Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) ngày 1/2/2023 đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay.
Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.
Quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô đã tăng gần 13% kể từ khi giảm xuống mức thấp nhất là 76 USD/thùng vào tháng 1/2023, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch COVID-19. Triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu toàn cầu.
Tuy nhiên, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 17/1 vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023. Theo dự báo của OPEC, nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, thấp hơn so với ước tăng 2,5 triệu thùng/ngày của năm 2022. OPEC nêu rõ: "Mức dự báo này vẫn bị chi phối bởi các yếu tố, bao gồm triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu, sự thay đổi trong các chính sách ngăn chặn đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị".
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 18/1 dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay sẽ tăng thêm 1,9 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày. Trong đó, gần 50% mức tăng là nhờ Trung Quốc dỡ các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng đại dịch COVID-19. IEA cho biết nhu cầu sử dụng dầu mỏ năm 2023 dự kiến là 101,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 80.000 thùng so với con số được đưa ra trong báo cáo tháng 12/2022 và là mức cao kỷ lục.
Theo IEA, dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, triển vọng kinh tế thế giới phần nào cải thiện và việc Trung Quốc mở lại nền kinh tế nhanh hơn dự kiến. IEA cũng cho rằng môi trường kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn có nhiều khó khăn, với đa số chuyên gia dự báo các nền kinh tế Mỹ và châu Âu suy thoái nhẹ trong năm nay.
Theo IEA, Nga và Trung Quốc là hai nước có tác động lớn đến triển vọng của thị trường dầu mỏ năm 2023. Nguồn cung dầu mỏ của Nga chững lại do tác động mạnh của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với nước này trong khi việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy gần 50% mức tăng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu. Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng trở lại, nước này khả năng sẽ vượt Ấn Độ trong năm nay và trở thành nước dẫn đầu thế giới về nhu cầu dầu mỏ. Trên cơ sở đó, IEA đã điều chỉnh nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng thêm 40.000 thùng/ngày so với năm ngoái lên 850.000 thùng/ngày.
IEA cũng dự báo năm 2023, Mỹ sẽ là nước đóng góp chủ yếu cho nguồn cung dầu mỏ giữa lúc sản lượng dầu của OPEC+ sẽ giảm 870.000 thùng/ngày, dẫn đầu là Nga. Theo báo cáo của IEA, sản lượng dầu của Nga trong tháng 12/2022 giảm trung bình 200.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô của nước này qua đường biển và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp giá trần đối với dầu thô của Nga. Xuất khẩu dầu của Nga năm ngoái tăng chỉ chưa đầy 5%, dù giá đã giảm nhiều.
Trung Quốc đã mở cửa trở lại trong tháng 1/2023 khi Bắc Kinh gần như đảo ngược tất cả các biện pháp kiểm soát biên giới được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. OPEC dự báo nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ không thay đổi ở mức 29,2 triệu thùng/ngày.
OPEC cho biết rất lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc - nền kinh tế có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thế giới tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong năm 2023. Theo dự báo của hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects (Pháp), nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Energy Aspects dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 100 USD/thùng trong năm nay, đồng thời nâng mức dự báo nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong quý II/2023 thêm 500.000 thùng/ngày.
Giá dầu đã biến động mạnh kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Sau khi tăng lên mức cao nhất trong 14 năm là gần 140 USD/thùng vào tháng 3/2022, giá dầu Brent hiện đang giao dịch trong khoảng 80-85 USD/thùng.
Các hoạt động thăm dò dầu khí cũng đã được thúc đẩy trong năm 2022 sau thời gian đình hoãn do đại dịch COVID-19. Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, các mỏ dầu khí mới được phát hiện trong năm 2022 có thể tạo ra ít nhất 33 tỷ USD giá trị với mức giá dầu Brent là 60 USD/thùng. Hãng nghiên cứu Energy Intelligence thì dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng lên 101,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, vượt qua mức kỷ lục trước đó là 100,6 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào năm 2019.
Tags