(Thethaovanhoa.vn) - Là một nhà thiết kế thời trang có hẳn một thương hiệu riêng cho những người chơi quần vợt, tất nhiên Venus Williams muốn mình phải thật khác biệt trên sân đấu.
- Tennis ngày 4/7: Wawrinka: 'Tôi quá mệt với những câu hỏi về Federer'. Venus Williams bật khóc trong phòng họp báo
- Tennis ngày 30/6: Venus Williams gây tai nạn chết người. Federer tin Murray sẽ bỏ Wimbledon
- Tennis ngày 8/4: Tomas Berdych bị điểm tên trong ‘Hồ sơ Panama’, Venus Williams bị loại khỏi Volvo Car Open
Tại Wimbledon 2017, Venus dự tính sẽ làm nên một "cuộc cách mạng" trong trang phục nhưng tiếc cho cô chị nhà Williams, giải đấu ở All England Club chẳng hề có chỗ cho những ai thích "chơi trội".
Chiếc áo lót màu hồng
Khởi đầu Grand Slam trên sân cỏ, Venus Williams có trận chạm trán với đối thủ Elise Mertens. Bước ra sân đấu, Venus diện váy trắng, áo trắng, đi giày trắng và đội mũ trắng. Nhìn qua, tất cả đều đáp ứng tiêu chí trang phục của Wimbledon. Nhưng khi Venus bắt đầu đánh bóng, trên vai của cô bắt đầu lộ ra màu sắc khác biệt của dây áo lót.
Những tưởng chi tiết nhỏ này sẽ chẳng ai quan tâm. Thế nhưng trong giờ nghỉ của set đấu đầu tiên, người ta thấy Venus lẳng lặng đi vào phòng thay đồ. Sau đó, tay vợt người Mỹ trở lại. Chiếc áo lót hồng đã được thay ra, thế chỗ nó là bộ trang phục hoàn toàn trắng.
Venus không tự dưng đi thay đồ. Cô đã nhận được chỉ thị của ban tổ chức giải đấu trong giờ nghỉ. Hoặc là thay áo hoặc chịu phạt, Venus đành phải nghe theo.
Venus Williams không phải là tay vợt đầu tiên muốn phá bỏ phong cách thời trang nhàm chán ở Wimbledon. John McEnroe từng muốn nổi loạn với chiếc băng đô màu đỏ. Tatiana Golovin cũng khiến Wimbledon 2007 "dậy sóng" với chiếc quần lót màu đỏ. Năm 2012, Serena Williams khiến tất cả ngỡ ngàng khi ra sân với phụ kiện toàn màu tím.
Để dập tắt "cuộc nổi loạn" này, Wimbledon chấn chỉnh tay vợt ngay khi họ bước ra sân. Hai năm trước, Eugenie Bouchard từng bị cảnh cáo vì mặc áo lót màu đen trong trận đấu với đối thủ Trung Quốc Ying-Ying Duan. Năm 2013, Roger Federer bị yêu cầu thay giày vì phần... đế giày của anh có màu cam. Năm 2012, Radek Stepanek được đề nghị đổi giày trước trận đấu vòng 3 với Novak Djokovic, John Isner phải cởi bỏ băng quấn tay...
Vì sao phải màu trắng?
"Tôi yêu Wimbledon nhưng không phải theo cách này. Luật lệ đang ngày càng nghiêm ngặt một cách lố bịch", Federer bức xúc trước quy định khắt khe về trang phục của Wimbledon. "Tôi nghĩ họ đang đi quá xa", Martina Navratilova có cùng quan điểm.
Nhiều tay vợt nữ thậm chí còn phản ứng mạnh mẽ hơn bằng cách không mặc áo lót ra sân. Hay như Andre Agassi từng bỏ thi đấu vì "không chịu đựng nổi" quy định này.
Trước phản ứng của các tay vợt, thay vì nới lỏng quy định, Wimbledon lại ngày càng thắt chặt hơn. Qua từng năm, họ càng đưa ra luật lệ cụ thể hơn cho trang phục của các tay vợt. Chẳng hạn như năm 2014, hàng loạt quy định mới được đưa ra, trong đó có những điều đáng chú ý như: Cấm màu trắng nhạt, màu kem; được phép dùng màu khác trên viền đơn ở cổ hoặc thân áo nhưng độ rộng không quá 1 cm; trong khi thi đấu, không được mặc “nội y” có màu...
Tại sao Wimbledon lại chuộng màu trắng đến vậy?
Quy định này thực ra xuất phát từ những năm 1800. Giới quý tộc khi đó cho rằng mặc đồ có màu sẽ khiến những vệt mồ hôi lộ rõ trên quần áo, trông rất phản cảm. Từ đó, màu trắng là lựa chọn được ưu tiên. Lâu dần, nó trở thành thói quen và đi vào luật lệ lúc nào chẳng rõ.
Màu trắng cũng được cho sẽ giúp tay vợt trở nên lịch lãm hơn, tự tin hơn. Đó là triết lý mà Wimbledon hướng đến!
Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa
Tags