(Thethaovanhoa.vn) - Roger Federer, tay vợt gần như không thi đấu gì suốt hơn một năm qua, vẫn đang chễm chệ ở vị trí thứ 6, xếp trên á quân US Open 2020 Alexander Zverev – người đã tham dự rất nhiều giải đấu trong khoảng thời gian ấy. Bạn có thấy đó là một sự vô lý?
Có thể hiểu được sự bức xúc của Zverev, tay vợt vừa mới vô địch giải ATP 500 ở Mexico, rồi sau đó bất ngờ bị loại ở vòng hai Miami Masters. Giây phút đăng quang tại Acapulco, anh mỉm cười chua chát: “Federer chẳng thi đấu gì suốt cả năm, và giờ anh ấy vẫn xếp trên tôi. Hệ thống xếp hạng này thật thảm họa”.
Kể từ khi quần vợt trở lại sau đại dịch Covid-19, Zverev đã lọt vào chung kết US Open và Paris Masters, giành danh hiệu (1 ATP 500, 2 ATP 250). Tại giải Grand Slam đầu tiên của năm, anh chỉ dừng bước ở tứ kết trước Djokovic, tay vợt sau đó lên ngôi vô địch. Nhưng trên bảng xếp hạng hiện tại, Zverev vẫn xếp sau Federer, người mới “rón rén” chơi 1 trận kể từ Australian 2020 (thắng 1, thua 1 ở Doha, Qatar). Tất cả xuất phát từ việc điều chỉnh hệ thống xếp hạng các tay vợt của ATP hồi năm ngoái.
Bảng xếp hạng mới hoạt động như thế nào?
Tháng 8 năm ngoái, sau khi dịch Covid-19 tạm nguôi đi, Hiệp hội quần vợt nhà nghề đã giới thiệu một hệ thống tính điểm mới đã được sửa đổi. Theo đó, hệ thống này sẽ không trừ điểm xếp hạng của một tay vợt sau khi thành tích của họ ở giải đấu năm 2020 kém hơn năm 2019. Thay vào đó, điểm số sẽ tính dựa vào giải đấu mà tay vợt có thành tích tốt hơn. Điều đó có nghĩa Federer, người đã nghỉ toàn bộ mùa giải 2020 kể từ sau Australian Open và mới trở lại đầu tháng này ở Doha Open chẳng mất điểm số nào cả. Và anh vẫn chễm chệ ở vị trí thứ 6 với 6.375 điểm.
Trong quá khứ, Federer từng có khoảng thời gian nghỉ từ Wimbledon 2016 đến Australian Open 2017 vì chấn thương. Hệ quả: Anh tụt từ thứ 3 xuống thứ 17. Lần này, quãng thời gian nghỉ của FedEx lâu hơn nhiều, nhưng anh chỉ tụt từ thứ 3 xuống thứ 6.
Hệ thống xếp hạng truyền thống hoạt động thế nào? Liệu nó có trở lại?
Hệ thống tính điểm truyền thống sẽ được áp dụng trở lại từ tháng 1/2022. Mỗi giải đấu sẽ mang lại số điểm nhất định cho mỗi tay vợt, tùy theo việc họ tiến xa tới đâu. Trong năm sau đó, các tay vợt sẽ lại bảo vệ số điểm mà họ đã giành được bằng việc đạt thành tích bằng hoặc tốt hơn. Chẳng hạn như Djokovic chỉ kiếm được 180 điểm khi bị loại ở vòng 4 Australian Open 2018. Một năm sau, anh cần ít nhất lọt vào đến vòng 4 để không mất điểm. Nhờ vô địch Australian Open 2019 (mang đến 2000 điểm), anh tăng được 1.820 điểm vào tổng điểm của mình.
Tại sao lại thay đổi hệ thống tính điểm?
Do đại dịch Covid-19, các tay vợt bị hạn chế trong việc đi lại hoặc bản thân họ không muốn di chuyển tới các giải đấu vì lo ngại bị lây nhiễm virus SARS CoV-2. Kết quả, ATP đã quyết định thay đổi hệ thống tính điểm. Thay vì dựa trên kết quả thi đấu trong 52 tuần của năm trước như thông lệ, bảng xếp hạng ATP sau dịch Covid-19 sẽ dựa trên kết quả tốt nhất trong khoảng thời gian 22 tháng, tính từ tháng 3/2019 đến tháng 12/2020. Đến tháng 1/2022, hệ thống cũ sẽ được áp dụng trở lại.
Hệ thống được điều chỉnh này sẽ không trừ điểm của tay vợt mà áp dụng logic “Tốt nhất” để tính điểm. Chẳng hạn như Daniiel Medvedev vô địch Cincinnati Masters 2019 và được cộng thêm 1.000 điểm, nhưng chỉ lọt vào tứ kết Cincinnati Masters 2020 (180 điểm). Thay vì bị trừ 820 điểm như bình thường, hệ thống này chỉ tính thành tích Medvedev vô địch. Với hệ thống này, một tay vợt như Federer – người chỉ chơi vỏn vẹn 2 trận suốt hơn 1 năm qua – rõ ràng đã hưởng lợi khi chẳng mất điểm số nào. Trong khi đó, các tay vợt xếp dưới rất khó để vượt lên.
Federer liệu có mất điểm nếu bỏ qua Wimbledon?
Có, nhưng chỉ 50% mà thôi. Năm ngoái, quần vợt bị đóng băng từ tháng Ba đến tháng Tám, nên một loạt giải đấu – bao gồm Wimbledon 2020 – đã bị hủy. Chính vì thế, ATP cũng sẽ có những đánh giá khác trong giai đoạn này. Trang web của ATP đã viết rõ: “Kết quả từ tất cả các giải đấu chuyên nghiệp trong giai đoạn này (4/3 – 5/8/2019) sẽ được tính thêm 52 tuần nữa, nhưng chỉ bị trừ với 50%. Kết quả từ các giải đấu được sắp xếp lại trong năm 2020 (Kitzbuehel, Hamburg, Rome, và Roland Garros) cũng được tính thêm 52 tuần nữa, với mức độ 50%.
Điều đó có nghĩa các tay vợt vẫn có thể mất điểm ở các giải đấu này, nhưng chỉ mất một nửa số điểm nếu tính theo cách thông thường. Federer đã về nhì ở Wimbledon 2019 và giành được 1.200 điểm. Nếu không tham dự Wimbledon 2021, anh sẽ chỉ mất 600 điểm. Còn nếu tham dự, nhưng không vào được chung kết, thì anh chỉ mất 1/2 số điểm so với số điểm mà mình không thể bảo vệ được như bình thường.
Tương tự, nhà vô địch Roland Garros 2020 Rafael Nadal cũng chỉ mất một nửa trong số 2.000 điểm mà anh giành được ở Paris năm ngoái, nếu như anh bỏ qua Roland Garros 2021 này.
Roger Federer từ sau Australian Open 2020 Số giải đấu: 1 Thành tích: Thắng 1 – thua 1 Danh hiệu: 0 Điểm số hiện tại: 6375. Vị trí hiện tại: 6 Alexander Zverev từ sau Australian Open 2020 Số giải đấu: 13 Thành tích: 32-12 Danh hiệu: 3 Điểm số hiện tại: 6070 Vị trí hiện tại: 7 |
Phương Chi
Tags