Thiếu vắng tác phẩm chạm vào 'mảnh hồn làng' thời 4.0

Thứ Hai, 20/05/2019 07:18 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Văn học Việt đã có không ít tác phẩm “để đời” về đề tài nông thôn với khá nhiều tác giả, nhưng gần đây, mảng đề tài này lại vắng bóng trên văn đàn.

Văn học Việt Nam: Làm gì để… bước ra thế giới?

Văn học Việt Nam: Làm gì để… bước ra thế giới?

Từ ngày 15-21/2 tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Giang, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức sự kiện “3 trong 1” gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII.

Vấn đề này khiến nhiều nhà văn, nhà thơ trăn trở trong nhiều năm, và đã có không ít cuộc thi viết được tổ chức để tìm kiếm những tác phẩm hay đề tài nông thôn nhưng kết quả thường không như ý.

Thiếu vắng tác giả tác phẩm hay về nông thôn

Ở thế kỷ trước, văn học Việt đã có không ít tác phẩm “để đời” về đề tài nông thôn, trong đó tiêu biểu như: Chí Phèo, Lão Hạc (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Thư nhà (Hồ Phương), Cái hom giỏ, Vợ chồng ông lão chăn vịt (Vũ Thị Thường), Vụ mùa chưa gặt (Nguyễn Kiên)...

Lớp thế hệ nhà văn về sau cũng cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng về đề tài này, có thể kể đến: Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Cù lao Chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Nỗi đau dòng họ (Sương Nguyệt Minh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)...

Chú thích ảnh
“Chí Phèo” - một truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao về đề tài nông thôn

Đây là những món ăn tinh thần với nhiều lớp độc giả Việt Nam ở nhiều độ tuổi, trong đó nhiều tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh với giới văn học quốc tế. Tuy nhiên gần đây, số lượng đầu sách viết về nông thôn mỗi năm lại ít đi, số lượng nhà văn trẻ chuyên trị đề tài nông thôn có thể đếm trên đầu ngón tay.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Từ khi nền văn học Việt Nam hiện đại xuất hiện, tôi nhận thấy, tác phẩm xuất sắc nhất của các nhà văn nổi tiếng các thời kỳ như: Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư... đều về nông thôn.

Chú thích ảnh
Nhà văn Trần Đăng Khoa

Tôi nghĩ, đây là đề tài có sức hút mạnh mẽ, có vô vàn yếu tố để khai thác và thể hiện nhưng hiện nay, những tác phẩm được coi đặc sắc và hấp dẫn về nông thôn mới, về người nông dân thời hội nhập, tay cầm smartphone, chỉ đạo cả một khu chăn nuôi rộng lớn lại chưa có là bao, chưa thấm tháp vào đâu với sự phát triển của xã hội".

Cùng quan điểm này, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay - Dân Việt, chia sẻ: "Nông thôn là một đề tài rộng lớn, nhất là bối cảnh nông thôn mới hôm nay đang có sự biến đổi ghê gớm, có rất nhiều chất liệu, nhiều vấn đề để người sáng tác khai thác. Nhưng đáng tiếc là mảnh đất màu mỡ ấy dường như đang bị bỏ quên, khi văn học Việt thời gian gần đây đang dần thiếu vắng các sáng tác hay về nông thôn, các nhà văn dường như ngày càng ít quan tâm đến đề tài này".

Chú thích ảnh
Nhà báo Lưu Quang Định

“Việc văn học thiếu các tác phẩm hay về nông thôn khiến người nông dân không được thừa hưởng văn hóa nói về mình, thiếu đi một nguồn động viên to lớn để bà con nông dân cũng như toàn xã hội tham gia vào xây dựng đời sống nông thôn mới.

Chính vì vậy, để có được những tác phẩm xứng tầm về đề tài nông thôn trong thời đại mới, ngoài tâm huyết và tài năng của đội ngũ sáng tác, còn rất cần sự đầu tư tương xứng. Trong đó, cần thiết tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác về đề tài nông thôn, qua đó kích thích sức sáng tạo, sự dấn thân, lòng nhiệt huyết của các cây bút” - ông Lưu Quang Định nói thêm.

Kỳ vọng một cú huých

Việt Nam là một quốc gia có tới 80 % dân số sống, trưởng thành và làm việc ở nông thôn nhưng đề tài nông thôn trong văn học trong hai, ba thập niên gần đây chưa thể hiện được xứng tầm quan trọng, vai trò trung tâm trong đời sống văn hóa xã hội. Đây được cho là một thiệt thòi lớn cho chính đội ngũ sáng tác cũng như cho chính các độc giả thụ hưởng những giá trị văn hóa tinh thần.

Nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng cội nguồn sâu xa từ làng quê, tuy nhiên làng xã ngày nay thay đổi rất nhiều về hình thù, biến đổi tinh thần và văn hoá. Ông bảo trước đây khi nghèo đói mong làng giàu có, tới nay khi làng giàu có rồi ông lại có những nỗi lo sợ khác. Tác giả Bước qua lời nguyền hy vọng, sẽ có thêm nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực làng quê, vừa tôn vinh văn hoá làng, nhưng cũng không bỏ qua việc cảnh báo về những mặt trái, những hiện tượng tiêu cực ở nhiều nơi.

Chú thích ảnh
Nhà văn Tạ Duy Anh

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy - tác giả Màu rừng ruộng, nhận định, đa phần nhà văn Việt Nam đều sinh ra ở nông thôn, đó là lĩnh vực họ am hiểu nhất, gắn bó nhất. Bản thân ông cũng vậy, ông sống ở nông thôn 18 năm sau khi thoát ly, và giờ dù có 20 năm sống ở thành phố, nhưng ông vẫn gắn bó với quê hương. Khi viết, chỉ với đề tài nông thôn, làng quê, ngòi bút của ông mới có rung động mạnh mẽ.

Chú thích ảnh
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy cho rằng đang thiếu vắng các truyện ngắn, các tiểu thuyết chạm vào "mảnh hồn làng" trong mỗi người

Cũng giống như nhà thơ Trần Đăng Khoa, Đỗ Tiến Thụy cho rằng, tác phẩm viết về làng quê Việt Nam thời 4.0 không phải chưa có, thậm chí đã nhiều tác phẩm được ra đời nhưng lại thiếu vắng các truyện ngắn, các tiểu thuyết chạm vào "mảnh hồn làng" trong mỗi người như Mảnh đất lắm người nhiều ma.

Lý giải nguyên do vì sao văn đàn vắng những tác giả tác phẩm đề tài nông thôn, nhà văn Đỗ Tiến Thụy thẳng thắn: “Có một thời kỳ, đề tài văn học nông thôn không được đón nhận. Các nhà sách cho rằng đề tài này rất khó bán và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nhiệt huyết của tác giả. Chính bản thân tôi cũng đã trải nghiệm điều này khi gửi những tác phẩm đề tài nông thôn mà tôi dành nhiều tình cảm nhưng không được các ban biên tập đón nhận. Tôi bị chững lại, loay hoay tìm đề tài khác”.

Thế nên, cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” vừa phát động được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng mới các tác phẩm về đề tài nông thôn.

Cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”

Cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” được tổ chức trong 2 năm, từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2021, với sự chủ trì, tham gia Ban tổ chức, Ban giám khảo của đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Ban Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng các nhà văn nổi tiếng, có uy tín và sức ảnh hưởng xã hội lớn. Dự kiến cuộc thi sẽ kết thúc, trao giải vào tháng 5/2021 - đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày xuất bản số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên với giải thưởng thuộc hàng cao nhất trong số các cuộc thi viết truyện ngắn từ trước đến nay, gồm: 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 2 giải nhì trị giá 20 triệu đồng/giải; 3 giải ba trị giá 10 triệu đồng/giải; 10 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất sẽ được trao giải thưởng trị giá 5 triệu đồng. Ban tổ chức cũng sẽ trao tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm hưởng ứng cuộc thi có chất lượng cao.

Tiểu Phong

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›