Thiên đường Hawaii

Thứ Ba, 15/04/2014 13:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị,

Phải đến hôm nay tôi mới tin lời vợ chồng ông bà là giáo sư Đại học Hawaii, Mỹ về vẻ đẹp của vịnh Lan Hạ và đảo Cát Bà cách đây mười hai năm không phải ngoại giao.

Ông bà, với tư cách là khách du lịch của tôi, khoác vai tôi lúc đứng trên boong tàu từ Cát Bà về Hạ Long, bảo họ đang ở một nơi đẹp hơn rất nhiều so với Hawaii. Tôi đã không thể gặp lại hai vị khách du lịch của mình trong chuyến đi tới Hawaii mới đây, nhưng nhớ họ rất nhiều, bởi giờ tôi cũng chung nhận xét.

Có thể là chưa đi hết, đồng nghĩa với việc tôi có thể bỏ qua việc thám hiểm những núi lửa, một vài hòn đảo hoang, chưa thể ngồi lên chiếc trực thăng bay lượn qua những vách đá cheo leo bị sóng biển khoét sâu dưới chân như hàm cá mập hay nứt toác ra do biến động của vỏ Trái đất được ví như Grand Canyon trên biển. Nhưng tôi cũng đã rong ruổi hết con đường vòng quanh Honolulu để thấy bãi biển Waikiki đầy nắng và gió, đứng ngắm Blow Hole nơi nước biển phun lên qua những hốc đá thủng theo những đợt sóng xô, thấy làn nước xanh biếc của vịnh Hanauma đầy rặng san hô và cá bơi theo đàn, thấy những hầm ngầm kéo dài tới những căn biệt thự xây sát mép nước, những trang trại trồng dứa bạt ngàn ở phía Bắc của đảo, và cũng đã trèo lên đỉnh Diamond Head để phóng tầm mắt về bốn phía Thái Bình Dương bao la.

Hawaii đẹp, nhưng nếu gọi đó là thiên đường của cảnh sắc đảo và nước, của núi non và những bãi tắm tự nhiên thì chúng ta cũng có rất nhiều những thiên đường như thế. Thậm chí đẹp hơn.

Nhưng tôi không thể tưởng tượng là mình đang đi trên bãi biển dài ngút ngát của Nha Trang được, không phải bởi Waikiki dài chưa đầy một dặm, ít cát nhiều đá, và cũng chẳng phải ở đó không có những người cầm ô (dù) tránh nắng lúc đi tắm biển, hay cả trăm cửa hiệu của những hãng thời trang danh tiếng chạy suốt phố.

Waikiki là cả một sự khác biệt với con đường ven biển không một cọng rác, không một bóng người bán hàng rong, không có những người ăn xin ngửa nón chạy theo khách (ngoại trừ vài người vô gia cư ôm chó cưng ngủ cả ngày bỏ mặc chiếc mũ nhỏ nằm chỏng chơ với vài đồng tiền xu), với dòng khách du lịch tấp nập từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm lẫn với người địa phương mà suốt một tuần ở đó tôi chỉ thấy đúng một lần có người đi bộ vượt đèn đỏ.

Waikiki là những khách sạn xây cách nay hàng chục năm nhưng không nhôm nhoam, là những nhà hàng đầy ắp các món sashimi, sushi cho một lượng khách Nhật đông áp đảo khách Mỹ đi ra đây từ lục địa.

Waikiki là nơi mà khách du lịch có thể đi bộ từ bãi biển vào phía sâu trong thành phố để mướn đồ chơi golf (khách luôn xếp hàng dài) nếu như họ không có thời gian để chơi ở những sân golf trải dài từ sườn núi xuống thung lũng hay không kịp đăng ký để qua cửa các căn cứ quân sự để vào những sân golf nằm sát mép biển.

Waikiki và Hawaii nói chung được coi như là biểu tượng của sự phân cấp cho những ai đủ khả năng tới đây (một trong các lý do lý giải tại sao người Hàn Quốc và Trung Quốc tới ngày một đông).

8,5 triệu khách du lịch và 16 tỷ USD doanh thu mà Hawaii dự tính sẽ đạt được trong năm nay phần nhiều nhờ vai trò của con người chứ không chỉ đơn thuần là thiên nhiên.

Hẹn anh chị câu chuyện mới ở thư sau.

Phạm Tấn (Washingtson D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›