Thiên sử Barbie

Thứ Năm, 20/03/2014 13:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây đúng 55 năm, tháng 3/1959, nhà chế tạo đồ chơi Mattel (Mỹ) cho ra đời búp bê Barbie với số đo ba vòng siêu hạng, làm những trái tim của bao thế hệ trẻ thơ đập rộn ràng. Ít ai biết Barbie còn gây chứng rối loạn dinh dưỡng cho lũ nhóc dậy thì, quyến rũ cả các vị mày râu lớn tuổi và làm giàu cho các viện phẫu thuật thẩm mỹ. Trong giới chuyên môn, có thể coi đây là một bài học mẫu mực về nghệ thuật tiếp thị.

Tập 1

Theo nhà sản xuất Mattel, cứ 3 giây một búp bê Barbie lại được bán ra trên toàn thế giới! Nếu biết những ngày này Barbie vừa tròn 55 tuổi thì đó quả là một con số mà Bill Gates và Marc Zuckerberg nằm mơ cũng không ra.

Búp bê theo nguyên mẫu Thủ tướng Angela Merkel được sản xuất bởi Mattel

Búp bê theo nguyên mẫu Thủ tướng Angela Merkel được sản xuất bởi Mattel

Một ngày nóng nực tháng 6 ở Hamburg (Đức), năm 1952. Họa sĩ Reinhard Beuthien ngồi thừ cả tối trước một bàn đầy bút giấy mà không nghĩ được cái gì ra hồn. Ông nhận được đề nghị của chủ Nhà xuất bản Axel Springer. Người bạn giàu tham vọng định ra một tờ báo mà sau này sẽ thành tờ lá cải Bild lớn nhất châu Âu (trung bình mỗi ngày 2,5 triệu ấn bản) ít chữ nhiều ảnh, kèm theo những mẩu giai thoại theo kiểu biếm họa.

Beuthien sáng tác ra nhân vật là một đứa bé nghịch ngợm, chuyên làm điên đầu cha mẹ và bày trò quỷ quái ở trường. Ban biên tập không duyệt vì hình tượng ấy quá nhàm. Như một tia chớp lóe lên trong đầu, Beuthien không nặn óc nữa mà làm một việc quá quen thuộc hàng ngày: ông vẽ một cô gái trẻ với những nét cường điệu: chân dài miên man, lưng ong thắt đáy, ngực đô ngạt thở, môi chúm chím hôn! Lilli, như cô gái sẽ được đặt tên, thực sự là giấc mơ thị giác của giới mày râu.

Số Bild đầu tiên chỉ có 4 trang và được phát miễn phí hôm 24/6/1952, đánh dấu sinh nhật Lilli: nàng ngồi trước thầy bói, khẩn khoản nhờ tìm hộ một tấm chồng cao to, điển trai và lắm tiền. Từ đó trở đi, Lilli luôn xuất hiện với bộ cánh bó sát người và những lời có cánh mà đôi khi không nên cho trẻ con đọc. Ví dụ: Lilli trên bãi biển, nhướng mắt hỏi cảnh sát: “Ở đây cấm áo tắm hai mảnh ạ? Vậy em phải cởi bỏ mảnh nào trước?”.

Những chủ đề như giải trừ quân bị hay nữ quyền không bao giờ được quan tâm - nước Đức hoang tàn thời hậu chiến đang cần một hình tượng bay bướm và tươi trẻ. Và đúng thế, độc giả Đức vồ lấy Lilli như chộp tia nắng giữa ngày Đông xám xịt. Ban biên tập quyết định tăng cường tiếp thị bằng cách tung Lilli nhựa ra thị trường.


Barbie đầu tiên (New York 1959)…
Tập 2

Cuộc đời tiếp theo của Lilli bắt đầu ở một thị tứ nhỏ gần Coburg (Đức), nơi có hãng làm đồ chơi O&M Hausser với cái mũi thính, chuyên đón đầu thị hiếu thời đại. Họ từng làm búp bê lính tráng dưới thời Hoàng đế Đức, sau này là quân SS của Hitler, và thời bị Mỹ chiếm đóng họ làm búp bê cao bồi hoặc da đỏ. Giờ đây có đơn đặt hàng từ Hamburg, biến Lilli trên giấy thành dạng 3D. Kể cũng hợp thời: Thế chiến II vừa chấm dứt, không ai ưa bom đạn như búp bê, và xe tăng phải nhường chỗ chân dài. Giám đốc thiết kế Max Weißbrodt bắt tay vào khắc phục các thử thách mà chỉ người trong nghề mới biết: Gắn tay vào thân ra sao, khi vòng một quá lớn? Làm thế nào để có thể bẻ đầu nghiêng về hai bên?…


… trông giống hệt cô chị Lilli người Đức

Rốt cục Lilli ra đời, đáp ứng mọi yêu cầu của Bild: nó giống hệt Lilli 2D, tay có nhiều khớp, đầu nghiêng ngả rất điệu đà, đặc biệt khi đặt ngồi thì không dạng cẳng ra như mọi búp bê khác, mà đoan trang duỗi cặp đùi thon khép kín! Ngày 12/8/1955 Lilli chính thức ra sạp cùng báo Bild với giá 7,50 và 12 mark cho hai cỡ 19 và 29 cm, phải nói là giá đó rất chát ở thời đói kém, vậy mà Bild lại lần nữa mát tay: hơn 130.000 búp bê bán hết veo.

Thành công thương mại đó không chỉ nhờ vào ba số đo mát mắt. Trẻ con thích Lilli vì có thể nhuộm tóc và mặc cho nó hàng mấy chục bộ đồ khác nhau (cũng do Bild thuê thiết kế, từ đồ công sở đến trang phục tennis hay áo dài dân tộc). Lilli không chỉ là một búp bê để nói chuyện và ru ngủ, mà còn để chăm sóc như một đứa em, đã thế hằng ngày lại xuất hiện trên báo Bild với những câu nói ranh giảo nghịch ngợm - một nhân vật sống động và thay đổi từng ngày, như chưa búp bê nào trước đó làm được! Axel Springer chưa cạn sáng kiến: Năm 1958 ông cho Lilli lên màn bạc và tổ chức rùm beng tuyển chọn diễn viên cho vai chính - dĩ nhiên trên báo Bild. Chuyện xuất khẩu Lilli ra nước ngoài chỉ là bước kế tiếp logic.

Tập 3

Bây giờ ta theo gót Lilli qua Luzern (Thụy Sĩ), thành phố của sô-cô-la và du lịch. Một ngày đẹp trời, du khách Mỹ Ruth Handler ngó vào cửa kính một cửa hiệu và mắt sáng lên. Cùng chồng, Elliot Handler, bà có một công ty làm đồ chơi từ năm 1945. Búp bê Lilli khiến bà mua ngay cho con gái Barbara Joyce.


Búp bê với cuộc đời riêng: Ngày xưa Barbie có bạn trai Ken, sau đó lại cặp với Blaine 

Khi nhìn con gái mê mẩn chơi với quà tặng, bà quyết tâm chế ra một búp bê tương tự, mang tên gọi ở nhà của con gái mình: Barbie. Ngày 9/3/1959, búp bê Barbie xuất hiện tại Hội chợ đồ chơi New York: cao 29,5 cm, tóc vàng hoe. Trong năm đầu, Mattel bán được… 350.000 búp bê.

Vì giống Lilli như giọt nước, Mattel tìm cách mồi chài Bild và mua được bản quyền búp bê 1964. Sau đó họ đình chỉ sản xuất Lilli và từ nay Barbie được độc quyền chiếm lĩnh trái tim trẻ con toàn cầu. Tùy mong đợi của khách, Barbie thay đổi khuôn mặt nhiều lần, có cả phiên bản da màu và sau này xuất hiện cùng bạn trai Ken.

Nhưng cô nàng xinh đẹp không tránh được vô số chỉ trích. Nhiều bậc phụ huynh và nhà giáo than phiền là Barbie xúi trẻ con mới lớn đua đòi có một vẻ đẹp không thể có được và cũng không nên có. Thuần túy về khoa học thì một người có ba vòng như Barbie là vô lý, vì vòng bụng như vậy không chứa nổi nội tạng. Các nhà nữ quyền thì phản đối Barbie vì nó tạo ra hình ảnh một chân dài não ngắn, quy phục đàn ông vô điều kiện. Không hiếm đại diện phái yếu phẫu thuật cả chục lần cho giống Barbie… Mattel tìm cách sửa sai: từ năm 1965 có Barbie trong bộ đồ du hành vũ trụ, đại sứ UNICEF, chính trị gia…

Ở tuổi 55, Barbie đôi khi thoát khỏi phòng trẻ con và thành vật sưu tầm cao giá cho người lớn - điểm duy nhất tương tự như cô chị xấu số: Ai hôm nay còn giữ Lilli, có thể phán giá đến 2.000 euro.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›