(Thethaovanhoa.vn) - Các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đã trở thành một xu hướng phát triển và là điểm tựa của các tài năng. Nếu như trước đây, các tài năng âm nhạc thoát thai từ những cuộc thi sân khấu lớn, từ những đoàn ca nhạc lớn nhỏ thì bây giờ, ở tất cả các ngõ ngách, hang cùng ngõ hẻm, các tài năng được đưa lên truyền hình và gây náo loạn. Thế nhưng, những ngôi sao âm nhạc thế hệ mới đang ở đâu?
- Nhạc cổ truyền và truyền hình thực tế: Ai dựa ai?
- Những bài hát còn xanh phiên bản truyền hình thực tế
Số đông còn lại đi ra từ các cuộc thi vẫn còn đang trên đường tìm kiếm sự thăng hạng bởi họ vẫn chưa nhận ra được rằng, họ đã quá quen thuộc để trở thành một bản sao của ai đó và cái tôi âm nhạc ít khi nào được thừa nhận.
Phi “bản sao” bất thành nổi tiếng
Hòa Minzy và Ngọc Luân đang là những cái tên gây sốt tại chương trìnhGương mặt thân quen 2016. Họ đã khiến những giám khảo như Mỹ Linh, Đức Huy sửng sốt và kèm theo đó là những lời nhận xét “ngất ngây”, “Tôi hoàn toàn thưởng thức một tiết mục trình diễn rất hay”, “tiết mục của em đã chiếm trọn trái tim tôi”…
Những giám khảo này đã không sai khi nhận xét như thế. Chỉ có điều, họ đã cho thấy rằng mình đã bị cuốn vào một chương trình mà ở đó những bản sao đã làm họ “ngây ngất”.
Gương mặt thân quen với mục đích là tìm ra những phiên bản giống nghệ sỹ mà những thí sinh phải sắm vai để thể hiện, đang tiếp tục trở thành một trong những chương trình truyền hình hot nhất hiện nay và nó cho thấy rằng để làm một người nổi tiếng không khó, miễn là phải trở thành một bản sao.
Đó đang là con đường ngắn nhất để các cuộc thi THTT âm nhạc hướng đến, càng nhanh nổi càng tốt, đi tắt thành sao, còn sau đó thế nào thì “tiền thầy đã bỏ túi”.
Điểm lại một loạt những chương trình âm nhạc truyền hình gần đây sẽ thấy rằng, xu hướng này ngày càng đậm đà. Các thí sinh cho dù thực sự có tài năng, nhưng cá tính nghệ thuật của họ lại được định hướng cho một show truyền hình, chứ không phải cho chính bản thân họ và vì thế họ sẽ khó thể hiện được cái tôi của riêng mình.
Trương Kiều Diễm, thí sinh đang được để ý tại chương trình X-Factor với khả năng sáng tác và chơi nhạc cụ khá điêu luyện đang được xem là bản sao của Hồ Ngọc Hà (ngoại hình) và Mỹ Tâm (giọng hát).
Cũng tại chương trình này, bản sao của Bi Rain đã xuất hiện và được các HLV yêu thích. Đó là Trần Minh Dũng và anh mặc nhiên được xem là bản sao của ca sĩ xứ Hàn.
Chàng trai bán trái cây dạo Lâm Trường Giang bỗng được để ý đặc biệt tại chương trình Hát vui – Vui hát khi anh chỉ hát nhạc của Ngọc Sơn và bản thân ca sĩ Ngọc Sơn cũng phải đứng lên vỗ tay cho những tiết mục của Trường Giang vì quá giống mình.
Còn rất nhiều trường hợp khác từng được đem ra so sánh như Hương Tràm chẳng khác là mấy so với Thu Minh tại cuộc thi Giọng hát Việt mùa đầu hay Giang Hồng Ngọc gần như là phiên bản của Hồ Ngọc Hà tại X-Factor 2014…
Càng giống phiên bản chính, các “bản sao” càng có cơ hội được nổi tiếng nhiều hơn. Chính điều này đã cho thấy mặt trái của THTT khi không nhào nặn ra được các ngôi sao âm nhạc mới mà chỉ đơn thuần tạo ra những hàng mẫu na ná nhau.
“Bản sao” rồi sẽ ra sao?
Nếu như Đức Phúc và Ya Suy đang phải tiếp tục cố gắng để chứng minh ngôi vị quán quân mà họ đã từng đạt được là xứng đáng thì những đồng nghiệp còn lại của họ cũng phải thể hiện rằng họ không còn là một bản sao của ai khác.
Bảo Uyên sau khi tung ra một vài MV cũng chưa thấy tiến triển gì hơn. Bi Rain phiên bản Việt cũng đã bị loại, Lan Vy cũng thế, Hương Tràm thì cũng đang loay hoay với âm nhạc của mình…
Mặt trái của những chương trình THTT đang chỉ ra rằng, những “bản sao” chỉ “hot” khi đang tham dự chương trình, nhưng sau đó họ sẽ bị quên bẵng bởi đơn giản những “bản chính” còn đang tiếp tục ngự trị thì còn chỗ nào cho “bản sao” len vào?
Cũng bởi một thực tế rằng những chương trình như Vietnam Idol, The Voice, X-Factor… đang là “cối xay tài năng”, cả về chất lượng lẫn thời gian. Trong một phạm vi 3, 4 tháng thì lấy đâu thời gian để có thể cho ra đời những dòng sản phẩm chất lượng.
Thay vào đó, các thí sinh sẽ không còn được chú tâm vào câu chuyện cá tính âm nhạc nữa, họ sẽ bị “focus” vào câu chuyện đời tư và trở thành bản sao của ai đó, hoặc một nghệ sỹ nổi tiếng hoặc là tấm gương phản chiếu mong muốn của chính huấn luyện viên đang huấn luyện họ.
Họ được nhào nặn để trở thành những hình mẫu theo tiêu chí làm hài lòng khán giả truyền hình kể cả khi họ có giọng hát, cũng sẽ được “uốn” theo công thức của nhà sản xuất. Chương trình được yêu thích thì cả hai phía đều hưởng lợi. Và nếu có bị chất vấn thì câu trả lời sẽ là “Làm gì có thời gian?”.
Vietnam Idol mùa mới cũng đã chứng kiến những “thảm họa” được lên truyền hình như Đặng Văn Phóng, "vừa hát đã khiến ban giám khảo buồn ngủ"; Phi Anh Tuấn, người đã 6 lần thất bại tại Vietnam Idol; hay như những thí sinh có khả năng "nhái" giọng thần sầu của các ca sĩ khác như Lam Trường, Khánh Phương, Duy Mạnh…
Nhưng cũng rất may là các giám khảo của chương trình này đã nói “Không” với các trường hợp trên.
Tuy vậy, điều ấy không có nghĩa là chương trình nào cũng sẵn sàng từ bỏ xu hướng “bản sao” vốn đem lại cho họ con đường ngắn nhất thu hút sự chú ý của công chúng và nó sẽ vẫn tiếp tục ở hiện tại và tương lai.
Vietnam’s Got Talent 2014 đã từng chứng kiến một phiên bản Đàm Vĩnh Hưng 100% qua tiếng hát và ngoại hình của thí sinh Trịnh Minh Đức. Và lúc đó, giám khảo Hoài Linh sau khi xem xong đã nhận xét một câu khá nổi tiếng “Em hát được, không tệ nhưng nên nhớ một điều, cái bản gốc lúc nào cũng rõ hơn bản photo, em cần phải có một cái gì đó riêng của em”.
“Cái gì đó của riêng” đang trở thành một điều hiếm hoi trong hành trinh tìm kiếm tài năng tại các chương trình âm nhạc truyền hình thực tế.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags