rồi dừng ngay bên lề đường đi chợ cũng là một sự tiện lợi không thể so sánh. Nhưng đó cũng chỉ là một cách giễu nhại cho cái sự tiện (của một vài cá nhân) mà thành bất tiện (cho cả cộng đồng).

Sơn Ngô
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›