(Thethaovanhoa.vn) - Kết thúc buổi thi sáng 8/7, đánh giá về đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội, nhiều thầy cô giáo nhận định, đề thi phù hợp trong điều kiện học sinh có thời gian học tập gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và phải ôn tập trực tuyến. Đề thi các môn đều dễ lấy điểm từ 7, mức độ khó tập trung ở một vài câu hỏi cuối.
Nhận xét về đề thi môn Địa lý, thầy Vũ Hải Nam, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Đề thi chính thức bám sát ma trận của đề thi minh họa, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý lớp 12.
Về cấu trúc, Kiến thức Địa lý có 21 câu, gồm các chuyên đề: Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý các ngành kinh tế, Địa lý vùng kinh tế. Kỹ năng Địa lý có 19 câu, trong đó có 15 câu Atlat, 2 câu bảng số liệu và 2 câu về biểu đồ. Phần nâng cao tập trung vào 2 chuyên đề Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý các vùng kinh tế, mức độ khó có tăng lên gắn với các câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa, tác động.
Các câu hỏi được sắp xếp hợp lý theo mức độ tăng dần về độ khó nên dễ dàng phân loại được thí sinh theo trình độ. Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kỹ năng Địa lý, tránh được tình trạng học thuộc, học tủ, học mẹo. Các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải có tư duy mạch lạc, có kiến thức xã hội rộng, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao.
Để xét tốt nghiệp, học sinh chỉ cần học tốt các kỹ năng Địa lý và có kiến thức lý thuyết cơ bản là có thể làm được trên 7 điểm. Thí sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao, điều này đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và thường xuyên.
Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên môn Lịch sử, Trường Trung học Phổ thông Đông Bắc Ga (Thanh Hoá) nhận xét: Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, đề thi năm nay tập trung trọng tâm vào kiến thức lịch sử lớp 12. Trong đó, kiến thức rơi nhiều nhất vào nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, sau 1975 chỉ có 1 câu. Đề thi có 4 câu lịch sử lớp 11. Với đề thi năm nay, học sinh dễ đạt được mức trên 7 điểm, học sinh khá sẽ làm tốt tới câu 35. Để đạt điểm 9,10, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, học sinh cần có tốc độ làm bài nhanh, chính xác.
Với môn Giáo dục công dân, cô Đoàn Thị Vành Khuyên, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi, Hà Nội nhận xét: So với đề thi Trung học Phổ thông trước đây, ở môn Giáo dục công dân, đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm nay mức độ dễ nhiều hơn.
Các câu hỏi nằm trong các chuyên đề quen thuộc của lớp 12, như: Các loại vi phạm pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống; Công dân với các quyền tự do cơ bản; Công dân với các quyền dân chủ. Các câu hỏi nằm trong tầm kiến thức cơ bản, không đánh đố, không đòi hỏi quá nhiều tư duy. Câu hỏi vận dụng cao tương đối khó vì tình huống dài, nhiều tình tiết, đòi hỏi học sinh phải biết phân tích, nhận diện chuyên sâu hơn.
Cùng chung nhận định trên, cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Đề thi Giáo dục công dân năm nay không khó, mức độ phù hợp với tình hình thực tế học sinh đã có thời gian học online và ôn tập gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đề thi có sự phân bổ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao phù hợp. Nhiều câu hỏi tình huống hay, có tính thời sự, nhất là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao là những tình huống gắn liền với thực tiễn cuộc sống, gần gũi với học sinh.
Với mức độ đề năm nay, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể đạt được 8 điểm. Tuy nhiên, nếu học sinh không nắm được chuẩn kiến thức, kỹ năng khó đạt được điểm khá, giỏi. Dự đoán phổ điểm từ 7-8,5 điểm.
Việt Hà/TTXVN
Tags