Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm các nước mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 14 do Trung Quốc chủ trì với chủ đề "Xây dựng quan hệ đối tác chất lượng cao giữa các nước BRICS, tạo ra kỷ nguyên phát triển toàn cầu mới” diễn ra từ ngày 22-24/6 tập trung vào việc thiết lập một nền kinh tế thế giới lành mạnh và phát triển bền vững.
Ý tưởng bao trùm hội nghị có lẽ đã được phản ánh qua tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông kêu gọi các nước BRICS mang lại sức mạnh tích cực, ổn định và xây dựng cho thế giới trong bối cảnh tình hình phức tạp và khó khăn như hiện nay. Hàng loạt biện pháp của phương Tây trừng phạt Nga đã khiến các thị trường trên thế giới trở nên căng thẳng.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, đây là các biện pháp trừng phạt mang động cơ chính trị và ngày càng gây áp lực cho các đối thủ cạnh tranh. Ông nêu rõ hệ lụy là các chuỗi vận tải - hậu cần bị đứt gãy và những điều này trái với logic kinh tế cơ bản. Tổng thống Putin đã tái khẳng định vai trò của BRICS với hơn 3 tỷ dân, chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, 20% trao đổi thương mại, khoảng 25% vốn đầu tư trực tiếp và 35% tổng dự trữ trên thế giới. Ông cũng nhấn mạnh xu thế hợp tác giữa các nước BRICS tiếp tục phát triển khi kim ngạch thương mại của LB Nga với các nước thành viên khối này 3 tháng đầu năm nay đã tăng 38% - đạt tới 45 tỷ USD.
“Tuyên bố Bắc Kinh” kết thúc hội nghị cho thấy rõ những quan điểm “vị phát triển” và cân bằng của BRICS. Theo đó, bất chấp đại dịch COVID-19 và các thách thức khác, năm 2022, các nước BRICS cùng nhau tiếp tục tăng cường đoàn kết và làm sâu sắc hơn hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, hòa bình và an ninh, giao lưu nhân đạo, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Các nhà lãnh đạo lưu ý rằng quan hệ trong BRICS được xây dựng dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, đoàn kết, cởi mở, bao trùm và đồng thuận. Tuyên bố kêu gọi các nước phát triển hàng đầu phát triển kinh tế một cách có trách nhiệm, không chính trị hóa, "để tránh những hậu quả nghiêm trọng cho các nước đang phát triển”. Các định chế tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế được khuyến khích "đóng vai trò xây dựng trong việc đạt được sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế và ngăn ngừa rủi ro hệ thống về sự tan rã và phân mảnh của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế”. Tuyên bố cũng cho rằng “sự phục hồi không đồng đều đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới, làm tăng trưởng toàn cầu chậm lại và triển vọng kinh tế xấu đi”.
BRICS đã nhất trí hướng tới một cuộc cải cách “Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cần phải làm từ lâu” để xây dựng một nền kinh tế thế giới mở "hỗ trợ thương mại và phát triển, duy trì vai trò trung tâm của WTO trong việc thiết lập các quy tắc và quản trị thương mại toàn cầu, hỗ trợ phát triển bao trùm, thúc đẩy các quyền và lợi ích của tất cả các thành viên, kể cả các nước đang phát triển và kém phát triển nhất”. BRICS kêu gọi tất cả các thành viên WTO tránh các biện pháp đơn phương và bảo hộ trái với tinh thần và quy tắc của tổ chức này.
Tuyên bố Bắc Kinh bày tỏ ủng hộ duy trì vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quốc tế và cho rằng cần phải cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ để tăng tính đại diện cho cơ quan này. BRICS cũng tái khẳng định ủng hộ vai trò hàng đầu của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) trong quản trị kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh G20 cần duy trì tính toàn vẹn và ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng coi việc thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của các nước đang phát triển và kém phát triển vào các tiến trình thế giới là điều quan trọng
Về các vấn đề nổi cộm trên thế giới, các nhà lãnh đạo BRICS đã bày tỏ ủng hộ đàm phán giữa Nga và Ukraine để giải quyết xung đột giữa hai bên. BRICS cam kết "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia", đồng thời nhấn mạnh "cam kết giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp giữa các nước thông qua đối thoại và tham vấn… Ủng hộ tất cả các nỗ lực dẫn đến giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng”. Hội nghị thượng đỉnh bày tỏ ủng hộ đàm phán về vấn đề bán đảo Triều Tiên và tái khẳng định cam kết giải quyết vấn đề này thông qua ngoại giao; tuyên bố cần tôn trọng chủ quyền của Afghanistan và ủng hộ không can thiệp vào công việc nội bộ nước này; kêu gọi duy trì Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran và khôi phục cơ chế đó.
Về giải trừ quân bị, BRICS chủ trương củng cố hệ thống hiệp ước và thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hiệu lực, hiệu quả và bản chất đồng thuận của các cơ chế đa phương trong lĩnh vực giải trừ vũ khí, không phổ biến và kiểm soát vũ khí. Tuyên bố tái khẳng định cam kết đối với một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động giải trừ vũ khí hạt nhân tại phiên họp năm 2022 của Hội nghị Giải trừ quân bị.
BRICS cho rằng cần tạo ra một cơ chế xác minh hiệu quả đối với Công ước Cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ các loại vũ khí sinh học và hóa học và loại bỏ chúng (BTWC). Các nước thành viên ủng hộ việc ngăn chặn chạy đua vũ trang trong vũ trụ. Lãnh đạo BRICS cũng nhấn mạnh “để ngăn chặn hiệu quả các hoạt động khủng bố gây ra mối đe dọa nghiêm trọng, kể cả trong điều kiện đại dịch hiện nay, cần có cách tiếp cận toàn diện và cân bằng của toàn thể cộng đồng quốc tế. Chúng tôi bác bỏ các tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan dẫn đến nó”.
- Kinh tế toàn cầu trong vòng xoáy lạm phát đình trệ
- IMF cảnh báo căng thẳng Nga-Ukraine tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu
Đối với vấn đề năng lượng, các nhà lãnh đạo BRICS xác nhận vai trò cơ bản của an ninh năng lượng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận phổ cập các nguồn năng lượng giá rẻ, tin cậy, bền vững và hiện đại. Về an ninh lương thực, BRICS muốn khuyến khích phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực của khối và toàn thế giới do BRICS sản xuất khoảng 30% lương thực trên thế giới. Các nhà lãnh đạo lưu ý tầm quan trọng trong chiến lược vật tư phục vụ nông nghiệp, cụ thể là phân bón, đối với việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Bày tỏ lo ngại về các khía cạnh đạo đức liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi các nước thành viên hợp tác để giải quyết những mối quan tâm này; chia sẻ các thực tiễn tốt nhất; thực hiện các nghiên cứu so sánh để đưa ra cách tiếp cận quản trị chung sẽ hướng dẫn các nước BRICS về việc sử dụng AI có đạo đức và có trách nhiệm, góp phần vào sự phát triển của các công nghệ AI.
Các nước lưu ý rằng những đột phá trong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, chẳng hạn như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, có thể đóng một vai trò quan trọng trong phát triển bền vững do đó cần phải hợp tác vì lợi ích xây dựng niềm tin và an ninh, cũng như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc phát triển AI, vì lợi ích của toàn xã hội và nhân loại, đặc biệt tập trung vào các nhóm dân cư thiệt thòi và dễ bị tổn thương.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng qua hội nghị thượng đỉnh này, BRICS đang tìm cách hình thành “sức mạnh tổng hợp” bằng cách xây dựng quan hệ đối tác chất lượng cao nhằm đóng góp đáng kể hơn vào việc kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu và mở ra một trang mới trong lịch sử nền kinh tế toàn cầu.
Duy Trinh - Phóng viên TTXVN tại LB Nga
Tags