Thi tuyển vào các trường nghệ thuật của Bộ VHTTDL: Không thể tìm được bất cứ sự 'trợ giúp' nào

Thứ Tư, 10/07/2019 08:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo lãnh đạo của một số trường có chuyên ngành năng khiếu nghệ thuật, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển sinh năm học 2019 không có xu hướng tăng và tỷ lệ chọi không cao. Ghi nhận tại Hội đồng thi ở một số trường thuộc Bộ VHTTDL như ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho thấy, các thí sinh đăng ký dự thi có nguyện vọng thật, tỷ lệ chọi của khối năng khiếu nghệ thuật cũng không cao.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019: Thí sinh có xu hướng chọn trường đại học uy tín

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019: Thí sinh có xu hướng chọn trường đại học uy tín

Đến thời điểm này, học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn ôn tập “nước rút” cho kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2019 để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Bản thân các thí sinh khi đăng ký dự thi vào các chuyên ngành năng khiếu nghệ thuật cũng đã có sự sàng lọc về năng lực khi quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật.

Nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh

Trong các ngày từ 4-7.7, hơn 240 thí sinh đã tham dự kỳ thi năng khiếu vào ĐH Mỹ thuật Việt Nam. PGS.TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật VN cho biết, tỷ lệ chọi của trường thấp chỉ là ½ (dự kiến sẽ có khoảng 120 thí sinh trúng tuyển vào trường). Tỷ lệ chọi ở các trường nghệ thuật như Học viện Âm nhạc Quốc gia VN cũng không cao. Điều này cũng dễ hiểu vì bản thân thí sinh đã xác định thi vào các chuyên ngành năng khiếu thì các em sẽ phải ôn luyện, và vì vậy nếu không đảm bảo kiến thức về chuyên ngành dự thi thì sẽ khó trúng tuyển. Phương thức tuyển sinh của ĐH Mỹ thuật Việt Nam là kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Chú thích ảnh
 Thí sinh dự thi tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐH Mỹ thuật VN là thí sinh phải tốt nghiệp THPT và có năng khiếu mỹ thuật, điểm trung bình môn Ngữ văn của 3 năm học THPT phải đạt 5,0 trở lên. Trường có 6 chuyên ngành tuyển sinh gồm Hội hoạ, Đồ hoạ, Thiết kế đồ hoạ, Điêu khắc, Sư phạm mỹ thuật. Mỗi chuyên ngành tổ chức thi tuyển 2 môn riêng, điểm xét tuyển Ngữ văn hệ số 1, điểm thi tuyển năng khiếu hệ số 2, điều này giúp cho công tác tuyển sinh của trường đạt được mục đích sàng lọc được những thí sinh chuyên môn tốt. “Việc xét tuyển môn Ngữ văn với điểm trung bình từ 5,0 trở lên là không thấp, tuy nhiên chúng tôi quan tâm tới phần thi chuyên môn, thể hiện tài năng. Thí sinh trúng tuyển hay không chính là ở phần thi chuyên ngành với hệ số hai. Việc xét tuyển môn Ngữ văn để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác tuyển sinh vào mỹ thuật. Đa phần các em muốn vào mỹ thuật thì ngay từ trên ghế nhà trường các em không chỉ học văn hoá mà còn phải đi học thêm vẽ”, PGS Lê Văn Sửu nhận định.

Được biết, năm nay hồ sơ đăng ký dự tuyển của một số thí sinh có phát sinh đó là có những em tốt nghiệp THPT ở nước ngoài hoặc trường quốc tế nên không phải em nào cũng có đủ số điểm trung bình môn Ngữ văn của cả 3 năm học. Trường cũng đã đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phương án xét tuyển với các thí sinh này nếu các em chỉ có điểm Ngữ văn của 1 năm học.

So với những năm trước, năm nay cả trung cấp và đại học số hồ sơ đăng ký dự tuyển vào Học viện Âm nhạc Quốc gia VN có nhích hơn chút ít. Cụ thể, hệ trung cấp số lượng đăng ký dự thi là 568 thí sinh; đại học là 121. Thông qua kỳ tuyển sinh, Học viện có thể tuyển chọn được những thí sinh có năng khiếu, tài năng thực sự. Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch cho kỳ thi, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia VN cho biết, kỳ tuyển sinh năm nay, Học viện áp dụng một số biện pháp đổi mới.

Theo đó, tách phòng thi chuyên ngành và phòng thi năng khiếu. Điểm chuyên ngành nhân hệ số 2, năng khiếu hệ số 1; thí sinh vào thi, Ban giám khảo không được biết tên, tuổi mà chỉ được biết mã số thí sinh. Những năm trước các thí sinh vào phòng thi phải mang chứng minh thư và phiếu thi, ảnh, nhưng năm nay việc làm này chỉ dừng lại ở phía bên ngoài phòng thi. Trước khi vào thi, thí sinh được giám thị coi thi bên ngoài cấp cho một phiếu có mã số của mình, giám khảo chấm thi bên trong sẽ không biết thí sinh đó tên gì mà chỉ biết mã số của thí sinh và chấm điểm trên phiếu mã số đó. Kết thúc mỗi buổi thi hội đồng thi sẽ thu lại toàn bộ phiếu điểm và kết thúc đợt thì sẽ khớp phách thì lúc đó mới ra tên và điểm của thí sinh. Điều này sẽ đảm bảo được tính minh bạch, khách quan của kỳ thi. Vì đây là một ngành đào tạo đặc thù nên ban giám khảo phải được giữ bí mật đến phút chót để tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Ban giám khảo chỉ được báo trước sau vài giờ trước khi buổi thi diễn ra.

Chú thích ảnh
 Thí sinh tham gia thi tuyển tại Đại học Mỹ thuật VN

Không có sự “nể nang”

“Sẽ không có chuyện nể nang, quen biết để lọt vào trúng tuyển bởi nếu những ai đã ở trong môi trường đào tạo nghệ thuật sẽ hiểu rằng, với nghệ thuật là phải có tài năng mới tồn tại. Vì nể nang mà đưa người không có năng khiếu vào học sẽ là hại chính con em họ. Và việc thi năng khiếu thì phụ thuộc vào năng lực của cá nhân, thầy có giỏi mấy thì cũng không thể cầm cây bút vẽ hay chơi bản nhạc thay cho trò được”, PGS, TS Lê Văn Sửu nhấn mạnh. Nói vậy để hiểu việc tuyển sinh vào các trường nghệ thuật nếu có biết đề trước thì thí sinh vẫn phải tự lực thể hiện bài thi của mình mà không thể tìm bất cứ sự “trợ giúp”, kể cả giám thị coi thi.

Ghi nhận của phóng viên về không khí coi thi ở ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã cho thấy rất rõ sự nghiêm túc thực hiện quy chế coi thi của các trường. Các thành viên của Hội đồng thi của ĐH Mỹ thuật Việt Nam đều không bật máy điện thoại, cơ quan an ninh và bảo vệ nhà trường đảm bảo tuyệt đối không để những người không có trách nhiệm có thể lọt vào trường.

“Trong cuộc họp Hội nghị tuyển sinh chúng tôi chỉ thông báo trước những cán bộ tham gia kỳ tuyển sinh và yêu cầu những cán bộ này phải trực điện thoại trong thời gian tuyển sinh, không được ra khỏi HN. Khi Hội đồng tuyển sinh gọi đến ai thì người đó phải có mặt. Cụ thể, tại Khoa Thanh nhạc, ban đầu dự định ban giám khảo gồm ba thành viên cố định cho cả 4 buổi thi. Tuy nhiên, buổi thi đầu tiên chúng tôi mời hai giám khảo cùng với trưởng khoa ngồi chấm thi, buổi sau chúng tôi lại mời hai giám khảo khác. Chúng tôi làm giống như một ma trận để tránh tình trạng thí sinh được gửi gắm. Đồng thời, tại Hội đồng chấm thi Khoa Thanh nhạc chúng tôi có đặt thêm một máy quay”, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia VN nói.

Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) đã tháo gỡ được một số vướng mắc trong quá trình tuyển sinh và đào tạo của các trường thuộc Bộ. Ví như các trường đại học tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, các trường được phép tuyển sinh nhiều đợt trong năm, thí sinh xét tuyển môn Ngữ văn không cần thi; các trường đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, công khai kết quả đào tạo cũng như tỷ lệ thí sinh ra trường tìm được việc làm ở các ngành năng khiếu… Điều này đã khiến số lượng thí sinh dự thi vào các ngành năng khiếu có xu hướng tăng.

Từ mong muốn tìm được nhân tài nên ban giám hiệu các trường như ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng như các trường trực thuộc Bộ VHTTDL đều có chung quyết tâm sàng lọc để tìm được những thí sinh thật sự có năng khiếu nghệ thuật. Việc xây dựng đề án tuyển sinh mang tính chất đặc thù nhưng không hạ chuẩn chất lượng. Công tác tuyển sinh, thi tuyển được thực hiện rất nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo an toàn.

(TS Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ VHTTDL)

Thi năng khiếu nghệ thuật vào trường đã tăng 50%

Ông Bạch Huyền Linh, Phó trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cho biết, nếu như các năm trước, ngành Lý luận và lịch sử mỹ thuật rất khó tuyển sinh thì năm 2019 này số lượng rất khả quan, nhờ đó nhà trường sẽ có nhiều nguồn để tuyển chọn được thí sinh có năng khiếu vượt trội. Năm nay Trường ĐH Văn hóa TP.HCM có hơn 240 thí sinh tham dự kỳ thi năng khiếu nghệ thuật vào chuyên ngành Tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, thuộc ngành Quản lý văn hóa. So với năm 2018 chỉ có hơn 160 thí sinh, thì năm nay số lượng thí sinh dự thi năng khiếu nghệ thuật vào trường đã tăng 50%,…

Theo lãnh đạo các trường, so với vài năm gần đây, năm nay số lượng thí sinh dự thi vào các ngành năng khiếu có xu hướng tăng nhẹ. Có được kết quả này là nhờ các trường đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, công khai kết quả đào tạo cũng như tỷ lệ thí sinh ra trường tìm được việc làm ở các ngành năng khiếu ngày càng nhiều. Quan trọng hơn, trong quá trình tư vấn và kiểm tra năng khiếu thí sinh, nhiều trường tạo cơ hội thêm để các thí sinh thể hiện các thể loại năng khiếu khác nhau để các em có cơ hội bộc lộ hết khả năng, nhờ vậy mà chọn được thí sinh phù hợp hơn với chuyên ngành đào tạo.

T.TRANG

Đào Anh - Ngọc Nhiên/ Báo Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›