Theo chuyên gia, bất kỳ sản phẩm nào có tác động đến sức khỏe, cũng cần được nghiên cứu một cách toàn diện trước khi thí điểm.
Hiện nay đang có trào lưu sử dụng thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng), như một biện pháp thay thế thuốc lá truyền thống vì cho rằng thuốc lá thế hệ mới có tiềm năng giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe.
Mặc dù chưa có cơ chế quản lý cụ thể, chưa được phép lưu hành, kinh doanh nhưng các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã có mặt nhiều nơi trên thị trường trong một thời gian dài. Người tiêu dùng tại Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Vào cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã đề xuất cho phép thí điểm nhập khẩu, lưu thông thuốc lá làm nóng như một sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm. Còn đối với thuốc lá điện tử, Bộ Công Thương đề xuất nên tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các bằng chứng khoa học liên quan đến sự an toàn của dung dịch thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, đề xuất này còn nhiều ý kiến trái chiều cả về mặt quản lý, cũng như ảnh hưởng đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Dưới góc độ về sức khỏe, TS.BS Nguyễn Hải Công (Chủ nhiệm khoa Lao & Bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175) nhận định, hiện nay chưa có một báo cáo hay nghiên cứu chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam về sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (như thành phần, các chất sinh ra khi làm nóng để không tạo khói, công nghệ sử dụng v.v.), cũng như chưa có thống kê và đánh giá tác động của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe người dùng.
Mặc dù các nước phát triển như Anh, New Zealand, Hoa Kỳ, Canada... cũng đã nhìn nhận về tiềm năng giảm thiểu tác hại của một số thành phần trong thuốc lá thế hệ mới, cho phép lưu hành và có những khuyến cáo người dùng chuyển dần sang các sản phẩm này vì trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa chính thức cho phép nhập khẩu và lưu thông các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Cần nghiên cứu kỹ vì sức khỏe cộng đồng
BS Công cũng cho rằng bất kì sản phẩm nào có tác động đến sức khỏe, dù là thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử đều cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và toàn diện trước khi cho lưu thông.
Cần nghiên cứu tác động, thí điểm đồng bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để đảm bảo khi Việt Nam cho phép lưu thông dòng sản phẩm này sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm hợp pháp, chất lượng.
"Vì sức khỏe của người tiêu dùng, Việt Nam cần thêm thời gian để cẩn trọng, nghiên cứu kỹ và nhằm xây dựng khung pháp lý toàn diện và hợp lý cho cả hai dòng sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, không nên nóng vội thí điểm các dòng thuốc lá này trong thời điểm hiện nay", BS Công nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng nếu cho phép thí điểm sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cũng như nhiều vướng mắc pháp lý.
Cụ thể, chưa có đủ dữ liệu đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là tác hại đến sức khỏe, xã hội, gánh nặng bệnh tật, hệ lụy cho giới trẻ và chi phí, tác động xã hội…
Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện Việt Nam chưa đủ điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng và thực hiện chính sách thí điểm thuốc lá thế hệ mới do loại thuốc lá này có chứa nhiều thành phần hoá học, phụ gia và hương liệu có thể gây hại cho sức khoẻ mà ngay cả các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến vẫn chưa đủ điều kiện để phân tích, kiểm nghiệm.
Cũng theo Bộ Y Tế, nếu cho phép thí điểm thuốc lá thế hệ mới, các bộ sẽ phải xây dựng và ban hành hàng loạt cơ chế, quy định cho việc thí điểm bao gồm quản lý kinh doanh, cấp phép, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm, cảnh báo sức khoẻ…
BS Công phân tích, những năm gần đây, Chính phủ luôn kêu gọi người dân giảm hút thuốc lá. Tuy vậy, theo thông tin tại cuộc họp về phòng chống tác hại của thuốc lá do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế chủ trì, ước tính hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 15,4 triệu người đang hút thuốc lá.
Cuộc điều tra "Thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng chống tác hại của thuốc lá" tại TP Hà Nội năm 2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cũng chỉ ra tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người dân từ 15 tuổi trở lên là 19,1%, tăng gần 3% so với năm 2019 (có tỷ lệ là 16,4%).
Tags