Thiếu kiểm soát 'chung cư mini' - Bài cuối: Giải pháp cấp bách

Thứ Năm, 21/09/2023 15:08 GMT+7

Google News

Nhà ở riêng lẻ xây dựng nhiều phòng để bán hoặc cho thuê đang khá phổ biến bởi sự tiện ích cho người lao động, học sinh hoặc người có thu nhập thấp và mô hình này được dự báo vẫn tiếp tục gia tăng. 

Vì vậy, chính quyền không chỉ siết chặt quản lý mà cần đưa ra hình thức phù hợp với thực tiễn và hơn cả là ý thức từ các bên liên quan như: chủ nhà, đơn vị thi công, khách hàng mua hoặc thuê nhà... để tránh tranh chấp, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Theo quy định về cấp Giấy chứng nhận, tại Điều 9 Quyết định số 12/2017/QĐ-UB quy định: Nhà chung cư do hộ gia đình, cá nhân xây dựng nếu đáp ứng các điều kiện về nhà chung cư theo quy định (tại Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP) thì được cấp Giấy chứng nhận đối với từng căn hộ trong nhà ở đó; trường hợp chủ sở hữu bán, cho thuê mua, tặng cho, để thừa kế căn hộ trong nhà ở này cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở này thuộc sử dụng chung của các đối tượng đã mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế căn hộ.

Trường hợp công trình xây dựng không có Giấy phép hoặc xây dựng sai phép thì công trình đó phải được kiểm tra, xử lý theo quy định. Sau khi xử lý, nếu công trình được phép tồn tại và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với diện tích xây dựng sai phép, không phép thì được xét cấp Giấy chứng nhận.

Thiếu kiểm soát 'chung cư mini' - Bài cuối: Giải pháp cấp bách - Ảnh 1.

Cần có giải pháp cấp bách cho chung cư mini. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu của Sở Xây dựng Hà Nội, đối với nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ đang diễn ra trên địa bàn thành phố thì phần lớn không có đủ tiêu chí để cấp giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở nêu trên. Vì vậy, cả chủ nhà và người mua nhà, thuê nhà cần nắm rõ các quy định trước khi giao dịch.

Sở Xây dựng Hà Nội đang đề xuất với UBND thành phố Hà Nội để có giải pháp cấp bách, siết chặt khâu quản lý loại hình nhà ở này, đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian chờ xử lý những tồn tại đã kéo dài suốt thời gian qua.

Theo đó, đối với UBND các quận, huyện, cần khẩn trương rà soát toàn bộ công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở đã hoàn thành để phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; tổ chức tuyên truyền, tập huấn quy định về quản lý sử dụng nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ khâu tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý trật tự xây dựng theo quy định..., thành phố cần chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với Công an thành phố, hướng dẫn chủ sở hữu công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ đầu tư trang thiết bị thiết yếu phục vụ phòng cháy, chữa cháy như: chuông báo cháy, thang dây, mặt nạ phòng độc, bình chữa cháy, biển báo, đèn tích điện…; xây dựng phương án phòng chống cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho từng tòa nhà; tuyên truyền, tập huấn cho các hộ gia đình về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và có phương án xử lý sự cố công trình, nhất là sự cố về cháy nổ.

Các chủ sở hữu phải xây dựng phương án quản lý vận hành và bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà; phối hợp với hộ gia đình thuê nhà hoặc mua nhà đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy cơ bản để đảm bảo an toàn; có giải pháp ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở và có lối thoát nạn riêng đảm bảo cách ly nguồn cháy; thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở các hộ gia đình, cá nhân tuân thủ và chấp hành nghiêm quy định về quản lý vận hành tòa nhà và phòng cháy, chữa cháy cứu nạn cứu hộ.

Đặc biệt, thành phố khuyến cáo và mong muốn người dân tự giác nâng cao việc chấp hành xây dựng đúng quy định của giấy phép xây dựng; khắc phục tình trạng nể nang, xin - cho và tiêu cực trong việc cấp phép, kiểm tra, thanh tra trong quá trình xây dựng và quản lý nhà ở riêng lẻ.

Hiện nay, Thành ủy Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo và UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị và Kế hoạch để kiểm tra rà soát, tìm giải pháp xử lý tồn đọng đối với loại hình nhà ở riêng lẻ. Lúc này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân để đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng người dân sinh sống tại những công trình này.

Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›