(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 2 thập kỷ không có được tấm HCV nào tại Olympic, mới đây Bộ Thể thao & Thanh niên Indonesia đã treo thưởng 5 tỷ rupiah (khoảng hơn 8 tỷ đồng) cho VĐV giành 1 HCV tại Thế vận hội 2016.
- Suất dự Olympic của kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền
- Indonesia thưởng gần 400.000 USD cho một HCV ở Olympic 2016
- Tuyển thủ rowing hai lần dự Olympic Phạm Thị Thảo: Cả sự nghiệp là những điều kỳ lạ
Ráo riết tìm tài trợ
Công tác vận động và tìm kiếm các nguồn tài trợ nhằm gây quỹ tiền thưởng của ngành thể thao cho các VĐV thi đấu tại Olympic 2016 đang được đẩy mạnh và được đánh giá là quyết liệt hơn nhiều so với nhiều đại hội thể thao quốc tế lớn trước đây.
Không chỉ trông đợi vào các Mạnh Thường Quân tự tìm đến, ngành thể thao đã chủ động đi tìm kiếm và vận động các nhà tài trợ cùng chung tay gây quỹ tiền thưởng cho các VĐV. Hiện tại, đầu mối chính trong công tác vận động tài trợ là Ủy ban Olympic Việt Nam, nhưng, các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao quốc gia và thậm chí cả lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng tham gia vào công tác này ở các mức độ khác nhau để có thể tìm kiếm được nhiều nhà tài trợ.
“Mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm được càng nhiều nguồn tài trợ càng tốt để gây quỹ thưởng cho VĐV dự Olympic. Để giành được huy chương ở đấu trường này là cực kỳ khó khăn với thể thao Việt Nam nên ngoài việc tập trung cho công tác chuyên môn, cũng cần có phần thưởng để khích lệ tinh thần các VĐV nỗ lực trong thi đấu. Hiện tại, việc tìm kiếm cũng đã đem lại kết quả tương đối khích lệ và hi vọng, sẽ có nhiều Mạnh Thường Quân đến với thể thao Việt Nam trước thềm Olymopic 2016”, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh cho biết.
Phấn đấu mức thưởng kỷ lục tại Olympic 2012
4 năm trước đây, tổng số tiền thưởng mà 1 VĐV giành HCV tại Olympic 2012 nhận được vào khoảng gần 1 tỷ đồng và ngành thể thao đang kỳ vọng sẽ vận động được số tiền thưởng vượt qua mức này tại Olympic 2016.
“Hiện tại, việc đàm phán với một số nhà tài trợ đã đem đến kết quả khá tích cực và số tiền thưởng cho 1 tấm HCV có thể hơn 1 tỷ đồng. Còn với HCB, HCĐ sẽ thấp hơn đôi chút. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể công bố con số chính thức vì lễ ký kết chưa diễn ra, mà mới chỉ hoàn tất việc đàm phán.
Từ nay đến tháng 7, sau khi tổng hợp toàn bộ các nguồn tài trợ, mức thưởng cho VĐV giành huy chương tại Olympic 2016 sẽ được công bố chính thức tại Lễ xuất quân của đoàn TTVN trước thềm Olympic”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết.
So với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia, 1 VĐV giành được HCV Olympic sẽ nhận được mức thưởng cao hơn rất nhiều so với VĐV Việt Nam. Dẫu vậy, trong bối cảnh nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn, việc vận động tài trợ của ngành thể thao cũng đối diện với không ít trở ngại, song với sự kiện đặc biệt như Olympic, những người làm công tác vận động tài trợ cho đoàn tể thao Việt Nam sẽ nỗ lực làm sao để các VĐV có được mức thưởng cao nhất có thể, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh chia sẻ thêm.
Chưa có cơ chế thưởng cho các VĐV giành suất dự Olympic Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, hiện tại, chưa có cơ chế và chính sách cụ thể cho việc khen thưởng bằng ngân sách đối với VĐV giành suất dự Olympic. Vậy nên, ngành thể thao dù rất muốn thưởng cho các VĐV đã chính thức giành quyền dự Olympic 2016 nhưng không thể thực hiện được. Hiện tại, ngành thể thao cũng đã kêu gọi các nguồn tài trợ để thưởng cho các VĐV dự Olympic nhưng chưa có kết quả cụ thể. Trên thực tế, việc giành được vé chính thức dự Olympic còn khó khăn hơn rất nhiều lần so với việc giành huy chương ở các giải đấu quốc tế trong phạm vi khu vực, châu lục, thậm chí là cả thế giới. Đơn cử một vài con số, từ đầu năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2016, các VĐV Việt Nam giành được 656 HCV, 478 HCB, 459 HCĐ ở các đại hội và các giải thể thao quốc tế lớn, tuy nhiên, chỉ có 21 VĐV ở 10 môn thể thao giành được suất chính thức tham dự Olympic. |
Vũ Lê
Thể thao & Văn hóa
Tags